Đại dịch đã thêm kích hoạt thương mại điện tử

(ĐTTCO) - Dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển qua mua sắm online nhiều hơn. Doanh nghiệp (DN) đang nhanh chóng tận dụng kênh bán hàng này để đẩy mạnh doanh số bán hàng. Thế nhưng giữa những cơ hội lớn luôn có những điều DN cần quan tâm để có thể đi đường dài. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
NTD chuộng mua sắm online
Dưới góc nhìn của đơn vị nghiên cứu thị trường, trong hơn 1 năm vừa qua Nielsen Việt Nam đã cho thấy nhiều số liệu thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng (NTD) toàn cầu trước tác động của dịch Covid-19.
Theo đó NTD bắt đầu chuyển qua mua sắm online nhiều hơn. Có tới 27% NTD chưa bao giờ mua sắm trực tuyến đã lựa chọn kênh này khi Covid-19 ập tới; 67% người dùng mua sắm trực tuyến thường xuyên và 23% mua nhiều lần trong 1 tuần.
Thương mại điện tử (TMĐT) trong thời Covid-19 cũng bán thêm được rất nhiều mặt hàng so với trước, nhất là nhóm hàng tiêu dùng nhanh hay những loại thực phẩm thiết yếu. Hiện nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh đã xuất hiện trên các sản TMĐT lớn của Việt Nam. 
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc của Nielsen Việt Nam, chia sẻ: “Khách hàng những kênh trực tuyến không chỉ có người trẻ tuổi mà những người lớn tuổi cũng bắt đầu tham gia mua sắm online nhiều hơn. Các công cụ hỗ trợ thanh toán cho người mua sắm online cũng đa dạng và dễ sử dụng hơn”.
Nói về việc các sàn TMĐT vươn mình rộng hơn đến các địa phương bên ngoài các TP lớn như TPHCM hay Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho biết trước đây TMĐT ở TPHCM và Hà Nội chiếm hơn 70% toàn thị trường, nay hiệp hội đang nỗ lực đưa cán cân TMĐT trở nên cân bằng hơn với các địa phương khác. 
Thực tế, TMĐT không còn là trào lưu mà trở thành xu hướng tất yếu của thị trường toàn cầu. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành IMGroup, cho biết năm 2019 kênh bán hàng trên sàn TMĐT chỉ xếp thứ 4 trong danh sách kênh bán hàng hiệu quả, năm 2020 kênh này đã vượt lên chiếm vị trí số 1.
Lý do các sàn TMĐT rất đa dạng sản phẩm, NTD có thể mua mọi thứ trên cùng nền tảng, các phương thức thanh toán và kênh vận chuyển cũng đa dạng hơn. Đó là chưa kể các sàn TMĐT phù hợp cho cá nhân, shop nhỏ đến các DN lớn.
“Ngay cả khi dịch được kiểm soát tốt, xu hướng mua sắm trên các sàn TMĐT của NTD cũng không thay đổi nhiều” - ông Đức khẳng định. 
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh NTD phải ở nhà nhiều hơn vì Covid-19, mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) sẽ là xu hướng của nửa cuối năm 2021, hiện xuất hiện nhiều trên nền tảng như tiktok.
Việt Nam có khoảng 33 triệu người sử dụng nền tảng này và trung bình 1 người dành 1 giờ mỗi ngày để xem các video trên tiktok. Ngoài ra, livestream cũng trở thành xu thế được ưa chuộng. Đây là kênh các DNNVV ưa chuộng vì phí đầu tư thấp và hiệu quả cao.
Livestream không còn là món ăn riêng của các mạng xã hội mà còn được các sàn TMĐT tận dụng triệt để. Lazada có hẳn kênh livestream riêng gọi là Lazlive. Bộ đôi Tiki và Sendo tổ chức các gameshow livestream, hay Shopee cũng tổ chức các buổi livestream định kỳ cho người xem.
