“Đổi mới sáng tạo” - từ khóa phát triển TPHCM

(ĐTTCO) - Ngày 3-12, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (gọi tắt là nghị quyết). 
Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến tại 119 điểm cầu, với gần 7.400 đại biểu. Tham dự tại điểm cầu chính (Hội trường Thành phố) có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM…

Thời cơ phát triển TPHCM
Giới thiệu chuyên đề về 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến một số đề án, chương trình thành phần quan trọng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì khoảng 6 tháng nữa, 19 quận và khoảng 270 phường không còn HĐND. Các cán bộ chuyên trách ở các quận, phường này phải được sắp xếp lại. Vì vậy, ngay từ bây giờ, TPHCM cần phải chuẩn bị kế hoạch thực hiện việc sắp xếp cũng như xây dựng quy chế hoạt động của các phường, quận không có HĐND. Trong đó, nhiệm vụ của phường, quận cùng nhiệm vụ, thẩm quyền của chủ tịch, các phó chủ tịch cấp quận, cấp phường phải được cụ thể hóa một cách chi tiết. Nếu thực hiện chậm trễ các công việc này, đến khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị (từ ngày 1-7-2021) có thể dẫn đến ách tắc trong công việc. Đó là điều không được phép xảy ra.
Về đề án thành lập TP Thủ Đức, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, dự kiến ngày 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án. Hiện 3 quận này có 3 Chủ tịch UBND quận, 3 Bí thư Quận ủy nhưng khi thành lập TP Thủ Đức thì chỉ có 1 Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, 1 Bí thư Thành ủy Thủ Đức. Tương tự, các cấp phó, một số đơn vị thuộc bộ máy của TP Thủ Đức cũng có sự khác biệt so với hiện nay. Do đó, kế hoạch cho việc sắp xếp, lựa chọn nhân sự tốt nhất cho TP Thủ Đức cũng phải được chủ động xây dựng và khởi động quyết liệt.
Đồng chí nhấn mạnh, gắn với TP Thủ Đức là việc hình thành, phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Nơi đây có Đại học Quốc gia TPHCM, có Khu Công nghệ cao và Khu đô thị mới Thủ Thiêm có trung tâm tài chính, trung tâm thương mại lớn… đang được phát triển, hoàn thiện. Với những lợi thế này, TPHCM phấn đấu xây dựng, phát triển TP Thủ Đức là nơi có năng suất lao động cao ít nhất gấp 2 lần TPHCM, tức gấp hơn 5 lần cả nước. “Chính quyền đô thị và TP Thủ Đức là thời cơ phát triển TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và nhấn mạnh, trong năm 2021, bên cạnh “chung sống với Covid-19” theo trạng thái bình thường mới thì còn phải tập trung triển khai thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích, hệ số khuếch đại chi ngân sách TPHCM (thu ngân sách/chi ngân sách) vào khoảng 5,13 - lớn nhất cả nước (trung bình cả nước là 1,85). Con số này phản ánh, khi TPHCM chi 1 đồng ngân sách thì thu về được hơn 5 đồng, trong khi bình quân cả nước chi 1 đồng thì thu về được 1,85 đồng. Như vậy, khi ngân sách để lại cho TPHCM thêm 1 đồng thì TPHCM thu về ngân sách được thêm 5 đồng và từ đó, TPHCM sẽ có thêm điều kiện, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách cả nước. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để TPHCM xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM để tăng thu ngân sách Trung ương và tạo tiền đề để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.
Kiện toàn tổ chức bộ máy
Tham gia quán triệt chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trích dẫn một số nội dung chủ yếu của nghị quyết và đề cập đến một số tồn tại. Đó là việc phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đạt yêu cầu. Cùng đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có mặt còn yếu kém. Việc phát hiện tham nhũng còn ít so với thực tế.
Bày tỏ tâm tư về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh đến những nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới. Một trong những yêu cầu cụ thể là nhiệm vụ nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu của từng Đảng bộ, đến từng chi bộ cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Nên phân tích, thực chất của công tác xây dựng chính trị, tư tưởng là thường xuyên nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên để nhận biết đúng - sai, tốt - xấu, tích cực. Qua đó sẽ giúp cán bộ, đảng viên minh định được đúng sai, tốt xấu và vững vàng vượt qua những cạm bẫy của cuộc sống. Đồng thời, Bí thư Thành ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU...
Nhấn mạnh đến yếu tố con người, đồng chí Nguyễn Văn Nên còn đề cập đến yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá cán bộ; nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tạo nguồn cán bộ. Đặc biệt là việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực cao, lực lượng tri thức trẻ có trình độ thạc sĩ trở lên cũng như nghiên cứu thi tuyển một số chức danh quản lý ở cấp sở - ngành, quận huyện… Đồng chí tin tưởng cùng với việc kiện toàn bộ máy tổ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì với chính sách thu hút trí thức trẻ sẽ bổ sung vào đội ngũ cán bộ của TPHCM, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Nâng cao chỉ số năng động
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giới thiệu chuyên đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng chí đã nêu khái quát kết quả phát triển kinh tế của TPHCM trong 5 năm qua. Trong đó, năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, kinh tế của thành phố đã bị giảm sút mạnh, với GRDP cả năm của TPHCM là 1,39%. Theo đồng chí, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì tốc độ tăng trưởng này là có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, dịch Covid-19 còn tiếp tục tác động tiêu cực đến mọi mặt. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của TPHCM trong năm 2021 là vẫn phải thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, đồng thời có giải pháp, chương trình khôi phục, phát triển kinh tế…
Thông tin về các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí đề cập đến chỉ tiêu “phấn đấu TPHCM nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index)”. Đây cũng là chỉ tiêu được TPHCM đặt ra trong nhiệm kỳ trước nhưng không đạt được. “Các đồng chí lãnh đạo các ngành phải tự bức xúc về vấn đề này. TPHCM là trung tâm kinh tế năng động nhưng khi phân tích các chỉ số PCI cho thấy nhiều chỉ số thành phần, trong đó có chỉ số năng động, đạt thấp. Đó là nghịch lý nhưng đồng thời đó là vấn đề đặt ra để các đồng chí thấy được trách nhiệm của mình và có các biện pháp khắc phục”, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ rõ.
Đề cập đến các quan điểm phát triển nhiệm kỳ tới đã được nghị quyết xác định, đồng chí nhấn mạnh đến nhiệm vụ TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới; phát huy nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động… Theo đồng chí, đối với TPHCM, muốn phát triển bền vững, muốn tăng năng suất lao động thì không có con đường nào khác phải không ngừng đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. “Từ khóa của chúng ta là đổi mới sáng tạo”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Các tin khác