Đón đọc ĐTTC bộ mới số 106 phát hành thứ hai ngày 24-5-2021

(ĐTTCO)- Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 106 phát hành ngày 24-5-2021 với nhiều chuyên mục:
- Nỗi lo lạm phát toàn cầu, diễn viên hài và showbiz Việt: Hơn một thập niêm qua, kinh tế toàn cầu trải qua giai đoạn “bình thường mới” với việc sức cầu suy giảm, khiến cho lạm phát chưa bao giờ đạt được mục tiêu mong muốn của các ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) chưa bao giờ tiến tới lạm phát mục tiêu 2% bất chấp các gói kích thích tiền tệ, tài khóa lớn chưa từng có trong lịch sử. Nhưng có khả năng sắp tới kinh tế toàn cầu sẽ bước vào một “vùng lãnh thổ mới” hoàn toàn xa lạ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,2%, mức cao nhất trong 13 năm qua. CPI tăng cao không chỉ là hiện tượng riêng của Mỹ mà là vấn đề chung của kinh tế toàn cầu. (GS.TS Trần Ngọc Thơ)
- Fed có giải được “bài toán tiền tệ”?: Ngày 19-5 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) công bố nội dung cuộc họp (meeting minutes) đã diễn ra vào ngày 28-29 tháng trước. Thông tin từ các cuộc họp như thế này luôn là tâm điểm của thị trường tài chính, vì bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách tiền tệ của Fed đều có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay. Theo nội dung được công bố, một số thành viên của Fed cân nhắc việc siết lại bớt chính sách tiền tệ sớm hơn, nhưng số liệu việc làm mới đây lại cho thấy Fed không dễ tìm được đáp án của bài toán. (TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global)
- Bất định trong dự báo lạm phát sau đại dịch: Lạm phát hiện đang là đề tài được các chuyên gia kinh tế rất quan tâm và lo ngại khi bàn về tình hình, chính sách vĩ mô các nước sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát phi mã kéo dài, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã chịu thiệt hại đáng kể về kinh tế do nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Liệu nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu có trở thành hiện thực? Nhìn lại Việt Nam, một quốc gia vẫn giữ được dịch bệnh trong tầm kiểm soát, thậm chí giữ được mức tăng trưởng dương và xuất siêu trong năm 2020, thì lạm phát có phải là mối đe dọa hiện hữu? (Nguyễn Trí Minh, Đại học Kinh tế TPHCM)
- Lạm phát: Nỗi lo ngắn hạn thành dài hạn: Số liệu lạm phát tháng 4 vừa công bố của nhiều nước tạo ra những kỷ lục mới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng lên 4,2% từ mức 2,6% của tháng trước, tăng cao nhất của thước đo lạm phát trong 13 năm trở lại đây. Trong khi đó, chỉ số lạm phát tháng 4 của Anh tăng gấp đôi tháng trước, đạt 1,5%. Nếu trước đây nhiều NHTW rất tự tin lạm phát bật lại trong 2021 sẽ chỉ là nỗi lo ngắn hạn, nay có thể trở thành nỗi lo dài hạn nếu không phản ứng kịp thời. (Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol – Anh)
- Tăng trưởng kinh tế, chấp nhận lạm phát: Lạm phát trong những tháng qua có dấu hiệu tăng lên ở nhiều nền kinh tế phát triển, duy trì ở mức tương đối cao tại một số nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, do giá hàng hóa tăng vọt và giảm giá tiền tệ. Điều này cũng gây ra lo ngại đối với việc kiểm soát lạm phát tại Việt Nam. Một liều thuốc bằng chính sách tiền tệ để kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế là cần thiết. Nhưng khi lượng tiền đi vào lưu thông lớn sẽ tạo ra hiệu ứng về nguy cơ lạm phát từ chính sách tiền tệ. Nên nhớ, nếu kích thích nền kinh tế bằng tiền tệ cũng phải chấp nhận lạm phát tăng. (TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH) 
- Vào thế “nhập khẩu” lạm phát: Giá hàng hóa thế giới tăng đã gây sức ép lên giá các mặt hàng trong nước và tạo áp lực lên mục tiêu điều hành giá cả năm nay. Chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng cũng gây ra những lo ngại về lạm phát tăng cao. Áp lực lạm phát tăng cao trong năm nay vẫn rất lớn. Do vậy, cần tiếp tục nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao; tiếp tục các biện pháp chấn chỉnh hiện tượng sốt giá bất động sản đất nền vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý đầu tư, thị trường… (TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia)
- Nhiều nhân tố đẩy lạm phát tăng: Năm 2020, chỉ số lạm phát (CPI) ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức 3,23%. Tuy nhiên, năm 2021 có nhiều nhân tố phức tạp có thể đẩy chỉ số CPI tăng cao, khó kiềm giữ ở mức 4% như mục tiêu. Có một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán; nguồn vốn lớn chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản; vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021; cầu tiêu dùng tăng… là những nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.  (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính)
