Đô thị sáng tạo: Hạt nhân thành phố thông minh

(ĐTTCO) - Tại cuộc gặp mặt cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông TPHCM năm 2018 mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân  cho biết sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo (ĐTST). 
Khu đô thị sáng tạo được thiết kế trên cơ sở kết nối Khu công nghệ cao (CNC) quận 9, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, quận Thủ Đức và trung tâm hành chính quận 2 và 3, tạo thành hạt nhân sáng tạo của TPHCM bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Những yếu tố thúc đẩy
Ý tưởng xây dựng ĐTST được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng từ cuối năm 2017, dựa trên đặc thù và nguồn lực sẵn có của TP là Khu đô thị mới Thủ Thiêm giữ vai trò trung tâm tài chính, Khu CNC và ĐHQG với nguồn lực dồi dào về đất đai, nhân lực.
Về hình thức, đó là mô hình phát triển đô thị CNC, thông minh, kết nối các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng CNC. Đặc biệt, tại đây sẽ hình thành một hệ sinh thái thuận lợi nhằm đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức trẻ địa phương. 
 Quận 2 là khu trung tâm tài chính tương lai trong khi quận 9 là khu vực phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là Khu CNC còn quận Thủ Đức là khu vực tập trung nhiều trường đại học chất lượng cao của TP. Đối với vấn đề khởi nghiệp sáng tạo, qua quá trình khảo sát, TP dự kiến hỗ trợ 5 trung tâm khởi nghiệp hiện có gồm: Sở KH-CN, ĐHQG, Khu KCN TP, Thành đoàn và Công viên Phần mềm Quang Trung.
Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN,
Bí thư Thành ủy TPHCM
Theo Giám đốc ĐHQG TPHCM Huỳnh Thành Đạt, bản chất của khu ĐTST là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn từ các nước cho thấy, khu ĐTST luôn gắn với các trường đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng - chủ thể của các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.
Hiện ĐHQG TPHCM đã hình thành nhóm nghiên cứu để có những phác thảo, đề xuất về mô hình khu ĐTST này. Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của Khu CNC, không chỉ về giá trị xuất nhập khẩu, số lượng doanh nghiệp toàn cầu có mặt tại đây, mà còn là chỉ số về giá trị gia tăng.
Trước năm 2011, phần giá trị gia tăng trong cấu thành của giá trị sản xuất tạo ra tại Khu CNC chỉ đạt bình quân 10-12%, xấp xỉ các khu công nghiệp cả nước. Song hiện nay đã có khoảng 40% doanh nghiệp có giá trị gia tăng trên 25%; một số doanh nghiệp có sản phẩm đạt giá trị gia tăng trên 35% (Nanogen, FPT, Digisensor...).
Ước tính giá trị gia tăng trung bình của các sản phẩm sản xuất tại Khu CNC đã ở mức 28%. Việc nâng cao hơn nữa chỉ số giá trị gia tăng tại đây sẽ có giá trị kích thích cho sự hoạt động của khu ĐTST.
Việc xây dựng ĐTST liên kết các quận 2, 9 và Thủ Đức không chỉ là mối quan hệ hành chính, còn mang tính đặc thù của TP trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo gắn với phát triển thị trường. Nhất là trong bối cảnh TP được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54. TP đã hoạch định nhiều mục tiêu, trong đó mong muốn có được lực lượng chuyên gia đến hiến kế, xây dựng đề án, tư vấn cho TP phát triển theo hướng giá trị và hàm lượng cao. Ngoài ra, việc phát triển đô thị thông minh, TP khoa học sáng tạo sẽ giúp TP không ngừng đổi mới sáng tạo, gắn với khởi nghiệp.

Chính sách hướng Đông
TP cam kết thực hiện đúng vai trò kiến tạo, cầu thị lắng nghe và chuyển ý tưởng, các hiến kế thành hành động cụ thể bằng nguồn lực tổng thể cả về nhân lực và tài lực, tạo điều kiện để các chuyên gia và doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò xương sống của nền kinh tế TP. 
Ông TRẦN VĨNH TUYẾN, 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Khu ĐTST gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức nằm ở phía Đông TP, rộng hơn 22.000ha, với hơn 1 triệu dân. Đây là khu vực gần trung tâm đủ sức hấp dẫn và quỹ đất dồi dào để bổ sung hạ tầng mới. Các quận có sự tương tác chặt chẽ về không gian, về các chương trình đào tạo, nghiên cứu; bên cạnh đó còn có vùng đệm để khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Để triển khai thực hiện, TP đã giao quận Thủ Đức phối hợp với các sở ngành liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án Khu đô thị ĐHQG TP. Cùng với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM được giao chủ trì, phối hợp với ĐHQG TP rà soát, nghiên cứu đề án quy hoạch khu Đông Bắc TP thành khu ĐTST.