Không chỉ những người livestream chuyên nghiệp, các DN có đầu tư, năm 2021 còn ghi nhận nhiều nông dân cũng mạnh dạn đi theo xu hướng này và rất thành công.
“Đại dịch thúc đẩy các DN sản xuất sử dụng kênh online để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng mà không mất quá nhiều chi phí” - ông Đức nhận định. 
DN chủ động và linh hoạt
Những con số trên đã cho thấy NTD đang ngày càng mua sắm online nhiều hơn, các sàn TMĐT trở thành nơi đáp ứng đa dạng nhu cầu của người mua, cũng trở thành kênh bán hàng hiệu quả. Thế nhưng có phải cứ đưa sản phẩm lên online, lên các sàn là có doanh số?. Câu trả lời là không.
Ông Lê Viết Hải Sơn, Phó Chủ tịch Novaon, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực digital tại Việt Nam, cho biết nhiều DN tham gia sàn TMĐT chỉ quan tâm đến doanh số, ít quan tâm đế việc xây dựng thương hiệu. Trong khi nếu không xây dựng thương hiệu khách hàng có thể rời bỏ sản phẩm của DN. 
Theo ông Sơn, hiện nay kinh doanh trên các sàn TMĐT đang đạt mức tăng trưởng tốt vì NTD đã quen mua sắm, nhưng các DN nhất là DN lớn có tiềm lực cần chuẩn bị những nền tảng khác để không bị phụ thuộc vào các sàn. Phải chủ động nắm bắt những dữ liệu khách hàng để dù ở đâu vẫn kết nối được với khách hàng của mình.
Đồng ý với nhận định này, ông Nguyễn Minh Đức (IMGroup) đánh giá các DN cần xây dựng hệ thống vận hành TMĐT chuyên nghiệp. Trong đó xây dựng thương hiệu bền vững, tránh bị phụ thuộc. Phải chủ động thiết kế trải nghiệm mua hàng phù hợp, tối ưu chi phí vận hành và thuận lợi tăng trưởng. Cần đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm vận hành để xây dựng hệ thống. 
Có thể thấy Covid -19 đã tạo ra nhiều xu hướng mới, thay đổi thói quen hành vi mua sắm của NTD. Các DN cũng có thể tìm thấy cơ hội trong thách thức. Ngay cả DN nhỏ không có nhiều ngân sách cũng có thể tận dụng những nền tảng miễn phí hoặc chi phí thấp, bằng cách bỏ công tìm hiểu nhiều hơn, tìm kiếm những điểm rơi hiệu quả.
Họ tiếp cận người mua với phương thức đa kênh, tập trung vào những khách hàng lần đầu mua sắm trực tuyến, biến họ thành những khách hàng trung thành trong tương lai. Thế nhưng xu hướng cũng có tính 2 mặt.
Thực tế, xu hướng nhiều nhưng không phải cái nào cũng phù hợp. Dễ thấy làm video trên tiktok hay livestream đang trở thành xu hướng phổ biến, nhưng chỉ số ít trường hợp thành công. Nếu DN không thận trong lựa chọn có thể đầu tư sẽ vô ích. 
Theo một số chuyên gia, đã đến lúc DN cần xác định Covid-19 không phải là ngắn hạn. Có thể một vài năm tới hoặc lâu hơn nữa chúng ta vẫn phải sống chung với đại dịch này, nên các kế hoạch cũng không thể làm trong ngắn hạn, chạy theo xu hướng quá nhiều.
Cần có những kế hoạch lâu dài cho những chiến lược nền móng, làm một lần nhưng dùng lâu dài. Đơn cử, cùng với việc đưa hàng lên sàn phải xây dựng kho dữ liệu khách hàng cho sản phẩm, DN mình để tránh phụ thuộc trong mọi hoàn cảnh. 
 Covid -19 đã tạo ra nhiều xu hướng mới, thay đổi thói quen hành vi mua sắm của NTD. Các DN cần chủ động nắm bắt và linh hoạt xây dựng chiến lược, kế hoạch phù hợp.

Các tin khác