Đến lúc tính chuyện 'mở cửa' kinh tế TPHCM: Doanh nghiệp không thể cầm cự thêm nữa!

(ĐTTCO)-Dự kiến dịch bệnh kéo dài từ 3 - 6 tháng, giờ đã gần 2 năm; Dự trù cho việc giãn cách xã hội từ 15 - 30 ngày, giờ đã gần bước sang tháng thứ 5... hàng loạt doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, họ đang ở "ngưỡng" không thể cầm cự thêm.
Hoạt động kinh tế 'đóng băng', các doanh nghiệp tại TP.HCM đã kiệt quệ, không thể cầm cự thêm
Hoạt động kinh tế 'đóng băng', các doanh nghiệp tại TP.HCM đã kiệt quệ, không thể cầm cự thêm

Hoạt động kinh tế đóng băng

Giữa tháng 7, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn mừng như "chết đuối vớ phải cọc" khi Bộ VH-TT-DL công bố kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10 tới.

Nói ông Sơn như "chết đuối vớ phải cọc" là bởi chỉ cách đó chưa đầy 2 tháng, Ngôi sao biển Sài Gòn tưng bừng khai trương tổ hợp Chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 - một trong những sản phẩm giải trí về đêm hấp dẫn nhất của Phú Quốc United Center - siêu quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hàng đầu Đông Nam Á tại Phú Quốc.

Không chỉ vậy, chợ đêm Đà Lạt, phố đi bộ chợ đêm Vũng Tàu, chợ đêm Đà Nẵng... loạt dự án cũng gấp rút được Ngôi sao biển Sài Gòn triển khai để đón đầu ngành du lịch sau đại dịch. Công trình khai trương chưa được ngót nghét nửa tháng, ổ dịch đầu tiên tại TP.HCM bùng phát và lan rộng, thành phố phải áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội khiến công ty ngưng toàn bộ hoạt động.

Tưởng dịch bệnh sẽ mau chóng được kiểm soát, nào ngờ đến nay đã hơn 4 tháng trôi qua, chương trình thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc sắp đến hẹn triển khai nhưng ông Sơn và Ngôi sao biển Sài Gòn vẫn đang án binh bất động ở TP.HCM vì "lệnh" giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày càng siết chặt.

"Kiệt sức rồi, không thể chịu đựng thêm được nữa. Hầu hết các doanh nghiệp hiện coi như đã chết lâm sàng. Không phải do sức doanh nghiệp kém mà môi trường hiện nay là môi trường bất động. TP.HCM có quy mô kinh tế, quy mô dân số lớn nhất Việt Nam, sức ảnh hưởng và tác động vô cùng lớn. TP.HCM đóng cửa nghĩa là các hoạt động kinh tế coi như đóng băng. Nếu cứ để đất khô cằn thì cái cây ắt phải chết"- ông Sơn nói.

Gần 2 năm du lịch lay lắt, hệ sinh thái du lịch tê liệt là hệ quả tất yếu, song, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, lương thực thiết yếu cũng không tránh khỏi kiệt quệ sau kỳ ngủ đông kinh tế quá dài tại TP.HCM.

Không đáp ứng nổi "3 tại chỗ",  Công ty TNHH thương mại quốc tế T-Farm đã phải ngưng hoạt động từ ngày 16.7. Chiều 3.9, ông Lương Nguyên Tâm, Giám đốc T-Farm cho biết đang mong mỏi từng ngày thành phố nới lỏng những quy định để doanh nghiệp có thể mở máy, sản xuất trở lại. Xưởng sản xuất nằm trong thành phố, không có đủ không gian để triển khai "3 tại chỗ" cho công nhân nên công ty vẫn chưa thể hoạt động dù đến nay đã có hơn 90% số công nhân của T-Farm tiêm đủ 2 mũi vắc xin chống Covid-19.

Nhà máy đóng cửa, doanh thu không có, mỗi tháng, ông Tâm vẫn phải chi đều vài trăm triệu đồng tiền thuê mặt bằng nhà xưởng, tiền bảo hiểm xã hội và tiền lương để duy trì cuộc sống cho người lao động. Đáng nói, hàng loạt đơn hàng cà phê, bánh tráng, bánh gạo, hạt điều... từ các siêu thị đang réo gọi; khách hàng nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông... cũng liên tục thúc giục nhanh trả các đơn hàng mà doanh nghiệp xin trì hoãn từ gần 2 tháng trước. 

"Lúc đầu tôi nghĩ các biện pháp giãn cách cứng sẽ chỉ kéo dài khoảng nửa tháng nên cũng nói khó để xin trì hoãn với đối tác. Do yếu tố khách quan là dịch bệnh, họ đồng ý, nhưng đến nay đã trễ hẹn quá lâu rồi. Điều tôi lo sợ nhất không phải hết tiền mà là mất đơn hàng. Nếu bảo cầm cự, chắc doanh nghiệp có thể cầm cự được khoảng 2 - 3 tháng nữa nhưng đến lúc đó, các đơn hàng của tôi chắc đã về tay đối tác Trung Quốc hết rồi. Mất 6 - 7 năm để gầy dựng mối quan hệ với các đối tác lớn, giờ chỉ đành ngồi nhìn họ bỏ mình, mà cũng chẳng trách được vì làm ăn, sao có thể chờ đợi quá lâu. Quan trọng, đó đều là các khách hàng lớn, họ ký hợp đồng dài hạn nên sau vài ba tháng nữa, có mở cửa thì mình cũng chẳng còn cơ hội kéo họ lại. Tiền hết có thể đi vay mượn, có thể cầm cố, bán tài sản chứ khách hàng mất thì coi như xong." - ông Tâm thở dài.

