Cứu doanh nghiệp phải giải “3 chữ động”

(ĐTTCO) - Một chủ tập đoàn DN tư nhân nói với tôi rằng, DN Việt Nam trong giai đoạn vừa qua khó nhất khi phải đối mặt với 3 chữ động. 
Cứu doanh nghiệp phải giải “3 chữ động”
Chữ động thứ nhất là làm sao thu xếp đủ vốn lưu động khi kinh doanh đình trệ, không có doanh thu, không có khách hàng, trong khi đó tiền cứ phải tiêu, chi phí phải bỏ ra để duy trì hoạt động như chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn…).
Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các DN rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các DN vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động. Thiếu nguồn vốn lưu động có thể làm DN đến bờ vực phá sản bất cứ lúc nào.
Chữ động thứ hai là DN làm sao có đủ nguồn lao động trong thời gian tới khi sản xuất trở lại. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động.
Người lao động cũng vì đời sống khó khăn, dịch bệnh căng thẳng mà phải rời TPHCM, phải rời các tỉnh Đông Nam bộ để về quê. Do vậy, thách thức và khó khăn rất lớn cho DN là đảm bảo đủ nguồn lao động khi phục hồi sản xuất sau đợt dịch bệnh căng thẳng, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…
Hiện đã có tình trạng tranh giành lao động ở một số nơi, có những DN FDI đã đăng tải thông tin tuyển lao động với mức tiền công hơn 1 triệu đồng/ngày công, đây là thách thức quá lớn cho DN nhỏ và vừa.
Các DN FDI thì gặp khó khăn khác là nguồn lao động chuyên gia và quản lý, vì tình hình dịch bệnh và đi lại khó khăn, các DN FDI gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài.
Chữ động thứ ba là tính năng động của chính quyền các cấp. Rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, tinh thần tạo điều kiện hỗ trợ DN duy trì hoạt động, vượt qua được khó khăn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Ở đâu mà chính quyền thờ ơ, sợ trách nhiệm, xem sự sống còn của DN không phải là mối quan tâm của mình thì ở đó chắc chắn DN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. 
Chính phủ thời gian vừa qua đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Do vậy trước hết, rất cần đồng thuận của cả xã hội về việc “sống chung với dịch bệnh”, cân bằng mục tiêu chống dịch và chống suy sụp kinh tế.
Duy trì kinh tế được hiểu là để đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch một cách bền vững. Trách nhiệm của các chính quyền địa phương (cũng như Trung ương) không chỉ là kiểm soát dịch, mà cả phục hồi kinh tế.
An toàn cần hiểu là tương đối chứ không phải tuyệt đối. Không phải có trường hợp F0 là phong tỏa cả vùng lớn, không phải có F0 là buộc cả khu công nghiệp hay DN lớn phải ngừng hoạt động. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo rất rõ ràng của Chính phủ trong thời gian qua. Bộ máy chính quyền địa phương cần theo tinh thần sống chung và thích ứng với dịch bệnh trong giai đoạn tới.
Bóc tách ca bệnh F0 nhưng không được ngừng hoạt động. Rõ ràng hiện nay nhiều cơ quan nhà nước có F0, bệnh viện có F0 nhưng không vì thế mà buộc ngừng hoạt động… Quan trọng là phải sẵn sàng các giải pháp và kịch bản y tế.
Nhất quyết chống lại tư duy quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, giấy phép con, tùy tiện cấm đoán đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng DN cũng cần ý thức tự điều chỉnh hoạt động, chính sách cho hoạt động trở lại bình thường bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tôi vẫn cho rằng để cân bằng các mục tiêu chống dịch và hồi phục nền kinh tế, rất cần thiết phải đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế”, nhằm đảm bảo truyền tải thông điệp “Cần nguồn lực để phòng chống dịch lâu dài” và “Phòng chống dịch chính là vì mục tiêu phát triển kinh tế”. 

Các tin khác