Doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới

(ĐTTCO) - Dự báo giai đoạn 2020-2021, nhiều nhà đầu tư tiếp tục chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp cần có năng lực và thực lực thực tế để nắm bắt được cơ hội.
Sản phẩm công nghệ thu hút doanh nghiệp trải nghiệm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Sản phẩm công nghệ thu hút doanh nghiệp trải nghiệm.

Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp cận những chính sách mới của Chính phủ và từng địa phương để xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Đặc biệt, trong dòng chảy mới của chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần tìm ra hướng đi mới và vươn mình trong tương lai.

Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại Vietnam CEO Forum 2020: "Chuỗi giá trị toàn cầu: Dòng chảy mới - Cá có hóa Rồng?" do Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 19/11.

Nhận diện vận hội mới

Đại dịch COVID-19 đang làm gián đoạn sự vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh và đánh giá rủi ro. Từ đó, chuỗi cung ứng tại nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam và nền kinh tế toàn cầu đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã thực hiện tốt việc kiểm soát dịch COVID-19, ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần chuyển giao từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi.

Trong bối cảnh này, vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

Ông Lâm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nền kinh tế trong và ngoài nước đang trong giai đoạn biến đổi nhanh chóng, không chỉ do đại dịch COVID-19 mà còn nhiều vấn đề khác trên thị trường toàn cầu.

Trong đó, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu là vấn đề được quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Đây được xem là chìa khóa để có thể vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh thành công trong thời gian tới.

Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cơ hội lúc nào cũng có và là cách để doanh nghiệp thử sức. Còn vận hội là thời khắc và để doanh nghiệp thay đổi nên yêu cầu tính đột phá cao hơn rất nhiều.

Đại dịch COVID-19 không chỉ kiểm tra sức bền của doanh nghiệp mà còn là động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn thử thách nội lực, cũng như có dám vượt lên chính mình.

Hiện nay, dòng chảy đầu tư đi đến những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị bị thay đổi bởi những yếu tố như địa chính trị, tín hiệu thị trường, nhất là phải tính đến đối tác.

Vì vậy, không chỉ doanh nghiệp mà các quốc gia cần đáp ứng nhu cầu thị trường về năng lực cốt lõi và công nghệ.

Đối với Việt Nam có đầy đủ biến số như lợi thế cạnh tranh, ưu thế về kết nối quốc tế... tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội trong vận hội mới.

Kết quả nhiều khảo sát trong thời gian gần đây cũng cho thấy, nếu các nhà máy sản xuất chuyển ra khỏi Trung Quốc thì dự báo sẽ chuyển sang khu vực Đông Nam Á, Mexico và Mỹ.

Doanh nghiep Viet tan dung loi the trong chuoi cung ung toan cau moi hinh anh 1Doanh nghiệp giới thiệu dự án đầu tư bên lề Vietnam CEO Forum 2020.

Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn bị cạnh tranh bởi nhiều quốc gia trong khu vực. Bởi, bên cạnh hình thành khu chế xuất-khu công nghiệp đón dòng vốn đầu tư, nhà đầu tư, thì phải kèm theo việc đáp ứng những yêu cầu về đảm bảo cơ sở hạ tầng, giao thông...

Liên quan đến tác động của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đối với Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó tận dụng được lợi thế nếu vẫn thiếu thông tin định hướng, cũng như không đủ năng lực cốt lõi.

Thống kê 3 tháng qua, hơn 2.000 đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt đã được hưởng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), chủ yếu là ở ngành nghề, lĩnh vực nông sản.

Dù vậy, tại các thị trường xuất khẩu thì sức mạnh thương hiệu Việt chưa rõ nét, nên doanh nghiệp bắt buộc không ngừng nỗ lực cải thiện năng lực tuân thủ các quy luật, tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường...

Song song, câu chuyện đặt ra là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực "chọn" và "chơi" với đối tác uy tín, nâng cao năng lực kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước.

