Cứu doanh nghiệp bằng khoanh nợ, giãn nợ...

(ĐTTCO)-NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 17-3. Động thái này được đánh giá là tiền đề để các NHTM có thêm điều kiện hỗ trợ, nhằm giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng như các nước, sự kỳ vọng của các doanh nghiệp (DN) hiện nay về giảm thuế, miễn thuế không phải là chính sách tiền tệ. ĐTTC ghi lại ý kiến của TS. BÙI QUANG TÍN, CEO Trường Doanh nhân BizLight, về vấn đề này.
Nhiều ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thời Covid-19 bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, giao dịch online...
Nhiều ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thời Covid-19 bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, giao dịch online...
Chưa ý nghĩa vì nhu cầu vốn yếu
Lãi suất điều hành là một trong các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Có 2 loại lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất cơ bản. Trong vòng 10 năm qua, lãi suất cơ bản của Việt Nam đã được giữ ổn định, NHNN chỉ điều chỉnh lãi suất điều hành liên quan đến tái cấp vốn và tái chiết khấu.
Lần này cũng vậy, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm, kể từ ngày 17-3. Sự điều chỉnh của chính sách tiền tệ này để phù hợp với sự điều chỉnh của lãi suất cơ bản của NHTW các nước, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất cơ bản từ 1-1,25% xuống còn 0-0,25%/năm để đối phó với tác động của dịch Covid-19.
Trong giai đoạn NHTW các nước điều chỉnh lãi suất cơ bản về mức rất thấp, sự điều chỉnh này của NHNN đã kịp thời hỗ trợ cho hệ thống NHTM, giúp DN có điều kiện tiếp cận dòng vốn tốt hơn. Khi lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu trên thị trường mở giảm, thanh khoản hệ thống liên NH dồi dào hơn, lãi suất trên thị trường liên NH sẽ có điều kiện giảm xuống, từ đó có thể tác động giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, tác động của việc lãi suất điều hành lại mang tính chất trung và dài hạn, và chủ yếu tác động đến các khoản vay mới. Còn đối với những hợp đồng vay cũ, NH rất khó giảm lãi suất hỗ trợ, trừ khi đó là những lĩnh vực, khách hàng chứng minh được thiệt hại của họ do Covid-19 gây ra cho hoạt động kinh doanh của họ.
Trong khi đó, từ Tết Nguyên đán đến nay, dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến DN xuất nhập khẩu, nông nghiệp, giáo dục, y tế, vận tải, du lịch… Nếu đỉnh điểm dịch Covid-19 kéo dài đến cuối quý II, trên 50% DN sẽ phá sản, nếu tồn tại DN sẽ gặp khó khăn trong trang trải và gồng gánh chi phí hoạt động hàng ngày.
Thống kê của NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng khoảng 1%. Điều này cho thấy rất ít DN có nhu cầu vay vốn để tiếp tục phát triển các dự án mới. 

DN kỳ vọng nhiều hơn
 Chính phủ, các bộ, ngành cần có những giải pháp hỗ trợ trước mắt kịp thời, nhất là các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, để DN trụ vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng như có điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh kết thúc.
Ông Tô Hoài Nam,
Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam
Năm 2008, thế giới đã trải qua cơn khủng hoảng tài chính xuất phát từ việc cho vay dưới chuẩn trên thị trường tài chính của Mỹ. Thị trường tài chính Mỹ bị rung lắc đã làm thị trường tài chính toàn cầu gần như sụp đổ, trong đó bao gồm thị trường chứng khoán, bất động sản và các thị trường hàng hóa khác.
Song khủng hoảng của kinh tế toàn cầu do Covid-19 lần này mức độ tiêu cực lớn hơn, được xem như là một trong những khủng hoảng lớn nhất trong vòng 44 năm vừa qua. Sự thiệt hại của kinh tế thế giới lần này rất nghiêm trọng, dự kiến GDP của Mỹ trong 2 quý đầu năm bằng 0% hoặc có thể tăng trưởng âm, trong khi dự báo ban đầu trước khi Covid-19 diễn ra, tăng trưởng quý I của Mỹ dự kiến tăng 0,7%.
Theo đó, làn sóng giảm lãi suất đã diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Động thái này cho thấy NHTW các nước quyết tâm đẩy mạnh hỗ trợ DN, hỗ trợ hệ thống tài chính của họ. 
Tuy nhiên, làn sóng này cũng ẩn chứa yếu tố tiêu cực. Bởi khi Fed đã giảm lãi suất xuống 0-0,25%/năm, NHTW nhiều quốc gia cũng hạ xuống dưới mức 0%, dư địa để các nước tiếp tục điều chỉnh công cụ tiền tệ trong thời gian tới cũng không còn nhiều. Đồng thời, động thái giảm lãi suất của các NHTW lại thể hiện những lo lắng nhất định, từ đó tạo ra tâm lý lo lắng cho các thị trường.
Cụ thể, sau đợt hạ lãi suất cơ bản của Fed vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm thấp nhất trong 44 năm. Chỉ số Dow Jones mất 32% so với thời điểm đỉnh cao nhất trong những tháng qua, đã khiến thị trường tài chính toàn cầu thể hiện sự lo lắng rất lớn.
Như vậy, chính sách tiền tệ luôn được xem là cách hỗ trợ tốt nhất của các NHTW đã không có nhiều tác dụng trong thời điểm này. Tại Việt Nam, sự kỳ vọng của các DN không phải là chính sách tiền tệ của NHNN. DN mong chờ được miễn thuế, giảm thuế cũng như sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa từ các NH.
Trong thời gian qua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành, Bộ Tài chính đã đưa ra chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ người dân và các DN, kéo dài thời gian nộp thuế đối với một số ngành nghề bị tác động rất tiêu cực của dịch bệnh như ngành hàng không, bán lẻ, giáo dục, y tế, vận tải, xuất nhập khẩu. 
Đây là những chính sách thiết thực hỗ trợ các DN khó khăn trong vấn đề tạo ra dòng tiền, khó khăn về chi phí hoạt động, chi phí nhân viên… Song DN vẫn mong chờ những động tác mạnh mẽ hơn nữa từ các NHTM, đặc biệt là các gói kích thích mới của Chính phủ để được giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ, thậm chí khoanh nợ, giãn nợ và tái cơ cấu thời gian trả nợ. Bởi lẽ, như đã nói, nhu cầu vay mới rất yếu, trong khi các khoản vay cũ hiện tại không được hỗ trợ từ chính sách giảm lãi suất của NHNN. 

Các tin khác