Doanh nghiệp phải là trung tâm trong phát triển kinh tế

(ĐTTCO) - Chiều nay 27-9, tại TPHCM đã diễn ra Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do  Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức. 
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là vùng kinh tế phát triển năng động và có tỷ trọng đóng góp lớn nhất cả nước (năm 2018 đóng góp 45,4% GDP cả nước, tổng thu ngân sách chiếm 42,6% tổng số thu của cả nước); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị gia tăng cao. 
Vùng KTTĐ phía Nam là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động... Cùng với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn đã giúp Vùng KTTĐ phía Nam trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics... lớn nhất cả nước.
Đồng thời, Vùng KTTĐ phía Nam với trung tâm là TPHCM, là trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, chứng khoán lớn nhất cả nước; là vùng có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và xóa đói giảm nghèo luôn được các tỉnh, thành phố trong vùng quan tâm.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Vùng KTTĐ phía Nam đang có xu hướng chậm lại, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước. Mặc dù là Vùng KTTĐ lớn nhất cả nước nhưng những lợi thế của vùng chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ; chất lượng phát triển đô thị còn thấp; bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chưa bảo đảm hết nhu cầu an sinh xã hội; phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu đề ra. 
Cơ chế, chính sách phát triển Vùng KTTĐ phía Nam còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá; nhận thức về lợi ích của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ, còn khác nhau, thiếu liên kết vùng chặt chẽ. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng. 
TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Để phát huy hơn nữa tiềm năng của vùng, hơn ai hết doanh nghiệp phải là trung tâm trong phát triển kinh tế. Diễn đàn sẽ đóng góp các ý kiến, những phân tích gợi ý chính sách từ các chuyên gia… nhằm gia tăng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng”. 

Các tin khác