Đón đọc ĐTTC bộ mới số 100 phát hành thứ hai ngày 12-4-2021

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 100 phát hành ngày 12-4-2021 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 100 phát hành thứ hai ngày 12-4-2021 ảnh 1
- Dòng tiền dịch chuyển vào “rổ” rủi ro: Lãi suất huy động đã đi đúng mong muốn của nhà điều hành, khi chỉ thời gian ngắn các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm giá vốn đầu vào 2-2,5%. Tuy nhiên, tốc độ giảm lãi vay vẫn tiếp diễn kịch bản cũ, không bắt kịp tốc độ giảm lãi suất huy động. Nguyên nhân vì sức khỏe doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 yếu hơn, việc cấp tín dụng của các nhà băng rủi ro hơn, nên phải nới biên lãi ròng (NIM) để dự phòng trường hợp nợ xấu tăng cao. Vậy tiền nhàn rỗi không đi vào NHTM hoặc tiền NH huy động chưa cho vay được đang ở đâu?  
- Lý thuyết tiền tệ hiện đại - Thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu: 10 năm sau cuộc khủng hoảng 2007-2008, cả chính sách tài khóa và tiền tệ, chủ yếu ở các nước phát triển, thường sử dụng chính sách gọi là “phi truyền thống”, hay còn gọi là Lý thuyết tiền tệ hiện đại (Modern monetary theory - MMT) . Và khi đại dịch bùng phát, các nhà làm chính sách ở hầu hết các quốc gia phát triển xem chính sách “phi truyền thống” như là thông lệ. Tuy nhiên, chính sách kinh tế vĩ mô dựa trên MMT này đang tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng trong trung hạn, và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới, nhưng trước hết đang thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu ngày nay. (Th.S Phụng Thị Lan Nhi và nhóm nghiên cứu, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Gói 1.900 tỷ USD có  phục hồi nền kinh tế Mỹ?: Đại dịch Covid buộc nhiều bang của Mỹ đã phải đóng cửa, kinh tế suy giảm trầm trọng. Ngày nay tỷ lệ thất nghiệp còn trên 6%, giảm so với đỉnh điểm trên 15%, khoảng 20 triệu người. Song số liệu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục gia tăng trong những tuần qua. Vậy những gói chi tiêu của chính phủ có giúp cho nền kinh tế phục hồi hay cần những gói tiếp theo quy mô nhiều hơn?  (PGS.TS Lê Thị Phương Vy và nhóm nghiên cứu, Khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Thị trường tài chính đang nghiêng về tiền mã hóa: Thị trường tài chính toàn cầu đang xuất hiện hàng loạt xu hướng mới dưới sự tác động của tiền mã hóa. Trong đó việc các định chế tài chính lớn có động thái tích cực trong việc chấp nhận tiền mã hóa là cột mốc lịch sử trong hệ thống thanh toán thế giới. Dù trong tương lai gần, tiền mã hóa chưa thể trở thành phương tiện thanh toán chính thống vì mức độ rủi ro và biến động giá lớn, nhưng đây chắc chắn là xu thế không thể bỏ qua. (Th.S Lưu Minh Sang, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM)
- Làn sóng tiền điện tử quốc gia: Covid-19 đã làm tư duy kinh doanh trong nền kinh tế nhiều nước ngày càng thay đổi và hình thành xu hướng ít sử dụng tiền mặt và chuyển toàn bộ hệ sinh thái lên nền tảng số hóa. Do đó việc cần đồng tiền kỹ thuật số (KTS) có thể đáp ứng cũng như giữ lại những ưu điểm của tiền tệ truyền thống, đã giúp nhiều NHTW tìm tới CBDC (tiền KTS của NHTW), hay số hóa đồng tiền pháp định của mình. Năm 2020 lần đầu tiên Bitcoin không còn là đồng tiền KTS được quan tâm nhiều nhất, thay vào đó là CBDC. Đến đầu năm 2021 đã có 86% trong số 65 NHTW được khảo sát đang có hoạt động về CBDC (tăng từ mức 80% năm ngoái). (Phan Dũng Khánh)
- Để đoàn tàu TPHCM không dừng lại: Thu ngân sách năm 2020 của TPHCM đạt 371.000 tỷ đồng, nghĩa là bình quân một ngày TP thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, Trung ương giao chỉ tiêu cho chính quyền TP phải đảm bảo mức thu một ngày khoảng 1.500 tỷ đồng. Những con số này phần nào phản ánh thước đo đơn giản để thấy, nếu một ngày kinh tế TP phải dừng thì tổn thất lớn đến mức nào, đó là chưa kể những phí tổn tiềm ẩn khác mà cả xã hội và nền kinh tế phải gánh chịu. (PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Hỗ trợ thuế đúng đối tượng: Với việc diễn biến dịch trên thế giới, trong nước vẫn còn phức tạp, gói hỗ trợ này sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các DN, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ năm 2020, một chuyên gia về thuế cho rằng để hỗ trợ hiệu quả, đến đúng địa chỉ cần phân loại DN theo các tiêu chí hợp lý, tránh tràn lan, không đúng mục tiêu, trọng điểm, lãng phí nguồn lực. (Hà My)
- Cảnh báo lạm phát vẫn đẩy mạnh kích cầu: Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét trong quý I song chưa được như kỳ vọng, đặt ra yêu cầu cần phải tăng tốc trong thời gian tới. Tuy nhiên phải kiểm soát lạm phát năm 2021 dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Cảnh báo lạm phát nhưng không vì thế rút lui những chính sách liên quan đến kích cầu nền kinh tế là tín dụng và đầu tư công, phải kiên trì thực hiện theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. (TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế)
