Dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động

(ĐTTCO) - Ngày 24-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động (CNLĐ).
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, tính đến nay, cả nước có khoảng 53,5 - 54 triệu người từ 15 tuổi trở lên có việc làm (nữ chiếm khoảng 48%). Trong 5 năm qua, CNLĐ trong các doanh nghiệp đã tăng khoảng 26%; mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35%, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động. Còn theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, tính đến năm 2019, sau 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đã có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lớn CNLĐ có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn. Đặc biệt, năm 2020, dịch Covid-19 tác động đến 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, 68,9% lao động bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ việc. Bên cạnh đó, tình hình quan hệ lao động tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động còn khá phổ biến, gây nên bất bình, mâu thuẫn và tranh chấp lao động, số vụ đình công giảm nhưng đã xuất hiện những yếu tố ngoài quan hệ lao động tác động đến các vụ đình công, gây mất an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về việc làm của CNLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thúc đẩy DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Trong thu hút đầu tư, đề nghị lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, có trách nhiệm xã hội, có ý thức chấp hành pháp luật. Về tiền lương của CNLĐ, trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia họp vào quý 2-2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, làm căn cứ thương lượng, thống nhất và trình khuyến nghị tới Chính phủ xem xét, quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Xem xét, sửa quy định, để từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1-7 hàng năm.  
Ưu tiên đầu tư các thiết chế phục vụ công nhân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hàng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh mới, nhất là dưới tác động của hội nhập quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, công nhân và người lao động nước ta đang đối mặt với không ít thách thức. Trình độ tay nghề đang là vấn đề rất lớn, khả năng thích ứng, thu nhập của một số ngành nghề còn thấp. Do dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty phải giảm, giãn việc. Thu nhập của một bộ phận công nhân chưa đủ sống, chỗ ở, học hành của con công nhân còn nhiều khó khăn... Đây là nỗi trăn trở của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. 
Thủ tướng nêu rõ, trong giai đoạn phát triển mới, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu không ngừng nâng cao mức sống cho công nhân lao động. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần ưu tiên, phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn và người sử dụng lao động trong việc quy hoạch đất đai, xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế phục vụ công nhân. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên đặc biệt trong 5 năm tới. Các địa phương phải dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động. Thủ tướng mong doanh nghiệp, người sử dụng lao động vừa lo phát triển doanh nghiệp đồng thời phải lo cho công nhân, lao động để hài hòa lợi ích, không để người lao động thất nghiệp.
Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết đến CNLĐ trên mọi miền Tổ quốc. Yêu cầu các cấp, các ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các doanh nghiệp phải chuẩn bị lo tết cho công nhân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi công nhân đón tết đầm ấm, vui tươi.
 Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2021, TPHCM tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động chăm lo tết cho công nhân, người lao động. TPHCM tổ chức thăm hỏi các doanh nghiệp thực hiện tốt bảo hiểm xã hội, thuế, không giảm lương, không cắt giảm lao động; các khu lưu trú, tổ công nhân tự quản, các chủ nhà trọ không tăng giá trong mùa dịch Covid-19 cùng đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
TPHCM cũng tiếp tục thực hiện Chương trình Tấm vé nghĩa tình, trao tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay cho đoàn viên công đoàn và người lao động nhiều năm không về quê ăn tết có thành tích trong lao động sản xuất. Cụ thể có hơn 35.000 vé xe, 1.500 vé tàu và 500 vé máy bay. Đồng thời tổ chức các phiên chợ nghĩa tình tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, tặng 10.000 vé vào cổng Hội Hoa xuân TPHCM và 1.000 tập vé xe buýt cho người lao động không có điều kiện về quê ăn tết.
MAI HOA

Các tin khác