Để kinh tế Việt Nam không ‘lỡ nhịp’ trong trạng thái ‘bình thường mới’

(ĐTTCO) - Tập trung trợ giúp doanh nghiệp tái tạo việc làm, hỗ trợ lưu thông dòng tiền, cụ thể hóa những nhóm giải pháp phục hồi kinh tế, là một số tham vấn của các chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng và tổ chức quốc tế, với Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết từ kinh nghiệm quốc tế, xuất phát từ nhu cầu nội tại của nền kinh tế, việc cần thiết hiện nay là nghiên cứu, xây dựng và thực hiện Chương trình phục hồi, để kinh tế Việt Nam không “lỡ nhịp” khi đang bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Kết cấu của Chương trình gồm 4 phần chính: Tác động của dịch bệnh, tình hình và chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế trên thế giới; Thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế đến năm 2023 và Dự kiến nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Để kinh tế Việt Nam không ‘lỡ nhịp’ trong trạng thái ‘bình thường mới’ ảnh 1 Chuyên gia Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nên thiết kế Đề án theo 5 chương trình thành phần. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Thiết kế theo chương trình thành phần

Chuyên gia Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất thay vì đưa ra các nhóm giải pháp thì nên thiết kế Đề án theo 5 chương trình thành phần. Bởi bối cảnh hiện nay là chưa từng có, phục hồi và phát triển kinh tế là vấn đề rất lớn nên cần những chương trình triển khai cụ thể chứ không phải chỉ là nhóm giải pháp như thông thường.  

Đầu tiên là chương trình tiêm vaccine gắn với mở cửa nền kinh tế, trong đó bao gồm các vấn đề như tăng năng lực của các sơ sở y tế, tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng, vừa mở cửa trở lại vừa bảo đảm hệ thống y tế hoạt động thông suốt, hiệu quả, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Chương trình này phải được đẩy mạnh và cố gắng hoàn thành trong quý I-2022.

Chương trình thứ 2 là phục hồi doanh nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên các trụ cột về kinh tế, bao gồm xử lý vướng mắc, giảm lãi suất khoản cho vay, phục hồi chuỗi giá trị, khoanh nợ cho doanh nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Đối với doanh nghiệp không có tiềm năng, phải tính đến việc dứt khoát tái cơ cấu hoặc giải thể. Cùng với đó là xem xét lại một loạt các điều kiện cho vay.

Theo ông Sinh, nếu cho vay tín dụng mà cứ căn cứ vào điều kiện như hiện nay thì rất khó nên cần đổi mới cách tiếp cận. Đồng thời, tất cả những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như chuyển đổi số cho doanh nghiệp, giảm chi phí logistics… nên gom vào một chương trình để tái cơ cấu gắn với tự chủ kinh tế.

Chương trình tiếp theo là về phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến nhiều nội dung như: Cho vay tiêu dùng, lưu thông dòng tiền trong dân, hỗ trợ cho người dân, qua đó kích cầu tiêu dùng.

Thứ 4 là chương trình khơi thông nguồn lực để phát triển, đồng thời tập trung vào kết cấu hạ tầng, trong đó có thu hút nguồn vốn ODA, FDI và cơ cấu lại đầu tư công.

Chương trình thứ 5 được xem như “chìa khoá” tạo nền tảng cho những quyết sách quan trọng, đó là cải cách thể chế, nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy chính quyền, nhất là bộ máy chính quyền cơ sở. Từ thực tiễn công tác chống dịch thời gian qua, có thể thấy việc điều phối, ứng phó của chính quyền cơ sở nổi lên như một vấn đề rất bất cập, bất nhất.

Do vậy, cải cách thể chế, tăng cường chất lượng thực thi của chính quyền cơ sở là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi kinh tế không những trong ngắn hạn, mà còn về dài hạn và có tính bền vững.

Theo ông Cao Viết Sinh, đi cùng với 5 chương trình là điều kiện về quản lý rủi ro cho quá trình kích thích nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc quản lý kinh tế khi mở cửa trở lại phải làm sao để bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát nợ xấu cũng như tỷ lệ doanh nghiệp phá sản.

