Dịch bệnh, sinh kế và sức khỏe

(ĐTTCO)-Làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang quay trở lại. Ở châu Âu, Pháp và Tây Ban Nha chứng kiến mức tăng ca bệnh nhanh nhất trong hơn 3 tuần trở lại đây. Nước Anh đã quay lại phong tỏa ở miền Bắc. Ở châu Á Philippines công bố mức tăng cao hơn 4.000 ca/ngày, trong khi Indonesia sẽ “gia nhập” tốp 20 nước có nhiều ca bệnh nhất thế giới, còn Hồng Kông đang ở bờ vực của đợt bùng dịch quy mô rộng. Và ở Việt Nam cũng không ngoại lệ khi Covid-19 tái phát.
Cuộc mưu sinh của những người như thế này sẽ ra sao khi giãn cách xã hội kéo dài.
Cuộc mưu sinh của những người như thế này sẽ ra sao khi giãn cách xã hội kéo dài.
Chống dịch nhưng phải bảo vệ sinh kế người dân
Phản ứng đầu tiên của nhiều người tôi quen, là cho rằng phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ ở các TP lớn TPHCM và Hà Nội như ở Đà Nẵng, để ngăn dịch bệnh lan tràn. Đây là phản ứng hợp lý lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Thế nhưng, nếu đọc các bài báo trên các phương tiện truyền thông, có góc khuất dường như bị che mờ bởi các thông tin mạnh mẽ về số ca bệnh, đó là sinh kế của những người làm công việc tự do sẽ ra sao?
Những người buôn bán tự do kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày đang mất dần sinh kế sẽ không nói, nhưng ngay cả những người có “cần câu cơm” tốt hơn cũng đang lâm vào khốn khó.
Một anh bạn tôi làm ở ngân hàng cho biết, nhiều người vay mua xe để chạy chở khách, làm dịch vụ kiếm tiền nay đang bị siết nợ. Cần câu cơm của họ đã mất trong đợt dịch trước. Nay chưa kịp gượng dậy, sẽ sống ra sao với đợt dịch này?
Có điều cần nhận thấy rõ trong đợt dịch lần này, là nhiều hộ gia đình đã kiệt quệ sau đợt giãn cách xã hội lần trước. Kinh tế nhiều hộ gia đình lâm vào khó khăn với hơn 30 triệu người thất nghiệp, giảm thời gian làm việc hoặc giảm thu nhập trong nửa đầu năm nay. Hàng triệu dân ở nhiều địa phương sống nhờ dịch vụ du lịch đã mất việc hơn nửa năm qua.
Trong khi đó, Việt Nam không có tích lũy ngân sách đủ lớn hay năng lực vay nợ nước ngoài lớn để có thể chi ra nhiều gói cứu trợ vài trăm tỷ USD. Chưa kể việc hỗ trợ vừa qua vẫn đang gặp nhiều trở ngại khi gần 90% lao động tự do ở TPHCM chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Lý do được đưa ra do hồ sơ, thủ tục xin nhận hỗ trợ của họ không đầy đủ. Đa số lao động tự do tại TP là người nơi khác đến tạm trú. Có những loại giấy tờ không địa phương nào, cả nơi thường trú và tạm trú, xác nhận cho họ, hay thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương.
Có người nói, ở đợt bùng dịch lần thứ 2 này, chúng ta đối mặt với cả 2 loại giặc: giặc Covid và giặc đói. Kinh tế Mỹ vừa công bố GDP giảm gần 33% trong quý II và Nhật Bản dự kiến GDP cũng sẽ giảm trên 25% trong quý II.
Với tư cách là nền kinh tế mở, khi các bạn hàng lớn sụt giảm kinh tế mạnh, Việt Nam khó có thể đứng vững một mình. Thách thức đối với tiến trình hồi phục kinh tế vốn đã nhiều, nay lại càng cao gấp bội khi ổ dịch Đà Nẵng bùng phát và có nguy cơ lây lan cao.
Làm sao giải quyết được cả vấn đề bảo vệ sức khỏe, hạn chế dịch bệnh lây lan cho người dân, nhưng cũng đồng thời giúp đỡ những hộ gia đình đã kiệt quệ sau giãn cách xã hội lần trước là vấn đề nan giải.
Ở đây chắc chắn phải có sự đánh đổi. Nhưng đánh đổi đến mức nào, lựa chọn cân bằng ra sao giữa dịch bệnh và sinh kế là điều không dễ dàng. Người giàu rất dễ dàng lựa chọn giải pháp giãn cách chặt chẽ toàn xã hội vì họ có nhiều tiền, ở nhà dăm ba tháng với họ không khó khăn. Nhưng với nhiều hộ gia đình, họ đang lo lắng tuần sau không còn biết có tiền mua gạo hay không.

