Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Thế khó ứng phó tác động tiêu cực

(ĐTTCO) - Chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ, khi quyết định áp thuế của Hoa Kỳ với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Phía Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 mặt hàng Hoa Kỳ - từ ô tô tới nông phẩm, cũng trị giá 34 tỷ USD. Điều này ảnh hưởng tới tất cả nền kinh tế, trong đó những nền kinh tế có độ mở gần 200% GDP như Việt Nam, sẽ chịu tác động cực kỳ lớn.
Hứng chịu nhập siêu
Nguy cơ đầu tiên là khi bị Hoa Kỳ áp thuế cao, hàng hóa Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với quy mô sản xuất lớn, giá hàng Trung Quốc cạnh tranh hơn nhiều so với nước ta ở tất cả nhóm mặt hàng từ cây tăm, sợi chỉ đến dệt may, da giày, điện tử, sắt thép…
Thí dụ, các mặt hàng dệt may, da giày và đồ gỗ của Trung Quốc với ưu thế giá rẻ, đa dạng, đang gây khó cho các sản phẩm quần áo, giày dép hay đồ gỗ nội thất Việt Nam. Nay thêm nhiều hàng hóa Trung Quốc không xuất khẩu được vào Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam, sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam.
 Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép, tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ bị hàng Trung Quốc đe dọa như dệt may, da giày, đồ gỗ… Do đó, cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này, cần xem lại các quy định pháp luật, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ trước hàng Trung Quốc.
Ông TRẦN TUẤN ANH,
Bộ trưởng Bộ Công Thương
 
Nhóm ngành hàng nữa chịu tác động tiêu cực là thực phẩm, trong đó mặt hàng ngoại nhập nhanh chân tràn vào Việt Nam do tác động từ cuộc chiến thương mại này là thịt. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết thịt Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2018. Nay Trung Quốc quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt heo nhập từ Hoa Kỳ, khiến sản phẩm này sẽ chảy mạnh vào Việt Nam.
“Không chỉ thịt heo, nhiều sản phẩm ngành chăn nuôi như thịt gà, trứng… trong nước cũng sẽ bị chèn ép rất lớn trên sân nhà trước sản phẩm ngoại nhập giá rẻ” - ông Ngọc nói.
TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ gặp khó, rau quả Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước láng giềng, chủ yếu là Việt Nam. Với nguồn cung lớn, giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, rau quả Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản nội địa.
Thậm chí, trái cây từ Hoa Kỳ cũng sẽ tràn vào nhiều hơn sau khi bị thị trường Trung Quốc đánh thuế cao. Vì thế, nếu không nắm bắt thông tin thị trường, sản xuất không có chuỗi liên kết tiêu thụ, nguy cơ nhiều loại rau quả Việt Nam gặp khó đầu ra là rất lớn.
Một nguy cơ rất đáng lo nữa là Việt Nam có thể trở thành bãi đáp - nơi trung chuyển của hàng Trung Quốc mượn xuất xứ để xuất sang Hoa Kỳ nhằm né mức thuế cao. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước nhờ giá rẻ, thép Trung Quốc còn có thể khiến ngành thép nội địa vạ lây.
Bởi sau khi tạm nhập vào Việt Nam, thép Trung Quốc sẽ tìm cách lấy xuất xứ “made in Vietnam” để xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm né mức thuế cao.
“Nếu Hoa Kỳ điều tra, phát hiện có tình trạng thép Trung Quốc tạm nhập sang Việt Nam rồi đội lốt xuất xứ, chúng ta sẽ bị mang tiếng gian lận thương mại. Khi đó không chỉ bị đánh thuế chống bán phá giá, nguy cơ sản phẩm thép Việt bị tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ rất cao” - đại diện Hiệp hội Thép lo ngại.
Tương tự, khi bị Hoa Kỳ đánh thuế cao, quần áo, giày dép Trung Quốc sẽ tìm cách đối phó bằng cách tạm nhập sang một nước khác rồi xuất sang Hoa Kỳ. Và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho phương án này bởi là láng giềng, có thể nhập lậu hàng hóa dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp…
Nếu các doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tay cho hàng dệt may Trung Quốc nhập vào rồi gắn nhãn mác Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ. Khi đó Hoa Kỳ có thể ra lệnh trừng phạt đối với ngành dệt may Việt Nam.

