Doanh nghiệp nội bứt phá, xuất khẩu tăng cao

(ĐTTCO)-Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh thương mại tám tháng của năm 2020, với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%.
Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, song xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận những điểm sáng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế trong năm nay.

Đây cũng là điểm nhấn nổi bật của lĩnh vực thương mại trong tám tháng của năm 2020.

"Điểm sáng" khu vực trong nước

Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2020 ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và là mức tăng trưởng cao nhất tính theo tháng kể từ đầu năm dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng chủ lực tiếp tục đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê cho thấy mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mức tăng 15%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 43,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,7%.

Thêm vào đó, trong tháng Bảy và tháng 8/2020, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đều tăng trưởng cao ở mức hai con số so với tháng trước (lần lượt tăng 17,5% và 23,7%) do Samsung cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới Galaxy Note20 và chính thức bán ra toàn cầu trong tháng 8/2020.

Tính chung 8 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận từ Bộ Công Thương cho thấy khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.

Có được kết quả này là nhờ giữ vững đà tăng trưởng tại một số thị trường lớn, như Hoa Kỳ trong tám tháng đạt 46,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng 13%, đạt 27 tỷ USD.

Dù vậy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai nhóm hàng chính là nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản của Việt Nam đã phải đối mặt với sự sụt giảm.

Cụ thể, nhóm hàng nông, lâm thủy sản tám tháng ước đạt 15,98 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ. Riêng hàng thủy sản giảm 5,3%; rau quả giảm 11,3%; càphê giảm 1,3%; hạt tiêu giảm 20%; cao su giảm 12,7%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong tám tháng giảm tới 34,5%, ước đạt 2,013 tỷ USD. Trong nhóm hàng này, dầu thô là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với 3,35 triệu tấn, trị giá 1,109 tỷ USD, tăng 22,4% về lượng nhưng giảm 21,2% về trị giá do giá giảm.

Doanh nghiep noi but pha, xuat khau tang kha du dich benh phuc tap hinh anh 2
Sau 8 tháng, Việt Nam xuất siêu gần 12 tỷ USD. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao.

“Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại, khi mà thế giới đang bước vào thời kỳ để cố gắng kiểm soát dịch bệnh, việc làm chưa tạo lập lại và nhu cầu tiêu dùng giảm, thì quý III và quý IV của năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may,” ông Trường dự báo.

Xuất siêu gần 12 tỷ USD

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng có dấu hiệu chững lại. Số liệu ước tính của Bộ Công Thương cho thấy dù tháng 8/2020 đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước, song lũy kế tám tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhìn nhận sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới giảm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, điều này dẫn đến kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tám tháng giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Rõ rệt nhất là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 4,3%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,5%; vải các loại giảm 13%, sắt thép các loại giảm 13,2%; chất dẻo nguyên liệu giảm 12,3%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 14,1%; hóa chất giảm 8%...

Trong số các mặt hàng nhập khẩu chính, chỉ có một số ít mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 15,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 6,5%; sản phẩm hóa chất tăng 2,1%...

Như vậy, riêng tháng 8/2020, thặng dư thương mại vẫn giữ ở mức cao, khi đạt 3,5 tỷ USD. Tính chung cả tám tháng năm 2020, cả nước xuất siêu tới 11,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ nay đến hết năm  2020 chỉ còn chưa đầy 4 tháng, vì vậy, nhằm đạt được cao nhất các mục tiêu trong năm nay ở lĩnh vực thương mại, thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch vẫn là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và giao thương với các nước.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đề nghị đối tác có thể thẩm tra năng lực của doanh nghiệp mình thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau.

Trên 7.200 C/O tới EU

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực được coi là đòn bẩy quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đang tập trung tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp.

Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong vòng một tháng kể từ ngày 1/8/2020 đến hết 31/8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh...; trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, nghiên cứu, hiện đại hóa công tác cấp C/O, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ... đồng thời phối hợp chặt chẽ với phía EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định,” lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu thông tin thêm.

Các tin khác