Đào tạo nhân lực kỹ năng số: Có chiến lược nhưng cần cơ chế và cách làm

(ĐTTCO) - Trong chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, trình bày về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhấn mạnh cần tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực; lấy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dễ rơi vào “bẫy” chuyển đổi số?
Theo Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do AlphaBeta phát hành, Việt Nam có nhiều thuận lợi để chuyển sang nền kinh tế số, với 70% dân số dưới 35 tuổi am hiểu về công nghệ, 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, và có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Báo cáo này cho rằng nếu tận dụng được tối đa tiềm năng, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,7 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.
Đây là những góc nhìn rất lạc quan, nhưng lại kèm theo một chữ nếu rất to. Đó là “nếu tận dụng được”. Nếu tận dụng tốt, công nghệ số đem lại cho Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng và đột phá, điều đó là đã nhìn thấy qua các số liệu về đặc tính dân số, thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản để hiện thực hóa tiềm năng. Một trong những vấn đề là nguồn nhân lực.
Từ tiềm năng đến thực tế đang có trở ngại rõ ràng là lao động Việt Nam xếp hạng thấp trong khu vực về kỹ năng số. Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam duy trì vị trí thứ 42 trong 2 năm liên tiếp.
Tuy kết quả xếp hạng chung GII vẫn giữ nguyên, nhưng so sánh với 2019, Việt Nam tụt hạng trong các chỉ số liên quan đến nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển (hạng 79), đầu ra về kiến thức và công nghệ (hạng 37).
Đào tạo nhân lực kỹ năng số: Có chiến lược nhưng cần cơ chế và cách làm ảnh 1
Báo cáo năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới 2019 cho thấy Việt Nam xếp hạng cuối trong khu vực về kỹ năng số hiện có của lực lượng lao động (hạng 97 so với 66 của Thái Lan, 11 của Malaysia và 5 của Singapore).
Theo ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số: nâng cấp kỹ năng số cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin. Trong đó, thử thách về đào tạo kỹ năng số được ông đặc biệt lưu ý.
Có nhiều người đã nhầm lẫn giữa khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ tiêu dùng mới, như Tiktok với kỹ năng số để làm việc như lập trình, kỹ năng làm việc nhóm trên không gian số, tạo ứng dụng trên điện thoại di động...
Một số bạn trẻ giỏi Tiktok nhưng kỹ năng số cơ bản để làm việc hiệu quả lại không có. Như vậy có thể rơi vào cái bẫy là có hàng chục ngàn người giỏi bán hàng qua mạng, có số người có ảnh hưởng cao (các KOL) trên nhiều nền tảng mạng xã hội, nhưng lại không thể trở thành một trung tâm công nghệ số của khu vực.
Có nghĩa chúng ta trở thành một thị trường tiêu thụ số, bị biến thành thị trường tiêu thụ 100 triệu dân trên không gian số, không phải trung tâm sản xuất hay dẫn đầu công nghệ. 
Và như vậy, dù dẫn đầu về tiêu thụ số, chúng ta có thể tụt hậu ở mảng sản xuất và sáng tạo. Như ông Jacques Morisset cảnh báo, đây là kịch bản có thể xảy ra. Theo đó, nếu giả định Việt Nam sẽ tụt hậu do không đáp ứng được yêu cầu về số lượng lao động có tay nghề cao trong quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, nền kinh tế có thể mất tới 2 triệu việc làm vào năm 2045.
Trong trường hợp đó, chuyển đổi số có khả năng dẫn đến việc công nghệ thay thế con người, làm giảm lợi ích chung của nền kinh tế và tạo ra sự bất bình đẳng lớn, từ đó có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Điều đó đồng nghĩa Việt Nam sẽ bị mắc kẹt trong cái bẫy chuyển đổi số, vì lực lượng lao động không có kỹ năng tương ứng với nhu cầu.
Thử thách và cơ hội
Đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng số là thách thức lớn của Việt Nam trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Vấn đề không nằm ở các chiến lược trên giấy mà nằm ở cơ chế và cách làm.
Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam công bố tháng 3-2021 của PwC đưa ra bức tranh tươi sáng hơn, khi đa số lao động cho thấy nhu cầu học hỏi chuyển đổi số. Tuy nhiên, 45% người tham gia phỏng vấn trong báo cáo này chia sẻ sự lo lắng rằng tự động hóa sẽ khiến công việc gặp nhiều rủi ro.
Có thể thấy sự khác biệt giữa báo cáo PwC và WB ở khoảng cách giữa cái "muốn học kỹ năng mới" rất cao (PwC), với thực trạng đầy thử thách (WB). Giữa muốn và làm được có khoảng cách, hay nói cách khác là "năng lực thực thi". Mong muốn ai cũng có, nhưng làm được hay không lại là câu chuyện khác. 
Ngay cả những nước xếp hạng cao về kỹ năng số như Singapore cũng đang đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng số. Sự thiếu hụt tài năng công nghệ được đánh giá như một trong những trở ngại lớn để hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm công nghệ khu vực của Singapore.
Để bù đắp sự thiếu hụt này, Singapore đang nhắm tới thu hút những tài năng ở nước ngoài. Những điều tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Những nước này đang có những chuyển biến trong chính sách nhập cư và thu hút lao động có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ.
Điều này đặt ra thử thách cũng như cơ hội cho Việt Nam. Thử thách là ở nguy cơ chảy máu chất xám, khi Singapore, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, thậm chí Trung Quốc, Malaysia thu hút nhân tài của Việt Nam sang làm việc ở họ. Nhưng ở chiều ngược lại, những nước này sẽ sẵn sàng hợp tác để mở các chương trình đào tạo từ xa và tại chỗ cho lực lượng lao động đến từ Việt Nam.
Biến nguy thành cơ?
Để tận dụng được cơ hội cần cách làm khác với con đường đào tạo nhân lực. Không thể chỉ dựa vào những cơ sở đào tạo truyền thống như trường đại học, cao đẳng để bù đắp những thiếu hụt về công nghệ, mà cần mở ra cơ chế để doanh nghiệp được tham gia lĩnh vực đào tạo nhân lực một cách chủ động hơn, mở rộng phạm vi người có thể tiếp cận các khóa đào tạo này hơn.
Bài toán đào tạo nhân lực đã không còn của riêng Bộ Giáo dục mà của nhiều bộ. Nước Anh đã nhận thức điều này, nên tách một số hoạt động đào tạo ở cấp sau trung học ra khỏi Bộ Giáo dục, chuyển về chung với Bộ Kinh doanh, sáng tạo và kỹ năng trước đây (nay là Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp). Gắn đào tạo với sáng tạo và kinh doanh thay vì môi trường giáo dục thuần túy, là cách tiếp cận có phần thực dụng, nhưng có thể là cần thiết. 
Một thí dụ khác, Microsoft đang có sáng kiến giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng, bằng cách hợp tác với các trường cao đẳng cộng đồng của Mỹ, đồng thời cung cấp tài liệu và nguồn lực miễn phí giúp giảm tình trạng thiếu nhân lực trong ngành này.
Họ hy vọng sáng kiến này sẽ giúp đào tạo thêm 250.000 chuyên gia an ninh mạng ở Mỹ vào năm 2025. Với sáng kiến này của Microsoft, những người trẻ đến từ những gia đình nghèo và thiếu điều kiện cũng có thể trở thành một bộ phận của lực lượng lao động chất lượng cao đang thiếu hụt, không chỉ những trẻ em may mắn hơn đến từ gia đình có điều kiện cho con học các trường đại học chất lượng.
Những câu chuyện ở trên không hoàn toàn mới. Việt Nam đã từng lặp đi lặp lại câu chuyện kết nối doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Thế nhưng giữa lời hứa hẹn và thực tiễn vẫn còn những khoảng cách. Việc xếp hạng kỹ năng số hiện có của lực lượng lao động năm 2019 là lời cảnh báo sẽ còn nhiều điều phải làm.
Vì vậy, nếu muốn thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, bài toán đào tạo lại nguồn nhân lực là thách thức lớn của Việt Nam trong mấy năm tới. Vấn đề không nằm ở các chiến lược trên giấy mà nằm ở cơ chế và cách làm. 
 Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số: nâng cấp kỹ năng số cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.

Các tin khác