Đầu tư nước ngoài: Chọn dự án dịch chuyển có công nghệ tiên tiến

(ĐTTCO)-Cục Đầu tư nước ngoài đề xuất, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao.
Đầu tư nước ngoài: Chọn dự án dịch chuyển có công nghệ tiên tiến

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.

Theo Quyết định, Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó thường trực, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó.

Theo Quyết định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai ngay các nhiệm vụ của Tổ công tác. Nhóm giúp việc của Tổ công tác được đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và do Tổ phó điều hành.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hài hòa giữ mục tiêu thu hút đầu tư chất lượng cao mà vẫn đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường và phát triển bền vững, Cục Đầu tư nước ngoài đề xuất, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo; công nghiệp, chế biến, chế tạo, có tính lan tỏa và có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Đặc biệt, Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh sẽ không chấp thuận, tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ phân bổ các dự án công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển vào những địa phương có trình độ phát triển cao về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; các địa phương có trình độ phát triển trung bình, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp nhận đầu tư có chọn lọc phải gắn với hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh để tăng cường mỗi liên kết, làm chủ công nghệ, đủ năng lực tham gia một cách chủ động vào chuỗi giá trị cùng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng, ngăn chặn đối với các hiện tượng đầu tư chui, lẩn tránh xuất xứ, đầu tư núp bóng; không để các doanh nghiệp tiềm năng, chiến lược của Việt Nam (có công nghệ, có sẵn chuối cung ứng, có lợi thế về thương quyền…) bị thâu tóm với giá rẻ thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) hoặc góp vốn, mua cổ phần.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; đồng thời, chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị (chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối) nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.

Tổ công tác thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực. Nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Cùng với đó, tổ chức điều phối liên ngành, liên cấp và liên vùng để thúc đẩy việc hình thành các chuỗi dự án liên kết và hỗ trợ, triển khai thuận lợi, hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao, định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác đầu tư.

Các tin khác