Đẩy mạnh thu hút tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công

(ĐTTCO)-Các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn chủ yếu huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tuy nhiên tình trạng nợ xấu của các dự án BOT, BT trước khiến cho thị trường vốn dành cho PPP ngày càng hạn chế.
Công trường thi công Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn), một trong những tuyến đường quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Công trường thi công Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn), một trong những tuyến đường quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã cơ bản hoàn thiện, để đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về phương thức PPP, theo Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Hào Hùng, rất cần sự tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, các chính sách liên quan cũng cần được ban hành đồng bộ, cùng hướng đến mục tiêu đẩy mạnh thu hút tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ công.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trong đó, nêu rõ các nội dung cần hướng dẫn với mốc hoàn thành để đốc thúc các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện hướng dẫn chi tiết, góp phần giúp thi hành hiệu quả hơn Luật PPP.

Mặc dù, khung pháp lý đã cơ bản hoàn thiện nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức PPP còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Theo Cục trưởng Trần Hào Hùng, một trong những khó khăn lớn nhất là huy động được vốn vay cho dự án.

Các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn chủ yếu huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tuy nhiên tình trạng nợ xấu của các dự án BOT, BT giai đoạn trước khiến cho thị trường vốn dành cho PPP ngày càng hạn chế.

Các tổ chức tín dụng trong nước chưa sẵn sàng cho vay dự án mới, trong khi các tổ chức tín dụng quốc tế còn ngần ngại.

Sau khi Luật PPP có hiệu lực, đã có một số dự án PPP mới được duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, một số hiệp hội, nhà đầu tư đã phản ánh một vài vướng mắc trong những chính sách liên quan, ví dụ như chính sách thuế, đất đai, ngân sách nhà nước, quản lý sử dụng tài sản công…

Ngoài ra, PPP là phương thức đầu tư phức tạp với sự tham gia của nhiều bên (nhà nước, doanh nghiệp, bên cho vay...) trong một hợp đồng dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dự án PPP là dự án nhằm mục đích công, nhưng do ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư, nên cần kêu gọi nguồn lực tài chính từ khu vực tư để bù đắp thiếu hụt.

Vì thế, thiết kế một dự án PPP vừa phải đảm bảo thực hiện được các mục đích công vừa phải đảm bảo lợi nhuận đủ hấp dẫn khu vực tư, hài hòa lợi ích giữa các bên. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư vì thế mất nhiều thời gian để xác định tính khả thi về tài chính, đồng thời bảo đảm phân bổ nguồn lực nhà nước có hiệu quả.

Để thúc đẩy hơn nữa phương thức đầu tư PPP trong thời gian tới, Cục trưởng Trần Hào Hùng cho rằng, các chính sách liên quan đến khung pháp lý về PPP cần được ban hành đồng bộ, cùng hướng đến mục tiêu thu hút tư nhân, phù hợp với mục tiêu, tính chất và đặc điểm dự án PPP trong từng lĩnh vực cụ thể.

Cùng với đó, cần nhiều yếu tố khác như môi trường đầu tư hấp dẫn, kinh tế vĩ mô ổn định, mức độ tín nhiệm quốc gia tốt hơn và phải nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đa dạng thị trường vốn…

Việc tổ chức thực thi của mỗi bộ, ngành, địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng để các quy định của Luật đi vào thực tiễn nhanh, hiệu quả… Cơ quan có thẩm quyền cần lựa chọn dự án phù hợp, có hiệu quả kinh tế-xã hội; đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi về tài chính, thương mại và phải có sự phân chia rủi ro hợp lý, chấp nhận được đối với nhà đầu tư.

Nếu các yêu cầu đó không đáp ứng được thì dù Luật có sức hấp dẫn cũng khó thu hút được nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để tham gia thực hiện dự án PPP, bảo đảm nguồn lực chuẩn bị dự án PPP, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi quyết định đầu tư dự án.

Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng cần được chú trọng hơn để quảng bá rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời cần có giải pháp hiệu quả để tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài.

Đối với các vấn đề khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đã triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần đồng hành với nhà đầu tư để tháo gỡ, xử lý trên tinh thần tôn trọng hợp đồng đã ký kết, thượng tôn pháp luật. Điều đó sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư khi tham gia thực hiện các dự án mới…

Các tin khác