Mục tiêu của TPHCM phát triển hướng Đông và là hướng phát triển chính trong những năm tới còn do khu vực này thừa hưởng hệ thống giao thông gắn kết phát triển vùng là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Đánh giá tiềm năng của khu vực này, tại Hội thảo quốc tế “Khu ĐTST phía Đông TPHCM - Thảo luận một lộ trình chiến lược” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia khẳng định, quận 9 hiện có khu CNC lớn thứ nhì cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư.
Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm ĐHQG sáng tạo nhất cả nước. 2 quận này tạo nên 2 cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu ĐTST tương tác cao. Đây cũng sẽ là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ở đó, mọi công việc liên quan tới người dân và doanh nghiệp đều thông qua công nghệ thông tin. 
Dựa trên nhận thức ĐTST là một chủ đề mới, nhóm nghiên cứu của ĐHQG TP đã bắt đầu tiếp xúc và thảo luận với các đối tác cả trong và ngoài nước. Mục tiêu đầu tiên là hình thành một khung nghiên cứu cho đề tài. Mục tiêu thứ hai hướng đến là tổng hợp các nghiên cứu tổng thể về TPHCM và riêng khu Đông.
Quá trình tổng hợp này không chỉ thu thập tài liệu, công trình nghiên cứu, mà còn xây dựng mạng lưới học giả - những người có kinh nghiệm thực tế về chủ đề này từ quy hoạch đô thị, kinh tế phát triển, pháp luật đến giáo dục đại học, công nghệ thông tin. Hiện nay Tổ công tác quy hoạch phát triển đô thị hướng Đông TP đã hoạt động được 2 năm, khảo sát được 90% khối lượng công việc. Dự kiến tháng 5 sẽ tổ chức hội thảo quốc tế, lấy ý kiến các chuyên gia để tổng hợp, đề xuất phương án thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã có những đề xuất cụ thể kiến nghị đến lãnh đạo TP. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đối tác chính xây dựng đề án TP thông minh, cho rằng TP cần bắt buộc doanh nghiệp tham gia đề án phải cam kết thực hiện theo khung kỹ thuật định sẵn để tăng độ liên thông trong hệ thống.
Như vậy, TPHCM cần một đơn vị tham mưu, thực hiện công tác sàng lọc, giám sát ngay từ đầu. TP cũng cần xác định mục tiêu, chức năng của từng cấu phần để dành sự ưu tiên đầu tư. Thay vì tạo kho dữ liệu mở dùng chung, TP có thể hình thành trục dữ liệu để kết nối liên thông cơ sở dữ liệu tại các sở ngành, quận huyện, đồng thời phải mô hình hóa đơn vị triển khai, làm cơ sở để nhân rộng.
Đô thị sáng tạo: Hạt nhân thành phố thông minh ảnh 1 Hạ tầng khu Đông đang được đầu tư hiện đại để kết nối khu đô thị sáng tạo với các tỉnh vùng ven.  
TP kiến tạo, người dân sáng tạo
Trong xây dựng ĐTST - hạt nhân cho TP thông minh, chính quyền TPHCM cam kết thực hiện đúng vai trò kiến tạo của TP; tạo điều kiện, lắng nghe và chuyển những ý tưởng, góp sức của các chuyên gia thành những hành động. Hành động này được thực hiện bằng nguồn lực tổng thể của TP về nhân lực và tài chính.
Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân trong việc phát triển các chương trình, phương cách quản lý và cung cấp dịch vụ là một phần không thể tách rời của chính quyền trong khu ĐTST. Điều này sẽ cho phép những ý tưởng mới xuất hiện để cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn, phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của người dân, kể cả người dân có thu nhập thấp. Ngoài ra, sự tham gia của người dân sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương chủ động hơn trong công việc, tạo sự công bằng, phát triển bền vững và đạt năng suất cao.
TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, nhấn mạnh: “Ở cấp chính quyền địa phương của ĐTST, sự tham gia là bắt buộc để bảo đảm sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, khởi nghiệp với các dịch vụ công, dịch vụ đô thị. Đây cũng là thách thức chính quyền địa phương phải đối mặt để phục vụ người dân tốt hơn”.
Theo TS. Thắng, yếu tố quyết định trong việc thiết lập một chương trình mang tính bền vững có sự đóng góp của người dân, là cung cấp không gian tích cực cho người dân địa phương tham gia quản lý và ra quyết định, xuất phát từ các sáng kiến của chính quyền địa phương. Do đó, việc xây dựng, thực hiện và thể chế hóa các chương trình tham gia của người dân ở cấp địa phương rất quan trọng. 
Tuy nhiên, cần lưu ý, thái độ của cán bộ địa phương đối với người dân có thể xảy ra tiêu cực và không mang tính hỗ trợ. Có thể do họ không được trao đủ quyền hoặc sợ phải đối phó với các vai trò và quyền chính đáng của người dân. Đây là vấn đề cần thấy trước để tìm giải pháp khắc phục.
Hay như, để xây dựng một chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong khu ĐTST, chính quyền tại khu ĐTST phải là chính quyền mẫu với mọi giao dịch đều thực hiện dưới hình thức điện tử. Việc này nhằm đảm bảo tính minh bạch cũng như hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa cán bộ với doanh nghiệp. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Các tin khác