Đề nghị Bộ Công an điều tra vụ trục lợi trong xuất khẩu gạo

(ĐTTCO)-Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ đạo điều tra về dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua mà báo chí, mạng xã hội và doanh nghiệp nêu nghi vấn.
Đề nghị Bộ Công an điều tra vụ trục lợi trong xuất khẩu gạo

* Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong thời gian qua.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020.

Việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian tới.

* Hôm nay 20-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu 400.000 tấn gạo thuộc hạn ngạch tháng 4.

Theo đó, trong văn bản này, Bộ Tài chính nêu rõ hiện nay trên một số phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội cũng như một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt ra nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo.

Cụ thể, có hay không việc trục lợi chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo, tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan…

Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như xử lý trách nhiệm về việc đưa tin xuyên tạc, sai sự thật.

Cùng ngày, ông Đinh Tiến Dũng cũng có văn bản chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung báo chí, mạng xã hội, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nghi vấn về tính minh bạch trong việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc 0h ngày 12-4, có hay không sự tác động tiêu cực của công chức hải quan, cơ quan hải quan, báo cáo trước ngày 30-4.

Trong vòng 1 tuần nay, sau ngày 12-4 khi hải quan mở công tiếp nhận tờ khai đăng ký xuất khẩu 400.000 tấn gạo, trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gửi thư kêu cứu về việc không thể xuất khẩu gạo được do Tổng cục Hải quan mở cổng tiếp nhận tờ khai vào lúc nửa đêm. 

Việc tiếp nhận tờ khai không thông báo trước khiến nhiều doanh nghiệp không biết để đăng ký tờ khai lên hệ thống hải quan, trong khi hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng này chỉ 400.000 tấn, quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp. 

Đặc biệt, có hàng chục ngàn tấn gạo đang nằm ở cảng, đã có hợp đồng mà không xuất khẩu được do bị tạm dừng xuất từ ngày 24-3.    

Điều mà dư luận và nhiều thương nhân xuất khẩu gạo đặt dấu hỏi nghi vấn có việc trục lợi chính sách khi một mình Công ty CP Tập đoàn Intimex đăng ký xuất khẩu tới 102 tờ khai với hơn 96.234 tấn gạo, chiếm 25% hạn ngạch gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng này.  

Các tin khác