Đề xuất Trung ương phân cấp mạnh mẽ cho TPHCM

(ĐTTCO) - Ngày 28-7, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn giám sát.
 Về phía TPHCM, có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Đất đai là vấn đề nổi cộm
Vấn đề THTK, CLP được các đại biểu đánh giá là nội dung “khó, rộng”. Tại buổi làm việc, công tác THTK, CLP được đánh giá chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (như ô tô, máy móc, thiết bị, nhà đất, trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất - kinh doanh, quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội…). Bên cạnh đó là công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên như đất đai, khoáng sản; quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Báo cáo của UBND TPHCM và đánh giá của đoàn giám sát đều nhìn nhận, TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực trong THTK, CLP. Về các tồn tại hạn chế, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến hạn chế, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập cũng gặp khó khăn… 
Đề xuất Trung ương phân cấp mạnh mẽ cho TPHCM ảnh 1  Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc
Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong khi đó, báo cáo kết quả rà soát sơ bộ qua làm việc bước đầu với UBND TPHCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, đánh giá, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TPHCM là vấn đề nổi cộm, cũng là vấn đề khó, nhiều trường hợp do lịch sử để lại, hay hậu quả của các nhiệm kỳ trước. Một số vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý của TPHCM, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và có cả nguyên nhân do chính sách, pháp luật. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, TPHCM cần kịp thời, quyết liệt hơn”, đồng chí nhấn mạnh.
Một số nội dung cụ thể được đoàn công tác nêu ra, là cần xử lý dứt điểm các dự án “treo”, tình trạng lấn chiếm đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch. Đoàn đã khảo sát 2 dự án là Khu đô thị Nam TPHCM và Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và nhận thấy, dự án quy mô lớn, sau nhiều năm vẫn dang dở, đất đai bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Báo cáo của đồng chí Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra một số nội dung, như 2 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 chậm tiến độ; nhiều lần xin thay đổi tổng mức đầu tư, xin gia hạn hoàn thành. Ngoài ra, còn có không ít cơ sở nhà đất chưa được xử lý hoặc chưa có phương án tiếp tục sử dụng, còn để sử dụng trái mục đích…
Đoàn giám sát cũng cho rằng TPHCM cần triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, giảm chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập sớm tự chủ về mặt tài chính.
Cần đánh giá tổng thể
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, cần tiếp cận công tác THTK, CLP trên góc độ là tổng giá trị tạo ra, chứ không chỉ đánh giá từ một vài chi tiết. Bởi có những việc ban đầu tưởng chừng là lãng phí, nhưng đó có thể là sự chuẩn bị để đón đầu cơ hội, tạo giá trị kinh tế - xã hội sau này.
Đồng chí cũng thông tin trước đoàn về việc TPHCM đang tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Trong đó, TPHCM đề xuất trung ương phân cấp mạnh mẽ, từ đó giải phóng được năng lượng cho TPHCM. Tiếp thu ý kiến của đoàn về việc giải quyết các tồn đọng, tránh các quy hoạch treo, dự án treo gây lãng phí, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, TPHCM hiện phát huy tối đa năng lực làm việc của các tổ công tác, tháo gỡ nhiều vấn đề.
Đồng tình với Chủ tịch UBND TPHCM, khi phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng THTK, CLP cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện. “Không thể nhìn thấy trước mắt mà kết luận ngay một việc. Cần nhìn vào tổng thể, nhìn vào hiệu quả, soi lại chi phí, soi lại định mức để đánh giá thế nào là tiết kiệm, thế nào là lãng phí”, đồng chí nhấn mạnh. 
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị TPHCM thẳng thắn phân tích rõ nguyên nhân gây lãng phí. Những nội dung nào do cơ chế, chính sách pháp luật; nội dung nào do quy định về định mức, tiêu chuẩn còn chưa phù hợp; nội dung nào do khâu tổ chức thực hiện. Từ đó, TPHCM mới có thể quy trách nhiệm và xử lý triệt để.
 Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã góp ý cho TPHCM nhiều nội dung trong công tác THTK, CLP. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng TPHCM cần được tự chủ về bộ máy; tự chủ về cơ chế và tự chủ về đầu tư. Những nội dung này có thể tác động đến mô hình quản lý, tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm thời gian và cả con người. Cũng có ý kiến ĐB cho rằng tắc nghẽn giao thông, ngập úng gây thiệt hại lớn cho xã hội, TPHCM cần nhìn nhận đây là yếu tố gây lãng phí và cần tập trung khắc phục.

Các tin khác