Đằng sau xuất siêu?

(ĐTTCO)-Những năm gần đây, Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh mẽ bởi các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 1995 chỉ 5,4 tỷ USD, đến năm 2019 đã tăng lên 48,5 lần, đạt 264 tỷ USD. Nhập khẩu năm 2019 tăng 31 lần so với 1995. 
Đằng sau xuất siêu? ảnh 1
Nhìn một cách tổng quát tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, cho thấy từ năm 2011 trở về trước luôn nhập siêu, nhưng từ năm 2012 luôn có thặng dư và năm 2019 chúng ta xuất siêu gần 11 tỷ USD. 
Tuy nhiên, phân tích từng khu vực sẽ thấy khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn xuất siêu. Năm 2010, khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD, đến năm 2019 nhập siêu của khu vực này 24 tỷ USD.
Trong khi đó khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2019 tăng lên 34,5 tỷ USD. Tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tăng từ 54% năm 2010 lên 72% năm 2018 và 68% năm 2019. Như vậy có thể thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định. 
Theo báo cáo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố năm ngoái, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 36,3%. Tuy nhiên nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thực sự mua các thiết bị nguyên liệu, phụ tùng chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp, chỉ dừng lại ở 14,4%.
Phần còn lại là mua từ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp các nước khác sản xuất tại Việt Nam. Hoặc Samsung tuyên bố tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam của tập đoàn này lên tới 57%.
Tuy nhiên, theo cách tính của Samsung, tỷ lệ 57% này bao gồm cả các nhà cung ứng nước ngoài - trong đó chủ yếu là Hàn Quốc - đang hoạt động ở Việt Nam. Nếu trừ tỷ trọng xuất khẩu của các nhà cung ứng này, chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa của Samsung ở Việt Nam thấp hơn con số 57% rất nhiều. Nhiều người ví von “nội địa hóa từ hàng ngoại”.
Theo tính toán từ số liệu của bảng cân đối liên ngành của Việt Nam năm 2012, tỷ lệ chi phí trung gian của nhóm ngành điện thoại, máy tính và linh kiện chiếm khoảng 72% tổng giá trị sản xuất, trong đó chi phí vật chất khoảng 60% và chi phí dịch vụ 12%.
Nhưng trong 60% chi phí về vật chất chỉ có 2% là sản phẩm nội địa, còn 100% chi phí dịch vụ là sản phẩm nội địa. Như vậy, tỷ lệ giá trị tạo ra cho nền kinh tế khoảng 24%. Có thể thấy nếu coi sản phẩm của Samsung là của Việt Nam có điều gì đó không ổn, hoặc nếu nói Samsung không có chút hàm lượng Việt Nam nào cũng không hoàn toàn đúng.
Đằng sau xuất siêu? ảnh 2 Tình hình xuất khẩu thuần của khu vực trong nước và khu vực FDI 2010 – 2019
Thí dụ, đến ngày 15-3 nhóm điện thoại, linh kiện xuất khẩu 10,2 tỷ USD, chỉ có thể mang lại khoảng 2,7 tỷ USD giá trị tăng thêm, trong đó phía Việt Nam thực sự được hưởng 1,4 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay cơ bản là xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa; dệt may, giày da chiến 20% giá trị xuất khẩu hàng hóa.
Song tính toán từ bảng cân đối liên ngành, cho thấy xuất khẩu những sản phẩm này lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp nhất trong các nhóm ngành kinh tế, nhưng lại lan tỏa đến nhập khẩu rất lớn. 
Thí dụ, nếu xuất khẩu hàng điện tử máy tính, điện thoại và linh kiện 100USD chỉ tạo ra 27USD giá trị tăng thêm và người lao động chỉ được hưởng 14USD. Hay xuất khẩu sản phẩm dệt may, giày da 100USD tạo ra 31USD giá trị tăng thêm và 18USD thu nhập của người lao động. Như vậy việc coi những sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng Việt Nam dưới 20% là hàng Việt Nam có là tín hiệu đáng mừng?
Theo niên giám Thống kê giá trị gia tăng của khu vực FDI khoảng 52 tỷ USD, khoảng 35% trong số đó là thặng dư, tức khoảng 18 tỷ USD. Cũng theo số liệu trên wbsite của Tổng cục Thống kê, số chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng 15 tỷ USD.
Nếu chỉ tính phần chi trả sở hữu ra nước ngoài khoảng 16 tỷ USD, điều này đồng nghĩa gần 89% lợi nhuận của khu vực FDI được chuyển về nước họ. Đây là nghịch lý nữa nếu chỉ nhìn vào tăng trưởng GDP mà hò reo, hát ca. 

Các tin khác