Phải giữ bệnh viện mở cửa an toàn
Đợt bùng phát dịch lần này không chỉ có vấn đề đánh đổi giữa sinh kế và dịch bệnh, còn một vấn đề khác xuất phát từ kinh nghiệm của nhiều nước trong đợt chống dịch trước đây. Đó là nhiều người không chết vì Covid-19 nhưng lại chết vì những bệnh khác do không được chữa trị kịp thời.
Tôi có người quen kể lại trong thời gian giãn cách xã hội, người nhà anh vốn có bệnh nhưng không bác sĩ nào dám đến nhà chữa trị. Kết quả là sau dịch, người nhà anh sức khỏe đi xuống trầm trọng và cuối cùng đã ra đi.
Những câu chuyện thương tâm như vậy không chỉ ở Việt Nam, tôi còn nghe được ở Anh, ở Mỹ. Bài học ở Anh và Mỹ còn nghiêm trọng hơn khi nhiều nhân viên y tế cảm thấy không an toàn khi đến bệnh viện làm việc, vì họ không được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ và không được ưu tiên xét nghiệm khi có yêu cầu.
Nhiều bệnh viện ở Anh ngay trong đỉnh dịch thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng vì các nhân viên từ chối đi làm do không cảm thấy được bảo vệ đúng mức. Vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng đến mức một cuộc điều tra độc lập đã được yêu cầu tiến hành để làm rõ vấn đề thiếu trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế ở Anh. Tình hình ở Mỹ tôi đọc được trên báo cũng tương tự nếu không nói là tồi tệ hơn.
Đây là bài học chúng ta cần rút kinh nghiệm nghiêm túc. Đó là chống và ngừa Covid-19 nhưng vẫn phải đảm bảo năng lực chữa bệnh khác của hệ thống y tế công không sụt giảm quá mạnh. Nếu không nhiều người dân không chết vì Covid-19 cũng có thể chết vì bệnh khác.
Bài học ở nhiều nước trong khi giãn cách xã hội là cần chú trọng bảo vệ thành phần người cao tuổi dễ tổn thương, người có bệnh nền dễ biến chứng nặng. Và muốn vậy phải để họ nhận được chăm sóc y tế thỏa đáng (đồng thời cung cấp đầy đủ dụng cụ bảo vệ nhân viên y tế và tiến hành xét nghiệm cho nhân viên y tế khi có yêu cầu). 
Nếu nhân viên y tế không cảm thấy an toàn cho bản thân, làm sao họ dám chữa bệnh cho người khác. Ở Anh trong dịch có nhân viên y tế nói thà mất việc chứ không muốn mất mạng.
Vì vậy, đảm bảo cho nhân viên y tế được an tâm, người dân an tâm làm đủ các biện pháp bảo vệ trong bệnh viện và mở cửa bệnh viện trở lại, mới có thể làm xã hội yên tâm. Nếu một trong các khâu này không làm tốt, hoặc bệnh nhân không dám đến bệnh viện, hoặc bác sĩ không dám chữa bệnh, số người tử vong có thể sẽ cao bất thường so với các năm trước, cho dù họ không được xếp vào tử vong do Covid-19. 
Ở nhiều nước, hiện nay người ta không quan tâm đến tỷ lệ tử vong được quy cho Covid-19, mà họ đang quan tâm hơn đến thước đo số tử vong bất thường (excess deaths).
Nghĩa là số tử vong cao hơn so với năm trước hoặc số tử vong cao hơn số tử vong “bình thường” được tính ra từ các số liệu quá khứ. Con số đó sẽ cung cấp thêm khía cạnh khác để đánh giá xem một nước chống dịch thành công hay không. 
Tôi xin chia sẻ vài con số tử vong bất thường: số tử vong của TP Madrid Tây Ban Nha cao hơn 27% so với năm ngoái, trong khi London và Barcelona đều cao hơn 15% so với năm ngoái. Ước tính số tử vong ở đỉnh dịch Covid-19 của Tây Ban Nha và Anh cao hơn mức tử vong bình quân hàng năm gấp 2-2,5 lần.
Theo những con số này, ước tính số người tử vong do ảnh hưởng Covid-19 của những nước này sẽ cao hơn số ước tính tử vong trực tiếp liên quan đến dịch Covid-19 của chính phủ... gần chục ngàn người. 
Có rất nhiều người bị nhiều loại bệnh không liên quan đến Covid-19 nhưng không dám đến bệnh viện, hoặc đến bệnh viện nhưng không được chăm sóc kịp thời, đã qua đời.
Nếu bạn chống dịch dẫn đến ít người tử vong do Covid-19, nhưng lại dẫn đến tỷ lệ tử vong cao bất thường do những bệnh khác, cũng không thể kể là thành công được. Đó là bài học được trả giá bằng chục ngàn mạng người của các nước, Việt Nam cần tham khảo khi xây dựng chiến lược chống dịch. 

Các tin khác