Cú sốc tăng giá “mật” và hệ lụy

(ĐTTCO)-“Hiện giá bán xăng dầu đang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng của người dân. Biến động giá xăng dầu liên quan trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, xăng dầu tác động trực tiếp đến đời sống người dân nên dễ dẫn đến lạm phát kỳ vọng tăng nên cần lưu ý”. 
Cú sốc tăng giá “mật” và hệ lụy
Đó là phát biểu của đại diện Bộ Công Thương trong buổi họp báo Chính phủ ngày 4-5. Nếu dựa trên những luận điểm này, Bộ Công Thương cho rằng giá điện, xăng dầu cần phải đưa vào danh mục “bí mật nhà nước”.
Chính sách ngược xu thế
Nếu nói về độ mật và nhạy cảm, giá điện, xăng dầu chắc chắn không thể so sánh được với các thông tin của chính sách tiền tệ. Nhiều năm trước đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã từng xem các thông tin ngành mình như bí mật quốc gia, nên hầu như ít công khai cho công chúng nắm bắt.
Chẳng hạn năm 2007, bất ngờ NHNN đẩy tốc độ tăng trưởng tiền tệ tăng vọt lên 50%, khiến cho lạm phát bùng nổ lên đến vài chục phần trăm. Nhiều năm sau đó các thông tin về tăng trưởng tiền tệ và tỷ giá vẫn cứ được xem là điều gì đó bí mật. Tất nhiên, lạm phát và tỷ giá vẫn cứ trong vòng xoáy biến động ngoài tầm kiểm soát.
Rút kinh nghiệm, khoảng 5 năm gần đây, NHNN luôn công khai chính sách tiền tệ ngay từ đầu năm, với việc phát tín hiệu tốc độ tăng trưởng tiền tệ bình quân khoảng 14-16%/năm. Lạm phát trong nhiều năm gần đây luôn dưới mức mục tiêu 4%. Kỳ vọng lạm phát ít được đề cập thời gian gần đây phần nào do tính minh bạch như thế trong chính sách tiền tệ.
Như vậy thị trường tăng kỳ vọng về vòng xoáy lạm phát là xuất phát từ những bất cập trong chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chứ đâu phải đến từ hành vi nhạy cảm của công chúng đối với giá điện, xăng dầu, như lập luận ngược đời của Bộ Công Thương.
Giá cả của tiền tệ có độ nhạy cảm đối nội và đối ngoại vô cùng to lớn, nhưng cũng phải trong xu hướng công khai hóa. Ngược lại giá điện xăng, dầu không hiểu lý do gì lại muốn được mật hóa. Đó là cái ngược đời khác nữa của Bộ Công Thương. Chính xác hơn, phải nói đó là chính sách ngược xu thế. Ngược xu thế so với thời đại và ngược xu thế so với kỳ vọng về một Chính phủ kiến tạo mà công chúng đang mong mỏi.
Cú sốc tăng giá “mật” và hệ lụy ảnh 1  
Cái giá của mật hóa
Hiện có nhiều ghi nhận của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới về tác động có thể của các cú sốc tăng giá dự kiến và không dự kiến. Lấy thí dụ trong lĩnh vực tiền tệ, đối với cú sốc tăng giá có dự kiến, việc NHNN công bố khối lượng tăng trưởng tiền tệ mỗi năm 14% phần nào đó giúp cho các doanh nghiệp, ngân hàng thuận lợi hơn trong việc tính toán các kế hoạch kinh doanh, thiết lập mức giá bán và lãi suất phù hợp.
Mặt bằng giá cả chung của nền kinh tế sẽ hình thành dựa trên kỳ vọng về lượng cung tiền tệ chỉ có 14%. Chính sách này một mặt hướng đến lạm phát mục tiêu, nhưng ít ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Còn cú sốc tăng giá không dự kiến là Ngân hàng Trung ương cứ âm thầm mở rộng cung tiền một cách bí mật. Với kỳ vọng chỉ đến khi lạm phát bùng lên thị trường mới nhận biết được.
Trong khoảng thời gian trước khi lạm phát bùng lên, các doanh nghiệp cứ ngỡ lạm phát vẫn trong vòng mục tiêu, nên cứ vô tư tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh. Cú sốc tăng giá không dự kiến vì vậy có tác dụng làm cho GDP tăng trưởng trong ngắn hạn. Nó đặc biệt thích hợp cho những chính phủ theo đuổi tư duy nhiệm kỳ.
Nay với chính sách mật hoá giá điện, xăng dầu, xem ra Bộ Công Thương đang vô tình hay hữu ý dẫn dắt chính sách của ngành mình đi theo các “mẹo” tạo ra “ảo ảnh” cho người dân. Kinh nghiệm hoạch định chính sách ở các nước cho thấy mẹo này chỉ có thể đánh lừa công chúng một vài lần, chứ không thể lừa mãi. Từ đây, bất kỳ động thái chính sách nào của Chính phủ có khả năng sẽ được thị trường diễn dịch một cách sai lệch.
Sau này cho dù Bộ Công Thương có nói chỉ tăng giá điện 8,3%, nhưng một nhà sản xuất ô tô chẳng hạn có thể tính vào giá bán cao hơn con số này nhiều lần. Họ tính như vậy như là một phần bù rủi ro để bù lại những thiệt hại từ những cú sốc tăng giá mật bất ngờ sau này. Trong dài hạn một chính sách tăng giá bí mật sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng là lạm phát tăng tốc và tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Ám ảnh doanh nghiệp nhỏ
Với chính sách mật hóa giá điện, xăng dầu, xem ra Bộ Công Thương đang vô tình hay hữu ích dẫn dắt chính sách của ngành mình đi theo các “mẹo” tạo ra “ảo ảnh” cho người dân. 
Về mặt phúc lợi xã hội, các cú sốc tăng giá không dự kiến còn dẫn đến bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ tiếp cận vốn từ khu vực ngân hàng với lãi suất thả nổi theo lạm phát. Các cú sốc tăng giá mật khiến cho doanh nghiệp không biết trước, nên họ cứ mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư dài hạn. Anh nông dân cứ vô tư ra ngân hàng vay nợ cho mùa canh tác của mình.
Đến khi các nhà quản lý bất ngờ tăng giá điện, xăng dầu thì khối nợ thực của doanh nghiệp và anh nông dân giờ đã cao hơn, vì họ phải gánh chịu lãi suất thực cao hơn do chỉ số giá tiêu dùng tăng theo. Trong khi đó ai dám khẳng định liệu các nhóm tư bản thân hữu không thể biết trước thông tin này để chuẩn bị sẵn kịch bản kinh doanh có lợi cho mình.
Bộ Công Thương luôn khẳng định tính toán tác động mỗi lần tăng giá điện, xăng dầu không ảnh hưởng đến lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ. Nhưng chắc chắn một điều, mỗi lần tăng giá không báo trước như thế sẽ có tác động không đồng đều lên các thành phần kinh tế.
Chính sách tăng giá mật có cái gì đó giống như hình ảnh con khủng long bị chặt đứt đuôi mà mãi hồi lâu sau nó mới nhận biết được. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt đâu phải khủng long để có thể chịu đựng nổi những cú sốc bất ngờ.
Đa phần trong số họ là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các cú sốc tăng giá mật cũng không khác việc các cơ quan quản lý dùng mẹo vặt lông vịt sao cho chúng không kêu toáng lên. Trong khi Chính phủ cứ mãi kỳ vọng các doanh nghiệp Việt phát triển giống như mô hình đàn sếu bay cùng nhau tung cánh vươn ra biển lớn.

Các tin khác