Doanh nghiệp ứng phó

(ĐTTCO) - DN trong ngành dệt may đang theo rất sát những diễn biến phức tạp và thất thường của thế giới, đặc biệt khi Trung Quốc giảm giá đồng NDT. Khi đồng nội tệ giảm giá, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế.
Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Tổng giám đốc Công ty Vinamit:
Cùng chia sẻ rủi ro

Việc đồng NDT mất giá sẽ khiến DN xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nhất là những DN thanh toán bằng NDT hoặc VNĐ qua đường biên giới. Với Vinamit, ngay từ khi xuất khẩu sang thị trường này chúng tôi đã chọn đường đi chính ngạch và thanh toán bằng USD, nên hiện tại chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường Trung Quốc đang có nhiều xáo trộn, một số nhà phân phối muốn đàm phán lại về giá bán trong thời gian tới. Vì thế, việc Vinamit cùng nhà phân phối tính toán lại chia sẻ rủi ro là điều tất yếu và việc giảm lợi nhuận cũng khó tránh khỏi. 
Về mặt nhập khẩu, khi đồng NDT giảm giá, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn sẽ có lợi cho các DN nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất. Song về lâu dài khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam sẽ gây bất an cho nhiều DN, nhất là với DN sản xuất ngành hàng đang là thế mạnh của Trung Quốc. DN Việt có thể phải thu hẹp, thậm chí ngưng sản xuất. Nếu làn sóng hàng Trung Quốc quá dày sẽ có không ít DN chuyển từ sản xuất sang làm thương mại để tránh bị thâu tóm. 
Doanh nghiệp ứng phó ảnh 1
Vinamit xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch và thanh toán bằng USD, nên hiện tại chưa bị ảnh hưởng.
Mới đây, trong động thái giảm lãi suất chung của thị trường khu vực và thế giới, một số ngân hàng trong nước cũng phát đi tín hiệu giảm lãi suất. Song theo tôi, chỉ DN lớn hoặc có nền tảng giao dịch tốt với ngân hàng mới có thể tiếp cận. Còn DN nhỏ, khởi nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay như mong muốn, nếu tiếp cận được cũng khó hưởng được lãi suất ưu đãi vì phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Những điều này khiến DN khó càng thêm khó. 
Chúng tôi đã đặt ra chiến lược trong năm 2019 cùng khai phá thị trường nước ngoài để mỗi DN thay đổi chính mình. Song có đi mới thấy, DN Việt vẫn còn tồn tại 2 hạn chế cần khắc phục. Thứ nhất, DN còn khá bảo thủ nên thay đổi chậm, thậm chí không dám thay đổi khi tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, DN chưa đủ kiên nhẫn, chưa đủ năng lực, tài lực khai phá thị trường mới. 

