Đại biểu lo lắng nhịp độ tăng trưởng chưa bền vững

(ĐTTCO)-Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, kế hoạch 2020. Các vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập liên quan đến tình hình biển Đông; phản ứng của chính quyền trước các sự cố; những yếu kém của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Việt Nam đi những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu
Khi thảo luận, hầu hết đại biểu đồng tình với các nội dung báo cáo mà Chính phủ trình Quốc hội. Đáng kể như kết quả hoàn thành 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019: tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%; lạm phát được kiểm soát tốt (dưới 3%)…
Tuy nhiên, nhiều vấn đề nóng, gây bức xúc, những tồn tại bất cập của kinh tế - xã hội cũng được các đại biểu nêu ra, cùng “mổ xẻ” để kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lo lắng khi nói về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo và bày tỏ chưa thể yên tâm, vì mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc, dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu.
“Mức tăng trưởng 6,8% của nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và vào xuất khẩu như nước ta thì liệu có khả thi không”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này.
Vẫn theo đại biểu này, động lực chính để giữ tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng hiện doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn khi lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao và các chi phí kinh doanh ngày càng lớn.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, thời gian qua kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”. 
Đại biểu dẫn chứng: Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000USD. Đến năm 2017, Việt Nam con số này là 2.385USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590USD thì thế giới khoảng 11.000USD.
Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, cao so với khu vực và thế giới nhưng xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000USD và khoảng cách vẫn tăng qua các năm.
“Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn”, đại biểu Hoàng Quang Hàm ví von và cho rằng, nếu không khắc phục được những bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu. 
Từ đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề xuất 3 vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu gồm trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. 
Đề nghị công khai các vi phạm chủ quyền Việt Nam tại biển Đông
Phát biểu tại nghị trường, Trung tướng Trần Việt Khoa (Hà Nội), Giám đốc Học viện Quốc phòng, cho biết, năm 2019 là năm tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều biến động: các nước lớn đã điều chỉnh về chính sách, chiến lược quốc phòng và quân sự, tăng chi ngân sách cho quốc phòng và tăng cường luyện tập, diễn tập, thực binh quy mô vừa và lớn.
Tình hình khu vực biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn ở khu vực biển có tuyến hàng hải quan trọng vào bậc nhất trên thế giới, đe dọa tới an ninh khu vực và an ninh các nước có chung khu vực biển Đông. 
“Khi chúng ta triển khai hoạt động dầu khí trên biển thì từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. Đây là điều mà chúng ta không thể chấp nhận được”, Trung tướng Trần Việt Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo Trung tướng Trần Việt Khoa, trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao, đấu tranh trên cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi của chúng ta theo công ước, luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển năm 1982.
Cũng về vấn đề biển Đông, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng, Việt Nam cần “công khai thật chi tiết” các vi phạm của Trung Quốc để dư luận tiến bộ Việt Nam, trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc biết. Việt Nam cần có thêm biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định là “không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
Nhiều cử tri đã đề nghị đưa vi phạm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không chỉ kiện nước này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam biển Đông (xâm phạm bãi Tư Chính), mà phải kiện toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây công trình phi pháp, quân sự hóa ở biển Đông suốt thời gian vừa qua. Việt Nam có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc.
Chính quyền phản ứng chậm trước các sự cố
Tranh luận về ý kiến cho rằng thời gian qua chúng ta đã có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, thực tế, cả môi trường không khí, nguồn nước và núi rừng đều bị xâm phạm nghiêm trọng, gây nên sự bất an trong người dân.
“Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, điều này cũng đi cùng với suy thoái môi trường, suy yếu tiềm năng phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến nhóm thu nhập thấp. Tình hình ô nhiễm không khí đặc biệt là ở các thành phố lớn đã lên mức báo động đỏ”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Vấn đề nước sạch vừa qua tạo nên hình ảnh đặc biệt: thủ đô Hà Nội như thời bao cấp - người dân đi xếp hàng lấy nước. Sự việc này làm lộ ra việc lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra kẽ hở để những kẻ không có lương tâm luồn lách, thu lợi trên sức khỏe người dân. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, cần rà soát lại các văn bản pháp luật cổ phần hóa các công ty nước sạch để “đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước”.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận xét, qua một số sự cố xảy ra, đơn cử như vụ cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông gây nguy cơ ô nhiễm thủy ngân; vụ nguồn nước sông Đà bị đổ dầu thải cho thấy phản ứng của chính quyền rất chậm.
“Chính quyền đô thị lúng túng, chưa thực thi tốt trách nhiệm với dân. Rất ít cảnh báo sớm cho người dân, nhất là trong trường hợp sức khỏe, sự an toàn của người dân bị đe dọa, ảnh hưởng. Chính phủ cần hết sức chú ý vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói và đề nghị xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan để làm thay đổi tình trạng đáng buồn này. 
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng bày tỏ quan ngại về những tổ chức, cá nhân, cán bộ trong cơ quan công quyền sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, những việc có lợi thì làm, những việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn thì né tránh, đùn đẩy. Nhiều vụ việc khi xảy ra, được dư luận phát hiện thì chính quyền và cơ quan chức năng mới lo chạy theo để xử lý, mặc dù đã rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý.
Ví dụ như vi phạm của Công ty Địa ốc Alibaba, vụ cháy tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại nhiều nơi… Điều này bộc lộ quản lý nhà nước còn nhiều thiếu sót, lỗ hổng, còn buông lỏng mà chưa xử lý đúng mức.

Các tin khác