Tiếp sức "chèo lái" doanh nghiệp

Qua quá trình làm việc với doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Don Lam, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, công ty đa quốc gia thường có những yêu cầu theo chuẩn quốc tế khi đầu tư và hợp tác kinh doanh.

Đây có thể là yêu cầu khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, nhưng nếu không vượt qua thách thức này hay phát triển bền vững theo xu hướng thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Don Lam cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn có một số điểm yếu nữa, đó là khi thành công ở một ngành nghề, lĩnh vực nào đó thì lại không đầu tư phát triển, nâng cấp, mà lại phổ biến chuyển sang những ngành nghề, lĩnh vực khác nên bị phân bổ nguồn lực thiếu tập trung.

Nếu doanh nghiệp sản xuất mà không tập trung vào năng lực cốt lõi, ngành nghề, lĩnh vực của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế thì dễ đánh mất thương hiệu trên thị trường.

Thời điểm hiện nay là giai đoạn đòi hỏi doanh nghiệp tư duy và quản trị doanh nghiệp lại, bởi trên thị trường xuất hiện nhiều xu thế mới.

Doanh nghiep Viet tan dung loi the trong chuoi cung ung toan cau moi hinh anh 2Đại diện Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM và Lãnh đạo tỉnh Bến Tre ký kết MOU.

Tất cả xu thế này, cộng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức và nếu không vượt qua thì cơ hội khó đến Việt Nam một cách có ý nghĩa thiết thực.

Dự báo giai đoạn 2020-2021, nhiều nhà đầu tư tiếp tục chuyển hướng sang khu vực Đông Nam Á, cũng muốn đầu tư vào Việt Nam.

Tùy theo ngành nghề, lĩnh vực, quy mô... doanh nghiệp có thể chọn lựa chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh phù hợp với sự chuyển động của thị trường và đón cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu đa ngành, doanh nghiệp cần tối đa hóa chi phí vận hành và quản trị doanh nghiệp, tận dụng lợi thế liên kết dọc để phân bổ nguồn lực hợp lý.

Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh và cần tập trung vào thế mạnh đó, cũng như đảm bảo quản trị dòng tiền và rủi ro thị trường.

Khi doanh nghiệp có năng lực và thực lực thực tế đủ mạnh thì mới nắm bắt được cơ hội kinh doanh, kể cả hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực trong vận hội mới như hiện nay.

Còn đánh giá về vai trò của nhà nước trong thúc đẩy vận hội mới và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, một số chuyên gia cho rằng, điều chỉnh và ban hành cơ chế chính sách phù hợp rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là có giải pháp thực thi nhanh chóng và hiệu quả.

Trong đó, Bộ ngành, chính quyền địa phương cần làm sao thúc đẩy những gói hỗ trợ của Chính phủ vào doanh nghiệp để tiếp sức cho họ vượt khó về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực...

Mặt khác, Chính phủ, Bộ ngành và chính quyền địa phương không chỉ có vai trò định hướng, mà phải đồng hành cùng doanh nghiệp, bên cạnh sự chủ động liên kết và tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp.

Riêng đối với doanh nghiệp, cần bảo vệ dòng tiền mặt của mình hiệu quả và thích ứng nhanh để tận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cụ thể là những gói hỗ trợ đã và đang triển khai trong thời gian qua.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, nguy cơ lớn nhất trong khủng hoảng không phải là tác động của khủng hoảng, mà là tư duy ứng phó với khủng hoảng theo lối mòn.

Để vượt qua khủng hoảng, người chủ doanh nghiệp phải là nhà lãnh đạo kiên tâm, quản trị công ty minh bạch và hiệu quả, có hiến lược hướng đến phát triển bền vững.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức đến khái niệm "quản trị khủng hoảng," dù khó dự đoán được nhưng doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải quản trị dòng tiền tốt.

Song song đó, khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi và mang tính chiến lược dài hơi.

Các tin khác