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM:
Phải có cái nhìn đa chiều
DN trong ngành dệt may đang theo rất sát những diễn biến phức tạp và thất thường của thế giới, đặc biệt khi Trung Quốc giảm giá đồng NDT. Khi đồng nội tệ giảm giá, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế. Đó là chưa kể đến việc nhiều DN Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào các khu công nghiệp ở Việt Nam, tạo ra những cạnh tranh mới trong nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu… 
Có ý kiến cho rằng việc đồng NDT mất giá có thể có lợi cho những đơn vị nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên đây chỉ là cái nhìn một chiều, trong khi kinh doanh cần cái nhìn đa chiều. Nguyên liệu có thể giảm giá nhưng thị trường chung khó khăn do đơn hàng giảm, đơn giá giảm (do hàng xuất Trung Quốc giảm giá). Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng may mặc của Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam nhờ giá rẻ hơn, gây áp lực lớn lên DN sản xuất hàng hóa cho thị trường nội địa. DN đang khó nay lại nhiều khó khăn hơn nữa trong cạnh tranh. 
Trong bối cảnh trên, DN một mặt theo dõi các mức thuế, chính sách của Mỹ và Trung Quốc dành cho nhau ra sao (hiện chưa có mức thuế cụ thể nào Mỹ đánh vào hàng may mặc của Trung Quốc). Mặt khác phải nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện quản lý để đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên, công nhân lao động. Nếu không làm tốt sẽ mất lao động. Ngoài ra DN cũng rất mong các cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, đảm bảo hàng Việt khi xuất khẩu không phải đối mặt với những thách thức các đối tác nhập khẩu lớn như Mỹ đặt ra. 
Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG, TTK Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA):
Cảnh báo gian lận xuất xứ
Việc đồng NDT mất giá ít nhất phải 3 tháng nữa chúng ta mới thấy được những tác động cụ thể của nó. Tuy nhiên, bước đầu cũng nhìn ra được mặt tích cực và tiêu cực cho một số nhóm ngành của Việt Nam. Hiện chúng ta đang nhập khẩu nguyên liệu khá nhiều từ Trung Quốc, đó chính là điểm lợi. Song phần lớn DN không mua bán bằng NDT mà sử dụng USD, nên cũng chưa biết DN sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào. Nhưng mặt khác, Việt Nam  nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn nhất định cho DN làm hàng tiêu thụ ở thị trường nội địa khi giá sản phẩm Trung Quốc rẻ tràn vào. 
Từ thời điểm thương chiến Mỹ - Trung, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ khó khăn hơn, nên DN Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Điều này sẽ có lợi cho DN Việt Nam ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi đồng NDT giảm giá, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế hơn, cạnh tranh gay gắt hơn với hàng Việt Nam ở nhiều thị trường. Liên quan đến thị trường Mỹ, hiện đã có những nghi ngờ về vấn đề gian lận xuất xứ, nhưng trong ngành gỗ do tổng kim ngạch xuất khẩu không nhiều (chưa tới 10% so với Trung Quốc), nên chưa bị ảnh hưởng. 
Cụ thể, về xuất xứ hàng hóa trong ngành gỗ có 2 điểm: một số mặt hàng đơn giản như ván ép đã có hiện tượng nhà máy Trung Quốc kết hợp với  nhà máy Việt Nam gian lận xuất xứ. Việc này chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo. Còn việc gian lận xuất xứ theo kiểu bán thành phẩm, chuyển qua Việt Nam ráp không có lợi do giá công cao. Nhiều DN Trung Quốc đã chuyển qua đầu tư ở Việt Nam, khiến DN trong ngành bị cạnh tranh do giá đất tăng khó mở rộng quy mô, nhân công bị thu hút, vừa phải trả lương cao hơn vừa lo không đủ người làm khi có những đơn hàng lớn. Đây thực sự là khó khăn không nhỏ đối với ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam. 


Ông HỒ QUỐC LỰC, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Sao Ta:
Cần tính phương án hạ giá VNĐ

Các phân tích gần đây chỉ rõ đồng NDT mất giá sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa NDT so với VNĐ. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc, sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của DN Việt. Trong khi đó, nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn (nhờ lợi thế giá thành thấp hơn), trong khi đồng rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với VNĐ. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn. 
Hiện Trung Quốc cũng đang tăng cường các biện pháp siết chặt thương mại mậu biên và an toàn thực phẩm, nên hàng thủy sản Việt Nam cũng đang đối mặt nhiều khó khăn. Để giảm khó khăn, DN có thể tìm cách chuyển sang các thị trường lớn khác như Mỹ, EU hay Nhật Bản đang tương đối ổn định, trong đó thị trường Mỹ đang có nhu cầu lớn về thủy sản sau khi giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Song chuyện dịch chuyển thị trường không đơn giản. Theo tôi, để hỗ trợ các DN xuất khẩu nói chung, DN xuất khẩu thủy sản nói riêng có được lợi thế cạnh tranh, nên chăng chúng ta cần tính đến phương án hạ giá VNĐ theo hướng phù hợp với bối cảnh chung. 

Các tin khác