Dịch chuyển dòng vốn FDI: Chấm dứt Asiaphoria

(ĐTTCO)-Asiaphoria là khái niệm được giới thiệu bởi 2 giáo sư Đại học Harvard, Larry Summers và Lant Pritchett. Theo đó, sự tăng trưởng trỗi dậy vượt bậc liên tục trong suốt nhiều thập niên gần đây của 2 cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ dịch chuyển cái rốn của kinh tế thế giới về khu vực châu Á. Và sự thật sẽ như thế nào?
Dịch chuyển dòng vốn FDI: Chấm dứt Asiaphoria
Thực tế, lịch sử đã nhiều lần chứng kiến sự chuyển dịch vĩ đại tương tự, cường quyền trong kinh tế hay quân sự đã từng là Ai Cập cổ đại ở châu Phi, hay đế chế La Mã của Rome, hoặc sự bùng nổ của Mỹ, quốc gia sinh sau đẻ muộn so với lục địa già châu Âu.

Sẽ khó là Trung Quốc 
Nói về tăng trưởng kinh tế, châu Á là khu vực có tốc độ nhanh nhất toàn cầu. Không chỉ tốc độ, xét về tỷ phần đóng góp, nhìn vào “miếng bánh” thịnh vượng toàn cầu (xem hình), phần màu xanh dương là mức đóng góp vào GDP toàn cầu của các quốc gia, sẽ thấy phần của châu Á không hề nhỏ.
Nhật Bản là cái tên trụ cột của kinh tế châu Á, nhưng đó là câu chuyện của những năm 1952-1960, khi kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh, đặc biệt giai đoạn 1960-1973 được gọi là giai đoạn phát triển thần kỳ.
Những năm gần đây, động lực của Asiaphoria không nói về Nhật Bản mà nói về Ấn Độ, đặc biệt chỉ thẳng về Trung Quốc - quốc gia đóng góp lớn nhất vào GDP toàn cầu của khu vực châu Á. 
Song, bước vào năm 2020, tới 84,3% sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu được đóng góp chủ yếu từ 15 quốc gia giàu có. Nếu so sánh mức đóng góp này của từng quốc gia giai đoạn trước khi chiến tranh thương mại (CTTM) Mỹ - Trung nổ ra, sẽ thấy mức đóng góp của Trung Quốc rất lớn.
Còn nay Trung Quốc giảm đà tăng trưởng từ mức trên 12% giai đoạn trước của khủng hoảng tài chính toàn cầu, và thực sự đã tuột dốc không phanh trong tăng trưởng theo nhịp độ leo thang của CTTM. 
Kết thúc năm 2019, dù chưa chịu cú sốc của Covid-19, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng 29 năm trở lại đây ở mức 6,1%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thời kỳ hậu Covid-19 Trung Quốc không thể làm động lực tăng trưởng cho khu vực châu Á nữa. Bởi bản thân nó vật lộn với quá nhiều vấn đề, từ CTTM, Covid-19 và cả những khó khăn trong tiến trình tái thiết động lực tăng trưởng nội bộ của nước này. 
Dịch chuyển dòng vốn FDI: Chấm dứt Asiaphoria ảnh 1 Đóng góp vào sự thịnh vượng toàn cầu năm 2019 theo quốc gia. Nguồn: Dự liệu của Ngân hàng Thế giới, đồ họa Howmuch
Tổng thống Trump và Covid-19 có thể nói là 2 tác nhân rúng động kinh tế Trung Quốc. Trước thời kỳ CTTM và bệnh dịch, Trung Quốc đang tái thiết nền kinh tế theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào đầu tư, bởi mức tiết kiệm nội địa của cư dân quá cao, khiến cầu hàng hóa trong nước khó thúc đẩy.
Thậm chí, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) giảm lãi suất nhằm kích thích tiêu dùng, giảm tiết kiệm, nhưng cư dân lại gia tăng tiết kiệm chi tiêu. Điều này làm Trung Quốc không thể tăng trưởng mà không phụ thuộc vào xuất khẩu. Con đường tăng trưởng nội địa tắc nghẽn, dồn thêm với CTTM, tăng trưởng Trung Quốc ngàn trùng khó khăn, vì thế Asiaphoria càng khó trở thành hiện thực. 
Tăng trưởng của Trung Quốc sau 2 cú sốc liên tiếp của CTTM và Covid-19, có thể thấy rõ về viễn cảnh chắc chắn bị chậm lại. Chẳng hạn khi CTTM giữa Mỹ - Trung Quốc bùng phát thì chẳng quốc gia nào muốn bị “kẹp” giữa căng thẳng này. Kim ngạch xuất khẩu đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng của mọi quốc gia chứ chẳng riêng gì Trung Quốc.
Do vậy bán thành phẩm, nguyên liệu, và xuất xứ hàng hóa trở nên phức tạp nếu nó có dính líu tới Trung Quốc. Vì thế, không chỉ các công ty của Mỹ, mà doanh nghiệp từ các quốc gia khác như Nhật Bản, châu Âu… cũng cần giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này không phải do năng lực của Trung Quốc, hay vốn con người, mà chỉ là quốc tế muốn né tránh những phiền phức gây ra bởi quan hệ Mỹ - Trung. 

