Cử nhân chạy xe ôm công nghệ: Lãng phí nguồn nhân lực?

(ĐTTCO) - Trước hình ảnh hàng trăm tài xế grab tắt app, tập trung ở trụ sở công ty để phản đối hãng này tăng mức khấu trừ mỗi chuyến xe, đã làm nhiều người băn khoăn vì lực lượng xe ôm công nghệ toàn người trẻ ở độ tuổi lao động vàng. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong đó nhiều người tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học, thậm chí có cả thạc sĩ. Việc này liệu có đang làm lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo trên ghế nhà trường? 

Chạy Grab không áp lực, thu nhập ổn
Tốt nghiệp đại học ngay trong thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid -19, thay vì chạy tới chạy lui xin việc, N.H quyết định làm xe ôm công nghệ toàn thời gian. Hàng ngày khoảng 7 giờ 30 H. bật app chạy tới trưa tắt app về nghỉ, có hôm chạy luôn tới chiều tối. Tuy phải chạy cả ngày ngoài đường, nhưng H. cảm thấy thoải mái vì chủ động được thời gian, thích thì chạy nhiều, không thích chạy ít, lúc nào mệt có thể nghỉ và quan trọng nhất thu nhập khá ổn. Những cử nhân cất bằng tốt nghiệp chấp nhận làm xe ôm công nghệ như H. hiện không ít. 
 Những cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm công nghệ trong nền kinh tế tự hào là tăng trưởng nhanh, là nghịch lý xã hội không thể biện minh. 
Ông Phạm Việt Anh
Thực tế, việc những lao động trẻ, cử nhân chọn công việc này đã có khoảng vài năm trở lại đây. Tại thời điểm năm 2017, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết có khoảng 20.000 cử nhân thất nghiệp trong năm và có đến 80% sinh viên, cử nhân ra trường làm xe ôm công nghệ. 
Thật ra, nếu chưa tìm được việc làm, chọn làm xe ôm công nghệ là quyết định không tồi. Nhưng vấn đề đặt ra, sau 1-2 năm, thậm chí lâu hơn, khi đã quen với kiểu làm việc thoải mái thời gian lại bị thui chột kiến thức học được trước đó trên ghế nhà trường, liệu những cử nhân trẻ có muốn xin vào doanh nghiệp làm với mức lương khởi điểm thấp hơn nhiều so với chạy xe ôm công nghệ, áp lực cao, yêu cầu kỷ luật rõ ràng? Đó là câu hỏi lớn có lẽ chính các bạn trẻ làm xe ôm công nghệ chưa thể trả lời ngay. 

Khó xin việc vì trình độ… lý thuyết 
Vì đâu có quá nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp phải chọn lựa làm xe ôm công nghệ để có thu nhập, duy trì cuộc sống? Phải chăng một phần nguyên nhân bởi chúng ta không có những chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người trẻ sau khi tốt nghiệp thực sự hiệu quả? 
Nói về việc này, ông Phạm Việt Anh cho biết thêm, thời gian qua nhân sự trung cao cấp của Hàn Quốc đến Việt Nam cạnh tranh với nhân sự trong nước khá nhiều. Chính phủ Hàn Quốc đang hỗ trợ người trẻ nước này tìm công việc tốt ở khắp nơi trên thế giới. Điển hình là chương trình K-move được thành lập để kết nối sinh viên Hàn với các doanh nghiệp ở trên khắp 70 quốc gia. Để có thể học tập Hàn Quốc hỗ trợ người trẻ tìm việc làm khắp nơi, điều trước tiên chúng ta phải giải cho được bài toán chất lượng nguồn nhân lực. 
Thực trạng hiện nay tại nhiều trường cao đẳng, đại học, là sinh viên học tập thụ động, chương trình giảng dạy nặng lý thuyết, thiếu kết nối với các doanh nghiệp, đã đẩy nhiều lao động trẻ vào hoàn cảnh được đào tạo nhưng trình độ và kỹ năng trên thực tế không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành cơ khí từng thừa nhận chương trình đào tạo của nhiều trường hiện nay quá lạc hậu. Đây chính là nguyên nhân khiến cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường ít, thu nhập thấp. 

Phải thay đổi, không thụ động
Trong khi số cử nhân thất nghiệp mỗi năm lên tới vài chục ngàn người, các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu bài toán tuyển dụng nhân sự, nhất là nhân sự có chất lượng. Thí dụ, ngành công nghệ thông tin được dự báo hấp dẫn từ nhiều năm nay, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn không thể tuyển được nhân sự đạt yêu cầu, dù mức lương cho nhiều vị trí cực kỳ hấp dẫn.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, trong khi nhiều ngành nghề phải cắt giảm lao động, những ngành liên quan đến công nghệ thông tin vẫn tăng nhu cầu tuyển dụng. Trang tuyển dụng nhân sự VietnamWorks cho biết trong 10 năm (từ 2010 đến nay), nhu cầu tuyển nhân sự ngành công nghệ thông tin tăng 4 lần và tiếp tục tăng trưởng trong 10 năm tới, nhưng rất khó tuyển người. 
Còn theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có khoảng 50 trường đào tạo ngành công nghệ thông tin. Hàng năm xấp xỉ 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường nhưng chỉ khoảng 30% lao động có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại cần phải được đào tạo bổ sung hoặc đào tạo lại. Việc này gây lãng phí nguồn lực lớn cho xã hội, và là minh chứng rõ nét cho lỗ hổng trong đào tạo chất lượng nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng. Nhưng cho đến nay chúng ta lại chưa có chính sách nào cụ thể để lấp lỗ hổng này. 
Nếu việc đào tạo không thay đổi, chất lượng nguồn nhân lực nói chung vẫn sẽ giậm chân tại chỗ. Đã đến lúc thay đổi cách dạy học truyền thống. Giáo dục đại học không nên thụ động đưa kiến thức đến với sinh viên nữa, nên trang bị cho sinh viên nền tảng tư duy, thái độ giải quyết vấn đề đó. Và đây cũng chính là điều các doanh nghiệp cần. 
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mở cánh cửa nhà máy để các sinh viên có thể tìm tòi nghiên cứu công nghệ mới. Nhưng cái họ muốn là thái độ học hỏi tích cực của sinh viên, không phải xem cho có, thực tập cho xong việc để rồi khi chính họ có nhu cầu tuyển dụng cũng không dễ dàng. Số lượng bạn trẻ, cử nhân chạy xe ôm công nghệ không chiếm tỷ lệ quá lớn trong lực lượng lao động trẻ, nhưng đã đặt ra nhiều bài toán chung cho vấn đề chất lượng và chống lãng phí nguồn nhân lực.   

Các tin khác