- Vận tải toàn cầu đang rạn nứt, nguy cơ lạm phát gia tăng: Ngay cả trước khi Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez vào cuối tháng 3, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiến việc vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều và gây ra tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ xe đạp tập thể dục đến pho mát, vào thời điểm nhu cầu tăng chưa từng có. (Vĩnh Cẩm)
- Cùng ngồi lại gỡ “nút thắt” 150ha: Đất được xem là tài nguyên thiên nhiên quý, hiếm của bất cứ TP nào, bởi đất là hữu hạn, người tăng thêm đất không đẻ thêm. Do vậy việc sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, mang lại lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ chính quyền của quốc gia và TP nào. Và đây cũng là trăn trở của lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân TPHCM suốt nhiều năm qua. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa)
- NoXH: NĐ 49 có cải thiện NĐ 100?: Nghị định 49 của Chính phủ quy định cụ thể về quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội (NoXH) đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (NoTM), khu đô thị. Theo đó, đối với dự án có quy mô từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I, hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III, phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NoXH. Liệu những quy định mới này có khắc phục những điểm nghẽn của quy định cũ để khơi thông phân khúc NoXH? (Bình Minh)
- Tiếp tục dậy sóng với NĐT nhỏ lẻ: Làn sóng nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đổ xô vào thị trường chứng khoán  (TTCK) tưởng như đã nhạt đi trong 2 tháng đầu năm 2021, nhất là khi VN Index tỏ ra mệt nhoài trước đỉnh cao lịch sử 1.200 điểm. Thế nhưng sóng ngầm vẫn đang diễn ra và sẽ chưa dừng lại. Nếu như năm 2020 được xem là “sóng thần” các NĐT cá nhân trong nước tham gia TTCK, thì năm 2021 khả năng rất cao sẽ xô đổ kỷ lục của kỷ lục. Cả năm 2020, số tài khoản chứng khoán mới của NĐT cá nhân trong nước đạt 392.527, thì mới 3 tháng đầu năm 2021, con số tài khoản mới đã là 256.316. (Nguyên Hà)
- “Sóng” cổ phiếu ngân hàng?: Nhóm CP ngân hàng (NH), đặc biệt là các NH nhỏ, đang trở thành nhóm CP hút dòng tiền trên TTCK trong những phiên giao dịch gần đây. Thế nhưng, việc đu theo sóng NH khiến NĐT gặp nhiều rủi ro, nhất là với những NH đang được đẩy lên theo kiểu “nước lên thuyền lên”. (Kim Giang)
- Tin quy hoạch + “cò”: Sốt ảo: Thời gian qua, tại nhiều địa phương có hiện tượng người dân đổ xô đến những nơi có thông tin về quy hoạch mới, chia tách địa giới hành chính… để tìm cơ hội đầu tư đất theo lời đồn thổi, mời chào thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Điều đáng nói, giá đất những nơi này được đẩy lên quá mức giá trị thật, tiềm ẩn nhiều rủi ro. ĐTTC ghi nhận ý kiến các chuyên gia BĐS về hiện tượng này, cũng như đề xuất các giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất.  (Đỗ Trà Giang)
- Kiểm soát đầu cơ mới cắt cơn sốt ảo: Đợt sốt đất hiện nay theo chu kỳ. Đó là vào đầu mỗi nhiệm kỳ khi các ý định quy hoạch dự án được trình ra, nên cần có những “liều thuốc mạnh” để chặn lại. Nếu tình trạng đầu cơ BĐS không được kiểm soát, hay có những biện pháp mạnh cắt sốt đất ảo, việc xảy ra nổ bong bóng BĐS là điều có thể thấy trước. (GS.TSKH Đặng Hùng Võ)
- Phương tiện giao thông cá tính (Nhã Trúc)
- Trang sức nóng bỏng mùa hè 2021 (Việt Khuê)
- Những điều cần biết trong chấn thương thể thao (Th.S-BS Huỳnh Phương Nguyệt Anh, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM)
- Thành Thăng Long thuở ấy…: Thời gian như dòng sông cuộn chảy đã cuốn đi bao nhiêu sự kiện lịch sử, tưởng như đã phai mờ theo năm tháng. Nhưng có giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử còn lưu dấu mãi; làm hao tổn biết bao sức lực, trí tuệ, giấy mực và thời gian của người hậu thế. Vở kịch nói Thành Thăng Long thuở ấy của Nhà hát Thế giới Trẻ (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) do ekip của NSND Hoàng Yến thực hiện là một thí dụ. (Trần Thế Tuyển)
- Thuế TNDN tối thiểu toàn cầu, liệu có thông?: Tại các cuộc gặp giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với Ngân hàng Thế giới (WB), và giữa các bộ trưởng tài chính với thống đốc NHTW nhóm G20, chủ đề quan trọng là việc áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ, cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple). Kết quả đạt được rất tích cực, nhưng nhìn thấu đáo hơn, sẽ quay về với câu hỏi kinh điển: sau đó sẽ ra sao? (TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global)
- Austin Russell - Tỷ phú thế hệ Millennials: Theo bảng xếp hạng mới nhất của Forbes, dù năm 2020 toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng đây cũng là năm lập kỷ lục về số lượng tỷ phú mới với 493 cái tên lần đầu tiên xướng danh trong danh sách này. Đặc biệt có tới 106 danh sách tỷ phú mới dưới 40 tuổi. Một trong những tỷ phú tự thân mới trẻ tuổi nhất là doanh nhân Austin Russell, 26 tuổi, người Mỹ, khởi nghiệp trong ngành công nghệ xe tự lái. (Đức Giang)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác