Đón đọc ĐTTC bộ mới số 115 phát hành thứ hai ngày 9-8-2021

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 115 phát hành ngày 9-8-2021 với nhiều chuyên mục:
- Hỗ trợ hàng không bằng lãi suất thả nổi: Ngành hàng không phải có kế hoạch ngắn và trung hạn thể hiện chiến lược nghiêm túc của ngành để cất cánh, như đón đầu sự hồi phục của nền kinh tế quốc gia và thế giới, cho thấy triển vọng năng suất gấp đôi, gấp ba khi dịch bệnh được kiểm soát để bù lại những mất mát trong quá khứ và xứng đáng với khoản hỗ trợ. Lãi suất cho vay các doanh nghiệp này sẽ không cố định mà thả nổi, tương tự sản phẩm phái sinh tài chính. Tức nghĩa vụ hoàn trả lãi dựa trên khả năng hồi phục của ngành hàng không. Việc tính lãi vay cũng dựa trên sự phục hồi của ngành. Thời điểm khó khăn lãi vay sẽ khác nhưng khi tình hình tươi sáng hơn phải trả mức lãi vay khác. Việc áp dụng trần - sàn lãi suất để cho vay giải cứu hàng không như vậy mới công bằng với ngân sách cũng như tiền thuế do người dân đóng góp.
- Mỹ và Trung Quốc bùng phát đại dịch: Đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Trong tuần qua, số ca bệnh do biến chủng Delta gây ra ở Mỹ đã tiến đến gần 100.000 ca/ngày, trong khi Trung Quốc phát hiện nhiều ca bệnh ở 18 khu vực cấp tỉnh trên cả nước và đã tiến hành phong tỏa một số thành phố.  Trong bối cảnh các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến chống dịch bằng phong tỏa kinh tế, thế giới đang rất cần tăng trưởng từ Mỹ và EU để kéo lại nền kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự đoán, tác động lan tỏa tiêu cực sẽ kéo ra kinh tế toàn cầu, đặc biệt tác động đến các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, vốn đang hồi phục nhờ các đơn hàng mới của Mỹ và EU.  (TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh)
- Sức khỏe doanh nghiệp đang yếu dần: Chi phí tăng cao khi áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”, nỗi lo thiếu lao động khi dịch bệnh được kiểm soát, áp lực dòng tiền… tất cả đang bủa vây lấy nhiều doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay. (Thanh Dung)
- Thiết kế gói kích thích quy mô đủ lớn: Thiệt hại kinh tế từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất lớn, vì vậy cần phải có gói kích thích kinh tế và quy mô đủ lớn mới đem lại tác động hiệu quả. Tuy nhiên, cũng phải hết sức chú ý đến khả năng gánh chịu của ngân sách nhằm không làm tình hình ngân sách rơi vào trạng thái rủi ro quá mức. Ảnh hưởng của làn sóng dịch lần thứ tư này có tác động rất lớn đến nền kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, nên quy mô hỗ trợ cần đủ lớn mới đem lại tác động hiệu quả. Nói cách khác, phải bơm tiền thực để tái khởi động nền kinh tế. (PGS.TS Trần Hùng Sơn, ThS. Lưu Bích Thu, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM) 
- Cứu doanh nghiệp phải từ “hầu bao” ngân sách: Theo dõi các cuộc họp về nội dung liên quan đến các chính sách, giải pháp duy trì ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch…  có thể nhận thấy vấn đề cơ cấu nợ, giãm lãi suất của NH và DN vẫn chưa gặp nhau, cũng như hỗ trợ có nên phân tầng DN để hỗ trợ. Đây là bài toán khó giải cần sự hỗ trợ mạnh hơn từ NHNN và Chính phủ. (Đỗ Linh)
- 3 tại chỗ không thể kéo dài: Để thích nghi với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong nước đã nỗ lực thực hiện theo phương châm “3 tại chỗ” (3T). Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế và không thể kéo dài, khi thực tế thời gian qua cho thấy các chi phí và rủi ro từ 3T đã thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của DN. (Lưu Thủy)
- Điều chỉnh mô hình 3T cho phù hợp: Mới đây, trong công văn gửi Thủ tướng, Ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân (Ban IV), đã kiến nghị Chính phủ xem xét việc điều chỉnh mô hình 3T sao cho phù hợp với thực tế tình hình hiện nay. Thời gian qua, thông tin từ các cuộc khảo sát đối với các DN, hiệp hội ngành hàng như dệt may, điện tử, gỗ và lâm sản, hay chế biến gỗ và mỹ nghệ TPHCM, chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương… đã cho thấy xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình 3T ở một số nhà máy, với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. (Hoàng Sơn)
- Đồng bằng sông Cửu Long: Chạy đua xây nhà máy điện gió: Hiện nhiều dự án điện gió trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đẩy nhanh tiến độ để vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 (thời điểm được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều dự án gặp khó và có nguy cơ không về đích đúng tiến độ. (Tấn Thái)
- Đô thị hóa vội vã, sẽ suy tàn nông thôn: Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai năm 2010, đến 2021 cả nước có 64,6% số xã, 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%); và 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế. Vì thế, chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 hy vọng sẽ tạo ra thế cân bằng tương đối giữa đô thị và nông thôn, phát triển nông thôn trên nền tảng của công nghiệp hóa - hiện đại hóa và giữ nguồn lực ở lại nông thôn. (PGS. TS Nguyễn Minh Hòa)
- Thời đại Altcoin sẽ vượt Bitcoin?: Kể từ khi được Satoshi Nakamoto thiết kế vào năm 2007 và giao dịch lần đầu tiên vào năm 2009, trải qua 12 năm Bitcoin đã trở thành tài sản có giá trị gia tăng nhiều nhất trong lịch sử nhân loại mà không một tài sản nào theo kịp: 85 triệu lần (tính mức giá cao nhất lịch sử đầu năm nay). Tuy nhiên con số này chỉ còn chưa tới một nửa ngày nay (hiện dao động quanh 40% đến dưới 50%) do sự trỗi dậy mạnh mẽ của các Altcoin. (Phan Dũng Khánh)
- Cổ phiếu dầu khí có hưởng lợi nhờ giá dầu?: Giá dầu thế giới tăng liên tục, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam đều được hưởng lợi. Đây là nguyên nhân khiến nhóm CP dầu khí thiếu động lực tăng giá dù đón nhận tin tốt. Mặc dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, ngành nghề kinh doanh nhưng CP ngành dầu khí nhìn chung có mức độ tương quan rất cao với giá dầu. (Kim Giang)
- Thị trường chứng khoán phái sinh: Thể hiện vai trò phòng vệ rủi ro: Sau 4 năm thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) đạt kỷ lục giao dịch 403.266 hợp đồng vào ngày 12-7. Số lượng tài khoản được mở liên tục tăng, tính đến cuối phiên giao dịch thứ 1.000 đã có 423.639 tài khoản được mở, tăng gấp 24,75 lần so với cuối năm 2017. Về cơ cấu đã có 23 công ty chứng khoán (CTCK) là thành viên giao dịch trên TTCKPS. Đó là những con số ấn tượng về TTCKPS khi vừa tròn 1.000 phiên giao dịch vào ngày 6-8-2021. (Ngọc Quang)
- Doanh nghiệp địa ốc đang cố trụ và chờ…: Trong 6 tháng đầu năm 2021 liên tiếp xảy ra các đợt dịch bệnh làm xáo trộn mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) BĐS. Đây là tình huống bất khả kháng, buộc DN phải thích nghi và gồng mình để sắp xếp, tính toán lại các phương án đầu tư kinh doanh. Dù vậy, sức chống chịu của các DN phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh để có thể mở cửa hoạt động trở lại. (Nguyễn Thanh Hương, Tổng giám đốc Vạn Phúc Land)
- Tiện ích công nghệ ngộ nghĩnh (Nhã Trúc)
- Chăm sóc sức khỏe tại nhà mùa dịch (Nhóm bác sĩ Bệnh viện đại học Y dược TPHCM)
- Hoa văn trên gốm nung Satsuma: Tâm tình của giới quý tộc Nhật Bản cận đại: Kỹ thuật vẽ men trên men Gosu-blue là bí quyết độc quyền của gia tộc lãnh chúa Shimazu (島津): đó là kỹ thuật trang trí hình họa thuần tả thực thiên nhiên được mạ vàng thật rồi hoàn thiện bằng men màu, với sắc xanh cobalt chủ đạo. Trước khi được thế giới biết đến và ngưỡng mộ, Satsuma Gosu-blue được tạo tác chủ yếu dùng cho Trà đạo (茶道) và Hương đạo (香道); cung cấp đồ ngự dụng cho hoàng tộc và các đại gia tộc Nhật Bản trong suốt 250 năm (1617-1867) - dưới thời Mạc phủ Tokugawa áp đặt Sakoku (鎖国, tỏa quốc) và Kaikin (海禁, hải cấm). (TS. Trương Đình Bảo Long)
- Kinh tế các nước sống chung với dịch: Hàn Quốc và Nhật Bản: Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước phát triển hiếm hoi trong khu vực Đông Á. Thế nhưng dịch bệnh tại 2 quốc gia này gần đây bùng phát dữ dội, khiến cả Seoul và Tokyo phải ban bố lại các biện pháp giãn cách, đe dọa sự phục hồi kinh tế đang được nhiều kỳ vọng. (Vĩnh Cẩm)
- CEO Lee Seung Gun: Kỳ lân ngành công nghệ tài chính: Viva Republica, công ty đứng sau ứng dụng Toss với hơn 40 dịch vụ tài chính vừa công bố đã huy động được 410 triệu USD với mức định giá sau gọi vốn 7,4 tỷ USD. Sau 8 lần thất bại trong suốt 10 năm kể từ khi thành lập, giờ đây Toss đã trở thành công ty fintech lớn nhất Hàn Quốc và cũng là một trong những công ty fintech tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Đây là thành quả ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của nhà sáng lập Toss, CEO Lee Seung Gun. (Yên Huỳnh)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác