ĐBSCL: Nhiều đặc sản đắt hàng dịp tết

(ĐTTCO)-Ngày 26-1, các cơ sở chế biến khô ven biển ở Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Rạch Gốc và Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết, những ngày này, các đặc sản của địa phương được tiêu thụ mạnh, nhất là những sản phẩm được cấp chứng nhận của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). 
Chế biến tôm khô phục vụ thị trường tết. Ảnh: TẤN THÁI
Chế biến tôm khô phục vụ thị trường tết. Ảnh: TẤN THÁI

Theo ông Lê Minh Sang (chủ cơ sở sản xuất tôm khô đạt chuẩn OCOP 3 sao, ở xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), hiện cơ sở đang hoạt động hết công suất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhờ tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nên hoạt động mua bán, tiêu thụ hàng hóa diễn ra bình thường trở lại. Vì vậy, các đặc sản được bán khá chạy vào những ngày cận tết.

“Năm nay, dù nguyên liệu có khan hiếm hơn mọi năm, nhưng chúng tôi vẫn giữ giá bán như các năm trước; bình quân tôm khô loại 1 có giá từ 1,5-1,8 triệu đồng/kg. Đến nay, cơ sở đã xuất ra thị trường hơn 5 tấn, chủ yếu là tôm khô bóc vỏ”, ông Sang thông tin. 

Theo ghi nhận, sản lượng các đặc sản cung ứng cho thị trường tết năm nay khá dồi dào, giá cả không tăng. Những sản phẩm được cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP được nhiều người biết đến hơn, vì vậy, tiêu thụ cũng khả quan. Các sản phẩm như bánh phồng tôm Mũi Cà Mau, tôm khô Rạch Gốc, khô cá thòi lòi Đất Mũi… được nhiều khách hàng ưa chuộng. 

Trong khi đó, các loại trái cây chưng tết “đặc sản” ở Vĩnh Long cũng được ưa chuộng. Anh Phan Nhựt Thanh (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết đang tập trung chăm sóc dưa hấu vàng ruột đỏ, chờ ngày thu hoạch phục vụ thị trường tết. Vụ này, anh Thanh xuống giống 3.800 dây dưa hấu; sau hơn 2 tháng chăm sóc, hiện các trái dưa bóng đẹp, có trọng lượng từ 1-1,2kg/trái, giá dao động từ 80.000-100.000 đồng/mỗi cặp. 

Theo ông Võ Xuân Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tường Lộc, mô hình trồng dưa hấu nhà màn của anh Phan Nhựt Thanh áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lãi trên 50 triệu đồng/vụ, cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Cùng ngày, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Kiệt cho biết, hơn 2.200 trái cây tạo hình của nông dân trong huyện đã được các khách hàng mua hết. Lâu nay, huyện Châu Thành có thế mạnh về sản xuất trái cây tạo hình cung cấp cho thị trường tết ở TPHCM, Hà Nội…

Năm nay, do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng trái cây tạo hình đã giảm gần một nửa. Tuy nhiên, bù lại nhờ hút hàng nên nhà vườn bán nhanh và được giá. Ngoài bưởi hồ lô nổi tiếng lâu nay, nhà vườn nơi đây còn tạo hình, thư pháp thêm trên trái đào tiên, đu đủ, dừa và xoài. Giá đào tiên, xoài thư pháp khắc chữ: tài lộc, chào 2022, phát lộc, phát tài; xoài thư pháp in hổ, biểu tượng của năm Nhâm Dần… dao động từ 200.000-500.000 đồng/cặp...

Các tin khác