“Tuy nhiên, nhiều vấn đề về thể chế hoặc tổ chức thực hiện liên quan đến sử dụng nguồn kinh phí nên Đề án Chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế có thể phải trình lên Quốc hội để quyết định vì đây là quyết sách lớn và chưa từng có tiền lệ.

Thời gian còn lại của năm 2021 là rất ngắn, như vậy, tính chung giai đoạn 5 năm 2021-2025, chúng ta chỉ còn 4 năm, trong đó, 2 năm đầu để phục hồi, 2 năm cuối tăng tốc, phải đặt rõ lộ trình, mục tiêu nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ, mới đạt được mục tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025”, ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất cần ban hành khung chương trình phục hồi để địa phương lấy đó làm căn cứ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế của địa phương. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất cần ban hành khung chương trình phục hồi để địa phương lấy đó làm căn cứ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế của địa phương. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Cần ban hành khung để làm căn cứ cho chương trình phục hồi kinh tế của các địa phương

Nhìn nhận trên phương diện khác, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực gợi mở vấn đề chuyển đổi chiến lược, từ mục tiêu kép thành “đa mục tiêu” bao gồm bảo đảm hệ thống y tế, yếu tố an sinh xã hội và năng lực phát triển kinh tế.

Ngoài ra, theo ông Lực, việc thay đổi chiến lược phòng chống dịch đã được thống nhất, nhất quán nhưng cần làm rõ như thế nào là sống chung với dịch. Bên cạnh việc phân loại nhóm rủi ro lây lan dịch bệnh theo địa lý, cần phải đối chiếu theo cả lĩnh vực ngành nghề kinh tế.

“Đặc biệt, cần ban hành khung chương trình phục hồi để địa phương lấy đó làm căn cứ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế của địa phương”, chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất.

Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách phải được thực hiện phù hợp hơn; gói hỗ trợ cần thực thi nhanh, giải quyết ngay các vướng mắc liên quan đến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thiết kế gói hỗ trợ mới tập trung vào đối tượng lao động tự do, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; cần có lộ trình kế hoạch mở cửa rõ ràng để doanh nghiệp chuẩn bị lực lượng lao động; tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trên cơ sở phát triển kinh tế xanh.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ đại dịch Covid-19

Cho rằng kiến nghị của các chuyên gia kinh tế là xác đáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ sẽ tiếp thu các góp ý, tổng hợp, nghiên cứu để xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 bám sát thực tiễn và hiệu quả.

Qua thời gian phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rút ra một số bài học, kinh nghiệm liên quan đến kinh tế - xã hội tại nước ta.

Thứ nhất là năng lực y tế công cộng, y tế dự phòng, y tế cơ sở còn yếu nên khi tình huống bất ngờ xảy ra, hệ thống y tế lúng túng, bất ngờ và bị động. Thứ hai, năng lực quản trị xã hội, xử lý tình huống của các bộ, ngành, địa phương cần phải được cải thiện. Mặt khác, người dân chưa được trang bị ý thức và kỹ năng đầy đủ để tự bảo vệ mình trước biến động, do vậy, thời gian tới cần khắc phục điều này.

Bài học tiếp theo là sản xuất, cung ứng thị trường đầu vào, đầu ra cần hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào một số ít doanh nghiệp hay thị trường, tính tự lực, tự cường, tự chủ của nền kinh tế còn mong manh. Trong trường hợp nước ngoài có biến động như vừa qua, chuỗi cung ứng đầu vào và xuất khẩu đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất kinh doanh phải chú ý đến năng lực dự phòng và dự trữ.

“Cuối cùng, phải dựa vào sức mạnh của dân, của hệ thống chính trị cơ sở. Đây là bài học quan trọng. Chúng ta cần nhận diện lại những thiếu sót để điều chỉnh tốt hơn trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

Các tin khác