Chiến lược vắc xin và vùng xanh

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho tới nay, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 (mũi 1) của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trung bình là 40 - 50%.

Trong khi đó, đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông TP.HCM đóng cửa. 100% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để doanh nghiệp duy trì sản xuất và nếu Chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu đang hiện trước mắt.

Cũng đề xuất gỡ khó "3 tại chỗ", ông Lương Nguyên Tâm cho rằng đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ bao phủ mũi tiêm vắc xin thứ 2 lớn như T-Farm, nếu vẫn tiếp tục siết yêu cầu "3 tại chỗ", khiến nhà máy không thể sản xuất, công nhân không thể đi làm thì việc đẩy nhanh tiêm vắc xin sẽ trở nên vô nghĩa.

"Mở cửa không đồng nghĩa với bất chấp tính mạng. Không có doanh nghiệp nào muốn mạo hiểm tính mạng của bản thân, gia đình và người lao động vì họ là nguồn lực của mình. Cần tạo ra hành lang xanh với những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin chống Covid-19. Chỉ cần thành phố quyết định nới lỏng, yêu cầu tuân thủ những điều kiện về tiêm vắc xin thì doanh nghiệp và người lao động sẽ tự lo nhanh chóng đảm bảo đúng quy định, bảo vệ cuộc sống của mình để có thể chung sống an toàn cùng dịch bệnh" - Giám đốc T-Farm kiến nghị.

Khẳng định Việt Nam và các địa phương không thể có lựa chọn nào khác, buộc phải mở cửa lại nền kinh tế khi sức chống chịu của cả Nhà nước, doanh nghiệp cũng như người dân đã cạn kiệt, tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: Mở cửa phải dựa trên những nguyên tắc an toàn cơ bản, phải có những giải pháp được nghiên cứu thận trọng vì nếu không thì kể cả doanh nghiệp cũng sẽ "chết" trước khi kịp phát triển trở lại.

Theo ông Sơn, có 2 yếu tố căn bản của việc mở cửa, đó là chiến lược vắc xin và vùng xanh. "Ta nhớ lại trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc khi ấy chính là việc thiết lập các ATK (An toàn khu).

Trong các khu vực này có đầy đủ các hoạt động kinh tế, xã hội, có các tiêu chí rõ ràng công nhận nó, là một ốc đảo bình yên trong thời chiến để các đơn vị khi về đến ATK thì được tiếp thêm sức lực, chiến đấu đến ngày thắng lợi. Vùng xanh mà tôi nói đến phải như là một ATK - có đủ bộ tiêu chí hoạt động và phải được giữ vững, ngày càng mở rộng, tiến đến xanh hóa các địa bàn còn lại" - vị này phân tích. 

Ông Huỳnh Văn Sơn lưu ý muốn làm được điều đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin phải cao và 2 mũi vắc xin chính là “thẻ xanh” để định danh công dân vùng xanh. Những ràng buộc của công dân thẻ xanh phải được tổ chức nhịp nhàng, khoa học, làm sao ít phiền hà nhất nhưng quản lý chặt chẽ nhất. Vấn đề này trên thế giới đã có kinh nghiệm, có thể tham khảo một hình thức thẻ thông hành điện tử hoặc thẻ cứng để công dân thẻ xanh này được trở lại nhịp sống bình thường.

Sau khi áp dụng mở cửa, giao trách nhiệm bảo vệ vùng xanh cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp theo chế độ “tự quản”. Anh đánh mất vùng xanh và thẻ xanh, anh bị lập tức tước đi các ưu đãi của cuộc sống và sinh hoạt thường nhật. Đó là sự điều chỉnh "khủng khiếp" nhất khiến các bộ phận trong xã hội tự nâng cao ý thức và điều chỉnh hành vi của mình.

Đơn cử, một nhà hàng được xác nhận vùng xanh sẽ được hoạt động 50% công suất ghế, trong khung giờ 8 - 20 giờ hằng ngày. Mọi nhân viên phải có "thẻ xanh", khách đến sử dụng dịch vụ cũng phải được quản lý, yêu cầu có "thẻ xanh". Nếu nhà hàng đánh mất chứng nhận vùng xanh thì sẽ phải đóng cửa, nhân viên thất nghiệp, khu vực nhà hàng hoạt động, địa phương đó cũng đánh mất vùng xanh và trở lại giãn cách theo Chỉ thị 16.

"Vắc xin và vùng xanh, thẻ xanh nên áp dụng theo đơn vị hành chính: khu phố - tổ dân phố để dễ tổ chức, dễ giám sát và theo khối: sản xuất - doanh nghiệp, nhà máy theo một chuỗi sản xuất liền mạch, đảm bảo mở cửa hiệu quả. Khi mở cửa, một trong những động lực quan trọng để đi đến thắng lợi cuối cùng là tiếp tục mạnh mẽ chiến lược vắc xin và củng cố tuyến điều trị để kịp thời điều trị FO, phục vụ việc bảo vệ, bóc tách F0, bảo vệ vùng xanh. Với doanh nghiệp lúc này, chỉ cần mở cửa, cho một môi trường "sống" thì tự động vì sinh kế, vì tồn tại của doanh nghiệp, những mầm xanh sẽ từng bước từ từ chuyển hóa, nảy lên và phát triển" - vị này đề xuất. 

Các tin khác