Đã đến lúc thay đổi… 'chiến thuật' tăng trưởng?

(ĐTTCO) - Dù triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn được dự báo khá tích cực song theo các chuyên gia kinh tế, “chiến thuật” tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới cần phải thay đổi.

Tiếp nối dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 khá tích cực của Ngân hàng Thế giới (6,6%), Quỹ Tiền tệ quốc tế (6,5%) hay Ngân hàng UOB (6,7%)… mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5,9% với kịch bản cơ sở và 6,2% với kịch bản lạc quan.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), mặc dù bối cảnh kinh tế 6 tháng năm 2021 không thuận lợi hơn so với năm 2020 nhưng triển vọng tăng trưởng cả năm 2021 vẫn được duy trì nhờ những thay đổi tích cực trong điều hành.

“Rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, tiếp cận trong điều hành của Chính phủ trong đợt dịch thứ tư đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, ông Dương nhấn mạnh. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới.

Thách thức tăng trưởng

Đã đến lúc thay đổi… 'chiến thuật' tăng trưởng? ảnh 1 Chiến thuật" tăng trưởng của Việt Nam cần thay đổi với bối cảnh mới.
Tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý I-2021 tăng 4,65% và quý II-2021 tăng 6,61%. Điều này cho thấy, nền kinh tế phục hồi nhanh và cao hơn so với xu thế của khu vực.

“Dẫu đà phục hồi hiện hữu nhưng việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,5% vẫn là thách thức rất lớn”, ông Dương chỉ rõ.

Cụ thể, theo CIEM, tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng suy giảm quý thứ 14 liên tiếp và thấp hơn đáng kể nếu so với mức tăng trưởng thực tế. Điều này cho thấy những nỗ lực để giải quyết “vấn đề mang tính cơ cấu” của nền kinh tế vẫn chậm được cải thiện kể từ năm 2014 tới nay.

Bên cạnh đó, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, mặc dù Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, chỉ sau mỗi Trung Quốc (18,3%), Singapore (14,3%) nhờ gia tăng tốc độ tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm nhưng đà phục hồi của Việt Nam vẫn chậm. Điều này thể hiện rất rõ ở loạt chỉ số tiêu dùng cuối cùng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù lãi suất được duy trì ở mức thấp nhưng chưa đủ kích thích cả tiêu dùng và sản xuất. Tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng 6 tháng 2021 lần lượt ở mức 5,7% và 3,6%, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân của năm 2020 là 4,1% và 1,1% nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2014 đến nay. Trước đó, thu nhập bình quân năm 2020 cũng giảm 2% so với năm 2019.

Đã đến lúc thay đổi… 'chiến thuật' tăng trưởng? ảnh 2
Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành đã phục hồi trở lại, tăng mạnh lên 13,01% trong quý II-2021 nhưng chủ yếu tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, với giá trị gia tăng thấp. Hoạt động của khu vực dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn với nhiều hoạt động như du lịch, vận tải gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, quá trình sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra mạnh hơn với số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng trên 20% trong khi số doanh nghiệp thành lập mới lập đỉnh và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng mạnh.

Sống chung với cú sốc kinh tế 

Trong bối cảnh nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục phải đối mặt với những bất định, rủi ro từ diễn biến phức tạp, khó lường và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo của dịch Covid-19, với sự xuất hiện của các biến thể, sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, đà tăng giá của các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, chi phí logistics…, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng tư duy về nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới cần phải thay đổi.

“Cần tránh tư duy về độc lập, tự chủ của nền kinh tế theo hướng chỉ có “phòng thủ”. Giai đoạn này cần chủ động chống chịu với những cú sốc kinh tế chứ không phải tránh các cú sốc”, ông Dương nêu quan điểm.

Đã đến lúc thay đổi… 'chiến thuật' tăng trưởng? ảnh 3
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lại lưu ý về sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới. Nhiều định chế tài chính lớn vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trung Quốc, quốc gia phục hồi mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2021 trong khu vực châu Á cũng cho thấy nhiều dấu hiệu chững lại trong khoảng vài ngày gần đây.

Trái lại, một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… lại đang có triển vọng tăng trưởng tích cực.

“Vì vậy, chiến thuật của Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch Covid-19 mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới. Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn”, ông Thành chia sẻ và cho rằng phục hồi kinh tế phải gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư…

Đã đến lúc thay đổi… 'chiến thuật' tăng trưởng? ảnh 4
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, nền kinh tế đã  chuyển từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu… Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiệu ổn định kinh tế vĩ mô.

“Vì vậy, thay vì “mục tiêu kép”, giai đoạn tới Việt Nam phải tính tới việc theo đuổi “ba mục tiêu” gồm chống dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, trong bối cảnh theo đuổi “mục tiêu kép” cũng như định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào ba giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững.

Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.

Các tin khác