“Giấc mộng Trung Hoa” vẫn chỉ là giấc mộng 
CTTM và Covid-19 là cặp đôi hoàn hảo tạo nên bước ngoặt cho toàn cầu hóa, cũng là dấu chấm hết đối với Asiaphoria. 
“Giấc mộng Trung Hoa” và dấu ấn của chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng huy hoàng trên mặt trận kinh tế. Song giấc mộng thường đẹp vì nó không xảy ra trong thực tế. Asiaphoria nếu xảy ra mà đi kèm với sự cường quyền của Trung Quốc đối với các nước châu Á khác, thực chất không mang lại tăng trưởng tích cực cho kinh tế toàn cầu. Bởi nó tạo ra sự tăng trưởng ở chỗ này nhưng lại đè giảm sự tăng trưởng ở chỗ kia. 
CTTM tạo nên làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong sản xuất nhằm giảm phụ thuộc trong sản xuất với một quốc gia riêng lẻ. Và Covid-19 như là minh chứng bồi thêm sức ảnh hưởng xuất phát từ quốc gia này có thể lan truyền đến những quốc gia khác nhanh như thế nào. 
Trung Quốc hội nhập sâu sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, đang thuộc tốp 10 về xuất khẩu hàng hóa đến hơn 100 quốc gia. Bán thành phẩm vì thế luôn dính tới Trung Quốc trong khâu sản xuất nào đó.
Cả thế giới thực chất đang phụ thuộc vào khả năng sản xuất của Trung Quốc, đến nỗi tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã từng là tham chiếu khi người ta muốn dự báo tăng trưởng toàn cầu. Việc này sẽ không còn trong thời gian tới, khi bán thành phẩm sẽ có đường đời mới, trước khi nó trở thành thành phẩm và đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Cơ hội đang mở ra với những quốc gia, như Việt Nam, Philippines… bán thành phẩm hay thành phẩm có nguồn gốc ngoài Trung Quốc sẽ ngày càng phổ biến hơn trong xu hướng sắp tới.
Làn sóng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc của hàng loạt quốc gia, cũng khép lại ít nhất trong vòng vài năm tới đối với giấc mộng về một Trung Quốc tăng trưởng phi mã. Tăng trưởng việc làm và tăng trưởng đơn hàng mới của Trung Quốc không thể thúc đẩy dựa trên tái cân bằng đầu tư và tiêu dùng nội địa từ trước cuộc CTTM, nên thật vô lý khi cho rằng nó có thể đạt được thành công hậu Covid-19. 
Hậu Covid-19, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới dù chiến thắng thuộc về Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, nó vẫn là bước ngoặt đối với CTTM. Tuy nhiên, giả sử trong kịch bản Tổng thống Trump không thể tái đắc cử, khả năng kinh tế thế giới cũng không thể trở về như trước đây, đặc biệt là Trung Quốc, coi như khép lại “Giấc mộng Trung Hoa”. Bởi lẽ GDP Trung Quốc đang rời xa cái mức phải đạt để trở thành cường quốc số 1 của kinh tế toàn cầu.
Vì thế, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì sản xuất ở nước ngoài, xoay trục sang các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Việc này tích cực đối với các quốc gia đang được tiếp nhận cơ hội đầu tư mới, nhưng tiêu cực đối với Trung Quốc. Có thể nói, CTTM, Covid-19 sẽ qua đi cùng với sự chấm dứt của Asiaphoria ít nhất trong thập niên tới, đồng thời mở ra trang mới cho kinh tế thế giới.

Các tin khác