Doanh nghiệp đang đứng trước luật chơi 'cá nhanh nuốt cá chậm'

(ĐTTCO) -  Quy luật cạnh tranh “cá lớn nuốt cá bé” đang đứng trước thách thức, khi có sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ “làm chủ cuộc chơi”.
Theo nhận định trong “Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021” được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cùng VietNamNet công bố hôm nay (15-10), việc đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số là chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp, để đối phó trước tác động của đại dịch Covid-19.
Bởi không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại trên thương trường.
Trong cuộc khảo sát được Vietnam Report tiến hành vào tháng 8-2021, các doanh nghiệp PROFIT500 đang phải đối mặt với những thách thức lớn do làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4, như thiếu nhân lực để sản xuất do các quy định về giãn cách, khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa, đứt gãy chuỗi cung ứng, sức mua giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Doanh nghiệp đang đứng trước luật chơi 'cá nhanh nuốt cá chậm' ảnh 1 Nguồn: Vietnam Report
Triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành gặp thách thức lớn, khi có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Đối với các nhà máy vẫn duy trì hoạt động phải đảm bảo theo mô hình “3 tại chỗ” và test Covid-19 3 ngày/lần… làm chi phí vận hành đội lên rất lớn và buộc phải giảm 40-50% công suất.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là cách để các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề từ việc đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên, cho đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh.
Chuyển đổi số hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại điện tử (mua bán trực tuyến), giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng; quản lý khách hàng thông qua hệ thống CRM, mua hàng và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng, vận chuyển an toàn, ít tiếp xúc.
Thông thường, những công ty, tập đoàn lớn sẽ có tiềm lực tài chính vững chắc, và là thế mạnh để đổi mới, cũng như ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, với hệ thống tổ chức càng lớn thì bộ máy hoạt động sẽ càng cồng kềnh và ít linh hoạt, giống như hình ảnh người khổng lồ di chuyển sẽ nặng nề và chậm rãi hơn. Bài học về cuộc khủng hoảng nợ của “người khổng lồ” Evergrander của Trung Quốc vừa qua là một minh chứng rõ nét.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có lợi thế và điều kiện thuận lợi, khi có quy mô tổ chức cũng như cơ cấu nhân sự nhỏ gọn, giúp dễ dàng cho việc thích ứng và thay đổi hệ thống quản trị toàn công ty.
Nhìn về dài hạn, chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời dịch, mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại trên thương trường. Quy luật cạnh tranh “cá lớn nuốt cá bé” đang đứng trước thách thức, khi có sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ “làm chủ cuộc chơi”. Doanh nghiệp chậm đổi mới sẽ mất dần thị phần, và bị đào thải khỏi thị trường theo quy luật “cá nhanh nuốt cá chậm”.
Nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn và tăng trưởng tốt
Theo Vietnam Report, trong 5 năm qua, ngành bất động sản - xây dựng, tài chính, thực phẩm - đồ uống luôn giữ vững vị trí là top 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Bảng xếp hạng PROFIT500.
Trong khi nhóm ngành tài chính và thực phẩm - đồ uống luôn ổn định và lần lượt dao động quanh mức 11% và 10% xuyên suốt giai đoạn 2017 - 2021, thì bất động sản - xây dựng đã có bước nhảy vọt trong năm 2019, khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp được khảo sát.
Phân tích từ dữ liệu thống kê trong 5 năm qua cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của tất cả các doanh nghiệp trong PROFIT500 là 10,12%.
Top 7 ngành đạt chỉ số CAGR cao nhất, và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng chung là: thép (34,5%), bán lẻ (17,5%), tài chính (17,3%), nông nghiệp (16,0%), thực phẩm - đồ uống (11,9%), hóa chất (11,7%) và bất động sản - xây dựng (10,8%).
Đây cũng được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. 

Các tin khác