Đổi mới cơ cấu ngân sách

(ĐTTCO) - Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, tổng thu NSNN là 1.343.330 tỷ đồng; tổng chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP.
Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu NSNN năm 2021 giảm so với dự toán năm 2020; tỷ lệ huy động vào NSNN là 15,5% GDP, trong đó từ thuế, phí là 13% GDP điều chỉnh. Để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và kích cầu trong nước, Chính phủ đề xuất bội chi NSNN năm 2021 là 4% GDP, tăng 1,5% so với dự toán năm 2020. Bội chi NSNN chỉ dành cho đầu tư phát triển, không dành cho chi thường xuyên. Khi đó, nợ công năm 2021 sẽ là 46,1% GDP điều chỉnh.
Các con số nêu trên thực sự là những chỉ tiêu rất tích cực nhưng đầy thách thức trong điều hành khi nền kinh tế trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch Covid-19 vẫn biến động phức tạp; thiên tai, hạn mặn, lũ lụt, dịch bệnh là những yếu tố tác động không thuận lợi đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong nước. Tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội và NSNN không chỉ trong năm 2020 mà chắc chắn còn kéo sang năm 2021, thậm chí có thể một số năm tiếp theo.
Đổi mới cơ cấu ngân sách ảnh 1 PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Học viện Tài chính
Thách thức là không nhỏ khi năm 2021, chúng ta vẫn quyết tâm duy trì mục tiêu kép, vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Để có thể hoàn thành được các chỉ tiêu của năm 2021 hay giai đoạn 2021-2025 cần sự nhất trí đồng lòng, chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp, sự kết hợp của các cơ quan quản lý, đặc biệt là của Bộ Tài chính trong điều hành. 
Nhìn lại NSNN giai đoạn 2016-2020, có thể thấy, cơ cấu thu - chi NSNN đã được tái cấu trúc và thực hiện kiên quyết. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ mức 68% của giai đoạn 2011-2015 lên mức 80,9% của giai đoạn 2016-2019 và ước đạt 84,3% trong năm 2020. Nguồn thu NSNN tăng trưởng ổn định, bền vững, ít bị phụ thuộc vào nguồn thu từ bên ngoài qua thuế xuất nhập khẩu, thu từ bán dầu thô và vay nợ quốc tế. Chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 có tỷ trọng tăng dần, lên mức 27%-28% tổng chi NSNN (vượt mục tiêu đề ra là 25%-26%); tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm xuống 60,5% trong năm 2020 (thấp hơn mục tiêu đề ra là 64%).
Đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính và Chính phủ vì đã cắt giảm nhiều các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách, trong khi vẫn đảm bảo nguồn vốn NSNN thực hiện điều chỉnh lương cơ sở và các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Tỷ lệ bội chi NSNN đã được kiểm soát tốt và giảm dần qua các năm, nên mặc dù năm 2020 tăng cao (4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán) nhưng cả giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt khoảng 3,8% GDP - thấp hơn chỉ tiêu cả giai đoạn là 3,9% GDP. Tỷ lệ nợ công so với GDP đang giảm dần, từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55% năm 2019 và lên 56,8% năm 2020. Cơ cấu nợ công trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn.
Hướng về tương lai, để hoàn thành các mục tiêu về NSNN đã đặt ra, trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu NSNN, cải cách hệ thống thuế theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý; nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn thuế tài sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường.
Cùng với đó là xem xét kỹ chính sách miễn, giảm, giãn thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và đảm bảo tính trung lập của thuế, tính công bằng, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, để tăng tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo nguồn thu bền vững. Bên cạnh đó là kiên quyết cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo tính hiệu quả của chi tiêu đầu tư công; quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên…
Những chuyển biến tích cực của NSNN giai đoạn 2016-2020 đang tạo động lực mới cho giai đoạn tới. Và, hy vọng, với một Chính phủ hành động quyết liệt, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như vừa qua, Việt Nam sẽ có bước phát triển mới về đổi mới cơ cấu thu - chi NSNN, giảm thiểu thâm hụt và quản lý tốt nợ công trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Các tin khác