Để logistics không mãi là… tiềm năng

(ĐTTCO) - Logistics có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song điều nghịch lý hiện nay Việt Nam vẫn chưa có chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành này.

Logistics có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa dịch vụ đến tay người tiêu dùng với chi phí thấp nhất. Để thực hiện sứ mạng này, giải pháp quan trọng là phát triển đồng bộ hệ thống logistics quốc gia. Thực tế mở cửa thị trường dịch vụ logistics từ năm 2013, nhưng cho đến nay hệ thống logistics nước ta, nhất là cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên cả thị trường trong nước và quốc tế. 

Thiếu các trung tâm logistics 
Trung tâm logistics được coi là yếu tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, được xây dựng nhằm thực hiện các chức năng cơ bản như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom hàng, chia nhỏ hàng, phối hợp phân chia hàng, lưu giữ hàng tối ưu, tạo ra giá trị gia tăng, chuyển tải và logistics ngược, như xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và thực hiện liên kết kinh tế… 
 Hiện nay Việt Nam chưa có trung tâm logistics nào đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết, thực chất chỉ là ICD mở rộng thêm một số chức năng, chưa hình thành các cụm logistics, trung tâm logistics. 
Với các chức năng cơ bản này, trung tâm logistics có vai trò rất quan trọng trong việc tối ưu hóa các dòng vận động hàng hóa, tiền tệ, thông tin, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho các DN. Đặc biệt, các trung tâm logistics được coi là mô hình thực hiện hiệu quả liên kết kinh tế của các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ.
Cũng như hệ thống kho tàng, bến bãi trong thương mại dịch vụ, trung tâm logistics có thể được phân loại theo nhiều tiêu thức khác nhau. Phổ biến nhất hiện nay là phân chia trung tâm logistics theo quy mô và phạm vi hoạt động cấp quốc gia, cấp vùng lãnh thổ và địa phương, hay trung tâm logistics quốc tế (quy mô quốc tế, khu vực). Sự kết nối các trung tâm logistics trong vùng hình thành nên cụm logistics… 
Dịch vụ logistics ở nước ta lần đầu tiên được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, nhưng mãi đến năm 2015 Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030, mới được ban hành. Nhưng từ đó cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược và quy hoạch tổng thể để định hướng phát triển ngành logistics.
Nguyên nhân do tại Việt Nam ngành logistics và trung tâm logistics đang còn là vấn đề khá mới mẻ. Ngay cả trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, các vấn đề về hệ thống logistics, trong đó có các trung tâm logistics cũng chưa hề được đề cập. Điều đó cho thấy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng, dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên, sang phát triển theo chiều sâu dựa vào khoa học công nghệ, năng suất và hiệu quả, vẫn còn nhiều rào cản. 
Để logistics không mãi là… tiềm năng ảnh 1  Dù là một cảng lớn ở khu vực phía Nam, nhưng thực chất chỉ là ICD mở rộng chứ chưa thể gọi là trung tâm logistics. Ảnh: VIẾT CHUNG
Nửa vời, manh mún
Trong khoảng chục năm trở lại đây, nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối, lưu thông hàng hóa và vận tải hàng hóa tăng nhanh, đặc biệt là hàng container, đã hình thành nhiều trung tâm phân phối, cảng nội địa trên cả nước. Hiện nay, khu vực phía Bắc có 8 cảng ICD gồm Gia Lâm, Mỹ Đình (Hà Nội), Thụy Vân (Phú Thọ), Hải Dương (Hải Dương), Ninh Phúc (Ninh Bình), Hòa Xá (Nam Định), Tiên Sơn (Bắc Ninh) và TP Lào Cai (Lào Cai). 
Ở khu vực phía Nam, lượng hàng hóa lưu thông lớn, khối lượng hàng hóa container thông qua các cảng biển chiếm hơn 70% cả nước, đã thúc đẩy hình thành và phát triển các cảng nội địa ICD, điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và hệ thống kho bãi chứa hàng.
Khu vực phía Nam hiện có 9 cảng ICD, gồm Phước Long Transimex, Biên Hòa, Bến Nghé, Sóng Thần (trong KCN Sóng Thần, Bình Dương), Tanamexco, Phúc Long, Sotrans, Tân Cảng - Long Bình. Ngoài ra, tại một số KCN hình thành các điểm làm thủ tục hải quan, điểm kiểm tra hàng hóa ngoài cửa khẩu.
Tuy nhiên, sự phát triển trung tâm logistics ở nước ta còn nhiều bất cập và hạn chế. Điều đầu tiên là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tuy được đầu tư xây dựng nhưng mang tính đơn lẻ theo từng phương tiện, thiếu kết nối liên hoàn, thiếu các trung tâm logistics hậu cần cho vận hành khai thác hiệu quả và văn minh giao thông.
Quy mô các trung tâm logistics được xây dựng tự phát thường rất nhỏ (10ha, thậm chí 1-2ha, trong khi ở các nước lên đến 1.500ha). Ngoài ra, trung tâm logistics ở nước ta chủ yếu thuộc sở hữu của DN và cung ứng dịch vụ cho khách hàng, chưa phát triển đến quy mô hội đủ các yếu tố của trung tâm logistics như các nước. Hệ lụy làm chi phí logistics tăng cao so với các nước trong khu vực, gây ách tắc trong lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, làm giảm giá trị và chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên các thị trường.
Một hiện tượng phổ biến đang diễn ra hiện nay là tại các tỉnh, thành phố lớn việc xây dựng hàng loạt khu chung cư, khu đô thị đang phát triển mạnh mẽ, nhất là khi có DN, công ty hay cơ quan nào đó chuyển ra ngoại thành hoặc khi thực hiện chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.
Nhưng dường như song hành với việc này không hề tính đến tổng thể khâu hậu cần logistics (hạ tầng giao thông, thoát nước, hệ thống trường học và cả khu vui chơi giải trí cho cư dân…), đã dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển bền vững (tình trạng ùn tắc,tai nạn giao thông, ngập nước…) ngày càng nghiêm trọng.
Vì thế, quy hoạch tổng thể logistics, trong đó trọng tâm là xây dựng các trung tâm logistics theo chuẩn quốc tế là không thể chậm trễ. Trước mắt, đối với đường bộ, cần sớm có quy hoạch xây dựng và đưa vào vận hành các trung tâm logistics (đặc biệt ưu tiên các hành lang kinh tế Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia…). Đây sẽ là “xương sống” để từ đó quy hoạch xây dựng các KCN logistics, cụm logistics để kết nối các địa phương, nhằm thực hiện liên kết kinh tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. 
Hay với chiều dài bờ biển 3.260km, dọc bờ biển và trên biển có tới 28 tỉnh thành phố, 12 thành phố lớn, 120 huyện, thị xã ven biển, 100 cảng biển với tổng diện tích 208.560km2 (chiếm 41% diện tích cả nước) và hơn 41,2 triệu dân (chiếm gần một nửa dân số), đây là tiềm năng lớn để Việt Nam phát triển logistics đường biển. Song hạn chế lớn nhất hiện nay vẫn chính là tư duy.
Nếu vẫn duy trì tư duy lợi ích “dự án cục bộ”, dẫn đến tình trạng băm nát bờ biển để làm resort, phát triển cảng biển theo kiểu phân lô, chia nền, hay chặt khúc các tuyến quốc lộ huyết mạch bằng các trạm BOT, có lẽ tiềm năng logistics của Việt Nam sẽ mãi là… tiềm năng.  

Các tin khác