Dịch Covid-19 tác động lớn đến thị trường lao động trong nước

(ĐTTCO)-Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư bùng phát ở nước ta từ cuối tháng 4/2021, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình lao động, việc làm bảy tháng đầu năm. Lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng.
Người lao động tại Công ty May Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.
Người lao động tại Công ty May Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Số người thất nghiệp tăng

Theo nhận định của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 7 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động nước ta chịu tác động theo chiều hướng tiêu cực do dịch Covid-19, cùng với tốc độ gia tăng số ca nhiễm bệnh.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê ghi nhận, lực lượng lao động không tăng theo đà tăng dân số, bị sụt giảm nghiêm trọng. Lực lượng lao động Quý II/2021 là 51,1 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 304 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Theo xu thế tăng lực lượng lao động hằng năm trước khi có dịch, lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1,7 triệu lao động.

Lao động có việc làm suy giảm theo tốc độ của lực lượng lao động. Trong quý II/2021, lao động có việc làm chỉ còn 49,9 triệu người, tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn 500 nghìn người so với năm 2019

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục cao hơn so với khu vực nông thôn, trái ngược với xu thế thường thấy trước khi có dịch và năm 2020. Vào quý II/2021, thiếu việc làm cả nước là 1,1 triệu người (2,6%), trong đó khu vực thành thị là 2,8%, khu vực nông thôn là 2,49%.

Số lao động thất nghiệp tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động. Số người thất nghiệp trong quý II/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong số này, 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%.

Cùng với đó, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Dịch Covid-19 tác động lớn đến thị trường lao động trong nước -0
Sản xuất tại Công ty Masan.

Dịch Covid-19 tác động sâu đến thị trường lao động phía nam

Từ cuối tháng 6 với sự bùng phát mạnh của dịch bệnh tại TP Hồ  Chí Minh và các địa phương phía nam, khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong đó có các tỉnh tập trung phần lớn khu công nghiệp, khu chế xuất, là động lực phát triển kinh tế chính của đất nước.

Báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố đến ngày 7/8 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 10,2%; số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người, chiếm 20% tổng số lao động.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong 3 nhóm ngành kinh tế. Cụ thể: lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (có 8,9% lao động trong khu vực này bị ảnh hưởng), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (24,6%) và lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (30,6%).

Đến nay, một số ngành chịu ảnh hưởng rất lớn do đại dịch. Cụ thể, du lịch có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị nghỉ việc không lương hoặc chuyển làm việc khác. Vận tải hàng không giảm 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020, khiến cho khoảng 9.700 lao động (trong đó khoảng 70% lao động đi làm theo sản lượng, còn 30% đã được cho tạm hoãn hợp đồng lao động khoảng 6-12 tháng) của Vietnam Airlines không có công ăn việc làm vì sản lượng bay quá thấp…

Đến tháng 7/2021, do dịch bệnh lan vào các khu trọng yếu của nền kinh tế như khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố lớn đã tác động mạnh đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Với ngành chế biến thủy hải sản, đến 70% doanh nghiệp bị đóng cửa vì không thể áp dụng 3 tại chỗ. Với ngành dệt may, khi đợt dịch thứ tư bùng phát đã khiến 35% doanh nghiệp của ngành phải đóng cửa. Hơn 40 nghìn lao động khu vực phía nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang làm việc trong điều kiện giãn cách.

Cục Việc làm đánh giá, tác động của hai đợt dịch Covid-19 trong 7 tháng đầu năm 2021 đến thị trường lao động vô cùng lớn. Đặc biệt, tác động của đại dịch trong tháng 7 đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía nam sôi động nhất, thu hút nhân lực nhất của cả nước. Mọi lao động đều bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt lao động ngoại tỉnh làm công ăn lương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động khu vực phi chính thức. Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong cuối tháng 7 vừa qua cho thấy khả năng chịu đựng, chống lại với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, thị trường lao động cũng sẽ ngày càng phức tạp, khó phục hồi. Các ngành như du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải,…tiếp tục khó khăn chưa có khả năng phục hồi từ năm 2020 đến nay. Dịch Covid-19 đã tấn công vào các khu vực kinh tế trọng yếu, các doanh nghiệp với quy mô lao động lớn tập trung ở khu chế xuất, khu công nghiệp, các điểm tập kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm,…nên các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất,…sẽ bị ngưng trệ, các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của người lao động làm công ăn lượng, các hộ gia đình, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm mà chưa có có dấu hiệu chấm dứt. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để chống đỡ cũng như làm sức bật để phục hồi, người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển “ồ ạt về quê” như thời gian qua sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động.

Dự kiến, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%. Do vậy, có nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, sẽ dư thừa lao động ở những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu,  tạo nên một nghịch lý lớn về cung - cầu lao động.

Các tin khác