Đô thị thông minh từ vỉa hè, giao thông…

(ĐTTCO) - Cuối tháng 11 vừa qua UBND TPHCM đã phê duyệt đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. 
Đô thị thông minh từ vỉa hè, giao thông…
Đề án đặt ra 4 mục tiêu tổng quát: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Trong các đề xuất thực hiện đề án, TPHCM xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP; xây dựng trung tâm điều hành thông minh; thành lập trung tâm an toàn thông tin. Có 5 lĩnh vực người dân sẽ hưởng lợi của đô thị thông minh là giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, chống ngập, an ninh trật tự.
Như vậy để trở thành ĐTTM trong thời gian 4 năm và tầm nhìn cho 5 năm nữa là công việc hết sức bộn bề và thách thức. Song câu hỏi được nhiều người dân TP đặt ra hết sức cơ bản và phải làm ngay là hiện trạng ùn tắc và kẹt xe, lòng đường và vỉa hè thông thoáng, bởi đây là căn bệnh trầm kha nhiều năm qua TPHCM vẫn chưa thể giải quyết triệt để được. Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu xây dựng ĐTTM từ những việc cơ bản như lập lại trật tự vỉa hè và giảm ùn tắc giao thông.
Còn nhớ hồi đầu năm 2017, các quận, huyện ở TPHCM ra quân lập lại trật tự đô thị, lòng lề đường. Khi đó ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, lĩnh ấn tiên phong đưa đoàn liên ngành đi giành lại vỉa hè. Hình ảnh ông Phó Chủ tịch quận 1 dẫn đầu đoàn công tác thực thi pháp luật, không ngại đụng chạm đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong dư luận. Liên tục các ngày sau đó, ông cho phá dỡ tất cả những gì được cho là lấn chiếm vỉa hè, từ bảng hiệu quảng cáo, đến các bức tường, bậc tam cấp… Với mục tiêu xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore, những phương tiện đậu trên vỉa hè hoặc lấn chiếm trái phép đều bị ông Hải cho xe cẩu đem về phường, bất kể xe biển số công hay xe tư. Chiến dịch giành lại vỉa hè của TPHCM sau đó đã lan rộng ra cả nước. 
Sau gần 4 tháng, tình hình trật tự đô thị tại TPHCM có sự chuyển biến tích cực, vỉa hè trên nhiều tuyến phố đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn. Nhiều người dân đã tự giác tháo dỡ những công trình lấn chiếm lòng, lề đường hoặc sắp xếp hàng hóa, đậu xe gọn gàng, góp phần tạo bộ mặt văn minh, hiện đại cho TP.
Thế nhưng, những nỗ lực này đã bị “thế lực” chen vào cản trở. Mỗi lần cơ quan chức năng tổ chức lực lượng đi dẹp bỏ dường như chủ các hàng quán nói trên đã được báo trước, tạm thời lánh đi, khi lực lượng chức năng đi qua đâu lại vào đó. Hay việc chính quyền các phường có quyền cho phép khai thác vỉa hè làm nơi gửi xe, đã tạo nên sự thiếu thống nhất và bất bình đẳng trong quyết tâm làm sạch vỉa hè giữa các phường với nhau… Và khi chiến dịch này tạm ngưng, các vỉa hè đã được trả lại đúng chức năng ngay lập tức bị tái lấn chiếm.
Hay vấn đề giao thông tại TP, từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được xem là biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Đó là mọi người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, như dừng đỗ đèn đỏ đúng quy định, không chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật pha trong phố, đi ngược chiều…
Tuy nhiên, những hình ảnh diễn ra tại hầu hết con đường trong TP đang đi ngược với tiêu chí của văn hóa giao thông. Không thể một ĐTTM xuất hiện hình ảnh cảnh sát giao thông (CSGT) và người sử dụng phương tiện cãi cọ với nhau về luật, CSGT làm tiền lộ liễu, người sử dụng phương tiện ngang nhiên lạng lách hay cố thủ trong xe ôtô khi phạm luật…
Điều này cho thấy ý thức chấp hành của đa số người tham gia giao thông còn quá kém, nhưng cũng có phần buông lỏng của cơ quan chức năng. Một đô thị văn minh không thể không có văn hóa giao thông, là hình ảnh có tác động mạnh mẽ đến bạn bè thế giới. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là việc làm mang tính cấp bách, nhất là khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. 
Tiến tới ĐTTM, từ nay đến năm 2020, ngành giao thông TP sẽ xây dựng dữ liệu mở về giao thông và dự báo giao thông. Xây dựng kênh thông tin tương tác thời gian thực với người dân để nhận các tin báo, đóng góp, phản hồi về tình hình giao thông, các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường… Sở GTVT TP cũng vừa đề xuất tăng gấp đôi mức phạt với hành vi vi phạm giao thông trong nội đô TP nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông… Song những giải pháp này muốn triển khai rộng rãi, hiệu quả đòi hỏi sự tự giác cao trong việc chấp hành của người dân và chế tài nghiêm minh của cơ quan chức năng.
ĐTTM là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân tốt hơn. Nhưng các giải pháp xây dựng ĐTTM không phải là chiếc đũa thần để giải quyết triệt để ùn tắc, kẹt xe, hay nạn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh… Bởi lẽ, những vấn đề xã hội như ùn tắc kẹt xe, buôn bán kinh doanh trên vỉa hè… xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có cả ý thức con người. Vì thế, ngoài việc xây dựng và triển khai công tác quy hoạch giao thông đô thị phải thực sự khoa học, siết chặt quản lý lòng đường, hè phố của các cơ quan chức năng, quan trọng là mỗi người dân phải có ý thức để cùng chính quyền xây dựng TPHCM ngày càng hiện đại, đáng sống hơn, tiến tới là ĐTTM vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra.

Các tin khác