Đến năm 2030: TPHCM phấn đấu trở thành đô thị thông minh

(ĐTTCO) - UBND TP đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TPHCM. Phấn đấu đến năm 2030, TPHCM sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Đến năm 2030: TPHCM phấn đấu trở thành đô thị thông minh

Cụ thể, đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử TP được xác thực điện tử; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử TP được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ hệ thống Trung ương.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 60% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, quận, huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP không phải cung cấp lại; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); 80% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo TP và kết nối hệ thống báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành...

Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, 100% hồ sơ công việc ở cấp TP, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận-huyện và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường-xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn TP, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%...

Các tin khác