Đe dọa xuất khẩu
Hiện nay, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng các mặt  hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lên tới 30%. Đây là mức tăng cao nhất trong số các thị trường xuất khẩu của nước ta.
 Chính sách cần hỗ trợ đắc lực, còn DN cần tích cực cùng hướng tới phương thức sản xuất, kinh doanh bài bản, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu như  khai báo lý lịch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Kiên trì đấu tranh trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đặc biệt, cần hướng nguồn lực vào phát triển thị trường nội địa và khu vực để duy trì động lực tăng trưởng.
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, 
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam  
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dù có thuận lợi nhưng dự báo trong các tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt thuế với những mặt hàng xuất khẩu của nhau. Bộ này dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3% vào năm 2019. 
Được biết, với nhóm hàng đánh thuế từ Hoa Kỳ cho nhóm hàng hóa từ Trung Quốc trong đợt đầu gần 800 mặt hàng, khả năng đợt áp thuế thứ 2 sẽ bắt đầu tác động sang các nhóm ngành hàng khác, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như giày dép, quần áo, đồ dùng gia dụng bằng vật liệu nhựa…
Đặc biệt, với ngành da giày, các DN Việt Nam chắc chắn sẽ nhận đơn hàng tăng đột biến từ các nhà đặt hàng vốn muốn tránh đặt ở Trung Quốc hòng tránh bị áp thuế cao. Dự báo trong vòng 6 tháng nữa, ngành da giày Việt Nam sẽ đứng trước áp lực gia tăng nguồn cung, trong bối cảnh các nhà mua hàng bắt buộc chuyển hướng mạnh mẽ nhu cầu đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm né thuế. 
Cùng với dệt may, ngành da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ rơi vào tầm ngắm ảnh hưởng trong thời gian tới từ cuộc chiến thương mại, khi hơn 70% nguồn nguyên liệu sản xuất của ngành lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu mà Trung Quốc chiếm tỷ trọng không hề nhỏ. Chưa kể, xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hóa Trung Quốc lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Thế khó ứng phó tác động tiêu cực ảnh 1 Nếu không chủ động ứng phó, thịt ngoại sẽ tràn về thị trường Việt Nam, làm lao đao ngành chăn nuôi trong nước. 
Để ứng phó với cuộc chiến thương mại này, nhiều nước sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, sẽ khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang ở trong vòng cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra. Và trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường, việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm đang là thách thức rất lớn. 

Tránh bị lợi dụng
Từ trước đến nay, qua chính ngạch, tiểu ngạch đến buôn lậu, hàng Trung Quốc đã làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc hàng Trung Quốc không xuất khẩu được sang Hoa Kỳ sẽ tấn công sang Việt Nam là khó tránh khỏi. Đứng trước “viễn cảnh” này, DN trong nước cần tỉnh táo đừng để bị lợi dụng.
Thí dụ, hiện nông sản Trung Quốc đội lốt Việt Nam rất nhiều, nguyên nhân do đưa hàng sang Việt Nam dễ dàng, DN Trung Quốc bằng mọi cách đã hạ giá nhiều mặt hàng rẻ hơn hàng Việt 30-40%. Ngay lập tức nhiều DN Việt đã ồ ạt nhập hàng Trung Quốc lấy mác Việt bán kiếm lời.
Thậm chí vì cái lợi trước mắt, không tránh khỏi việc DN Việt sử dụng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất qua Hoa Kỳ. Hay như việc Trung Quốc ra quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt heo nhập từ Hoa Kỳ, khiến thịt heo nước này phải đối mặt mức thuế nhập khẩu lên đến 71%.
Đây sẽ là cơ hội cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam, bởi lẽ dù tìm cách đánh thuế thịt heo của Hoa Kỳ nhưng nhu cầu của Trung Quốc rất lớn, mỗi năm quốc gia này cần nhập khẩu hơn 2 triệu tấn và Trung Quốc chắc chắn không bỏ qua thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải đẩy mạnh đi tới ký kết hiệp định thú y với Trung Quốc, chỉ khi đạt được thỏa thuận này sản phẩm chăn nuôi của chúng ta mới được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới. 
Với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, khi đó sẽ giúp các đơn hàng dệt may của nước ngoài trước đây đặt ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam nhiều hơn. Đây sẽ là cơ hội cho dệt may Việt Nam tăng trưởng. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa 2 quốc gia trên còn là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm đầu tư từ Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này, các cơ quan quản lý Việt Nam cần tăng cường kiểm soát các con đường hàng Trung Quốc có thể vận chuyển vào, chặn cho được buôn lậu. Các DN, ngành hàng cần đẩy mạnh phối hợp với Nhà nước để chú trọng quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam thông qua hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, với những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giày... cần đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp hỗ trợ trong nước, tránh lệ thuộc Trung Quốc. 

Các tin khác