Cuộc chiến chống đại dịch

(ĐTTCO)-Chúng ta đang sống giữa một thời khắc lịch sử, tâm điểm của khoảng thời gian cân não chống dịch của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam. Kết quả của 2 tuần tới sẽ quyết định tương lai của đất nước, vận mệnh của nền kinh tế và sinh kế của hàng triệu đồng bào. Và trong những ngày gian khó, căng thẳng vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến trọn vẹn vẻ đẹp của tinh thần dân tộc và giá trị nhân văn to lớn của Nhà nước Việt Nam.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đội ngũ bác sĩ chăm sóc tại khu cách ly đặc biệt Bệnh viện Nhiệt đới 2. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đội ngũ bác sĩ chăm sóc tại khu cách ly đặc biệt Bệnh viện Nhiệt đới 2. Ảnh: VIẾT CHUNG
Kinh tế quý I sụt giảm nhưng chưa đáng lo
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I-2020. Theo đó, tăng trưởng GDP của quý I so với cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 3,8%, trong khi của năm 2019 là 6,82% và năm 2018 là 7,45%, đặc biệt là mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp đang ở mức thấp nhất của giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy quả thực nền kinh tế của chúng ta đang chậm lại do các tác động tiêu cực từ đại dịch cúm Covid-19. 
Nhưng có lẽ những dữ liệu này chưa phản ánh hết bức tranh u ám của nền kinh tế Việt Nam, vì đó mới chỉ là những gì diễn ra trong quý I của năm nay, tức giai đoạn đầu của đại dịch, khi các tác động tiêu cực mới chỉ dừng lại ở khu vực nông nghiệp, công nghiệp lắp ráp, hàng không, du lịch và một số ngành dịch vụ.
Còn giờ đây, khi Chính phủ ra lệnh đóng cửa biên giới, hạn chế giao thông nội địa, ngưng tất cả các dịch vụ không thực sự cần thiết, yêu cầu người dân hạn chế ra đường và hầu hết các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đều cho phép người lao động làm việc tại nhà, thì chắc chắn công suất của nền kinh tế đã bị giảm về mức tối thiểu, đủ để duy trì ở một trạng thái trên mức đình trệ. 
Nhưng như thế đã là rất sáng sủa và có phần may mắn trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Nhìn ra thế giới, kinh tế của các quốc gia hàng đầu ở châu Âu đã gần như vỡ trận, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ và có thể kéo nền kinh tế này vào một cuộc khủng hoảng thậm chí còn tồi tệ hơn hồi năm 2009.
Do đó, Chính phủ các quốc gia này đã phải tung ra các gói giải cứu kinh tế hàng ngàn tỷ đô la, thậm chí là phát tiền cho người dân để giúp họ đảm bảo mức sống tối thiểu, ngăn cho tình trạng hoảng loạn và đổ vỡ hệ thống không xảy ra. Nhưng những diễn biến gần đây đã cho thấy chưa có điều gì đảm bảo rằng các quốc gia này sẽ thành công.
Nói rõ như vậy để thấy rằng hoàn cảnh của Việt Nam hoàn toàn khác. Ngay từ những ngày đầu, Chính phủ đã đánh giá được tình hình, hành động nhanh chóng, quyết liệt và có nhiều phương án phòng ngừa phù hợp. Vì vậy, đến lúc này chúng ta vẫn làm chủ được tình hình, nắm cơ hội lớn để giành chiến thắng cuối cùng và tất yếu.
Và khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, nền kinh tế quay trở lại các hoạt động bình thường thì sự phục hồi sẽ diễn ra, khi đó các hậu quả về kinh tế sẽ được khống chế và khoanh vùng ở mức nhỏ nhất.
Có thể là một con số khổng lồ nào đó mà chúng ta chưa từng nghe đến nhưng chắc chắn không thể làm cho nền kinh tế sụp đổ. Còn ngược lại, nếu trận chiến chống dịch hiện nay thất bại thì chắc chắn sẽ xảy ra đổ vỡ và khi đó hệ lụy sẽ vô cùng khủng khiếp.

Khó khăn Chính phủ đã nhìn thấy
Nói như vậy, để thấy rằng quyết sách của Chính phủ là hy sinh các mục tiêu kinh tế để tập trung dồn toàn bộ nguồn lực chống dịch là một sự lựa chọn tất yếu và không thể bàn cãi.
Vì vậy, đối với kinh tế thì Chính phủ chỉ tác động một lực vừa đủ để đảm bảo sự phá sản hàng loạt không xảy ra, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đó là khu vực dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng sẽ là động lực để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi khi đại dịch qua đi. 
Và thực tế là thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như miễn, giãn thời gian đóng các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, yêu cầu ngân hàng thương mại giảm lãi vay hoặc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thậm chí mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã công bố sẽ có một gói giải cứu kinh tế lớn hơn gấp nhiều lần để giúp chủ doanh nghiệp đảm bảo thu nhập cho người lao động mặc dù họ phải nghỉ làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước đó, lãnh đạo TPHCM cũng đã yêu cầu trích lương của cán bộ công chức để hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm.
Như vậy, nếu tất cả những chính sách trên được quy thành tiền cụ thể thì đó cũng là những con số rất đáng kể, đặc biệt là trong mối tương quan với nguồn lực ngân sách của Việt Nam.
Vì vậy, lúc này các quan điểm so sánh về chính sách giải cứu kinh tế hàng ngàn tỷ của các quốc gia phát triển vừa nêu hay việc Chính phủ nước họ phát tiền cho dân xài với cách làm của chúng ta hiện nay là rất khập khiễng và phiến diện. Mà đã so sánh thì phải khách quan và đa chiều, phải nói luôn đến cách mà các quốc gia này đã đối phó với dịch bệnh, với cách mà họ tiến hành cách ly, chăm sóc và điều trị người dân nước họ bị nhiễm và nghi nhiễm.
Vào những ngày dịch bệnh bắt đầu bùng nổ trên thế giới thì chúng ta đã khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đón người dân Việt Nam từ các vùng dịch và kiều bào quay về. Chúng ta cách ly, chăm sóc và điều trị hoàn toàn miễn phí. Chúng ta đã đem toàn bộ nguồn lực của một quốc gia vốn eo hẹp về tài chính, khó khăn về hạ tầng và thiếu thốn từ nhân lực cho đến trang thiết bị y tế để đương đầu với dịch bệnh, để không ai bị bỏ lại phía sau, để nói lên bản chất tốt đẹp của dân tộc, của quốc gia và chế độ. 
Nhân dân tin tưởng vào điều đó, kiều bào đã đón nhận điều đó và thế giới đã chứng kiến điều đó. Trong những ngày vừa qua, có nhiều thứ đi xuống nhưng tinh thần dân tộc đã dâng lên mạnh mẽ và đó sẽ là một nguồn lực to lớn hơn bao giờ hết khi dịch bệnh qua đi, chúng ta bắt tay vào khắc phục hậu quả và xây dựng kinh tế. Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân có thể làm nên những điều vô cùng vĩ đại.
Nhưng trước hết chúng ta phải chiến thắng trong trận chiến chống đại dịch lần này đã! 

Các tin khác