- Báo động chất lượng nguồn nhân lực: TPHCM đang quyết tâm lấy lại vị thế trong khu vực Đông Nam Á, trở thành trung tâm hàng đầu về kinh tế-tài chính, dịch vụ-du lịch. Muốn vậy, TP cần lực lượng lao động với chất lượng cao hơn. Thế nhưng, trong nhiều thập niên, nguồn nhân lực TP dù đã có đóng góp to lớn cho việc ổn định và phát triển, nhưng có nguy cơ đứng ở mức phát triển trung bình, có thể 15-20 năm nữa không có gì mới. (PGS. Nguyễn Minh Hòa)
- Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất: Sân bay Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Nam. Sân bay nằm trong nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới, cũng là nơi hoạt động chính của tất cả hãng hàng không Việt Nam. Thế nhưng, mấy năm gần đây, chuyện ngập nước sân bay Tân Sơn Nhất cứ diễn ra triền miên sau mỗi cơn mưa lớn như điệp khúc khó chấp nhận. Điều gì đang xảy ra ở đây? (Lê Hùng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường TPHCM)
- Huy động vốn qua cho thuê tài chính: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng, huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề tất yếu, có tính chất sống còn đối với DN, đặc biệt với DNNVV hiện chiếm trên 96% tổng số DN đang hoạt động nhưng hạn chế vốn tự có. (Nguyễn Thị Kim Hoa, Công ty CTTC BIDV - SuMi TRUST)
- Cú nhào lộn ngoạn mục của Bitcoin: Sau khi lập đỉnh với mức giá gần 65.000USD ngày 14-4, Bitcoin đã rơi vào vòng xoáy giảm giá kéo dài. Đáng chú ý, tuần qua thị trường đã chứng kiến màn nhào lộn ngoạn mục của đồng tiền điện tử này, đã tạo tâm lý hoảng loạn và bán tháo trên toàn cầu. Với sự nhào lộn giá cả trong tuần qua, tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường cộng với xu hướng đổ xô bán tháo, cho thấy rủi ro đầu tư vào Bitcoin rất khó lường. (Thiên Minh)
- Nhà băng bơm vốn cho thị trường chứng khoán?: Nếu nhìn vào diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng thị trường đang phụ thuộc vào dòng vốn của các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chuyển từ tiền tiết kiệm sang CK. Tuy nhiên, đây cũng chỉ lần là phần nổi vì thực tế thị trường đang chịu chi phối bởi dòng vốn đến từ các… nhà băng.  (Kim Giang)
- Có nên “đu đeo” theo “sell in May”?: Thị trường chứng khoán (TTCK) đã đi gần hết tháng 5 và câu thành ngữ “Sell in May” (bán tháng 5) dường như không còn đúng với Việt Nam. VN-Index từ đầu tháng 5 đến nay tăng khoảng 3,1%, thậm chí chỉ số VN30-Index tăng 8,6%. Phải chăng TTCK Việt Nam “không có quy luật”? (Nguyên Hà)
-  Khó xử lý các khu công nghiệp “bọc” các hộ dân?: Hiện nay nhiều khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TPHCM hoạt động hàng chục năm, nhưng đến nay công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa hoàn tất. Nguyên nhân có thể các hộ dân nằm trong quy hoạch KCN không đồng ý giá bồi thường, hoặc các chủ đầu tư KCN không hợp tác với chính quyền địa phương. Hậu quả là đến nay khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, khiến một số KCN nằm lọt thỏm trong khu dân cư và giá đất đã tăng lên gấp vài chục lần. (Đỗ Trà Giang)
- Không gian làm việc thư thái (Nhã Trúc)
- Túi xách rực rỡ cho mùa hè (Việt Khuê)
- Sự thật ngải bún giúp phòng ngừa Covid-19 (TS.DS Nguyễn Thành Triết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Cơ sở 3)
- Muôn kiếp nhân sinh giữa đại dịch: “Muôn kiếp nhân sinh” tập 2 vừa ra mắt giữa tâm bão của đại dịch lần 4 đang lan rộng các tỉnh thành Việt Nam cùng nhiều sự việc, thiên tai biến động kỳ lạ gần như đồng loạt đang diễn ra khắp thế giới. Phải chăng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên? (Hương Ngân)
- “Vòi bạch tuộc” của Hunter Biden: Không chỉ có các quan hệ kinh doanh mờ ám đang bị điều tra ở Ukraine và Trung Quốc, Hunter Biden, con trai Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã có những mối làm ăn đáng ngờ ở hàng loạt quốc gia khác, theo tiết lộ mới nhất từ các email trong chiếc laptop bị “bỏ quên” của Hunter ở Delaware. (Vĩnh Cẩm)
- Nở rộ tour "du lịch vaccine": Cái khó ló cái khôn. Đại dịch Covid-19 làm ngành du lịch lao đao nhưng cũng khiến nhiều doanh nghiệp nghĩ ra ý tưởng, sáng kiến kinh doanh mới, như du lịch nội địa, du lịch tại chỗ hay du lịch qua mạng. Và khi đã có vaccine, xuất hiện thuật ngữ mới là du lịch vaccine (vaccine tourism) - các tour du lịch kết hợp tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Mỹ, châu Âu và các nước, vùng lãnh thổ được cho là an toàn. (Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác