Đón đọc ĐTTC bộ mới số 119 phát hành thứ hai ngày 4-10-2021

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 119 phát hành ngày 4-10-2021 với nhiều chuyên mục:
- Cần bộ tiêu chí cấp độ dịch linh hoạt: TPHCM đã đề xuất bộ quy định riêng để mở cửa nền kinh tế, trong đó đề xuất thay chỉ tiêu ca bệnh bằng chỉ tiêu số ca nặng và tử vong/100.000 dân/tuần. Đây là đề xuất hợp lý và cần được xem xét. Bộ tiêu chí “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo sát các đề xuất của WHO và có tính khoa học, đáng để tham khảo. Tuy nhiên, nó không phải là hướng dẫn của WHO, cũng không phải là bộ tiêu chí duy nhất. (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)

- Ứng phó đại dịch Việt Nam cần chương trình tài khóa lớn: Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng sức khỏe mà hệ lụy của nó là mạng sống con người, cũng như tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là thách thức nghiêm trọng nhất trong một thế hệ qua. Thời gian qua, khoản ứng phó tài khóa của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng thực tế nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi lẽ phải kiềm chế bội chi ngân sách của chính phủ để ngăn tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên, có khả năng gây ra lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán. Mặc dù logic này có giá trị trong những giai đoạn bình thường, nhưng phải thừa nhận rằng giãn cách xã hội và phong tỏa là tình huống rất bất thường, đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt. (Terence Jones, Quyền Trưởng đại diện Thường trú của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam)

- Chính sách tài khóa - tiền tệ trong hoàn cảnh đặc biệt: Trong 2 năm 2020-2021 bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, ngân sách nhà nước (NSNN) và doanh thu của doanh nghiệp (DN) eo hẹp vì thu giảm, chi tăng do hệ quả tất yếu khi buộc phải giãn cách hơn 3 tháng qua tại nhiều địa phương, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Hiện Chính phủ đang nỗ lực tính toán để có thêm nguồn hỗ trợ cho DN và người dân. Trong hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn chồng chất theo những cách chưa bao giờ có như hiện nay, cần mạnh dạn thực hiện những giải pháp đặc biệt, mới hy vọng sự chuyển biến có tính đột phá. (TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ)

- Nuôi dưỡng nguồn thu, chi tiêu hợp lý: Một động thái được nhiều nhà quan sát kỳ vọng hiện nay là nền kinh tế đang từng bước mở cửa theo phương châm “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Theo đó, việc xây dựng chính sách tài khóa năm 2021 và xa hơn là giai đoạn 2021-2025 cần điều chỉnh lại các nội dung cả thu và chi cho phù hợp. Cụ thể, dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn, chắt chiu từng đồng vốn, đồng thời với các giải pháp “khoan thư sức dân” để nuôi dưỡng nguồn thu. (Anh Thư)

- Thời kỳ bất thường, chính sách vẫn bình thường là “bất bình thường”: Cú sốc Covid-19 tại Việt Nam khiến cho ngày càng xuất hiện ý kiến nhiều chuyên gia đề xuất các cơ quan quản lý tài khóa và tiền tệ cần phải dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Đã đến lúc Chính phủ nên vay thêm nợ, tăng trần nợ công đủ mạnh hỗ trợ nền kinh tế hồi phục từ đại dịch. Không gian chính sách tiền tệ nhiều nước ngày nay hầu như khô cạn vì lãi suất đang ở mức thấp hoặc âm, hầu hết các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi giờ đang chuyển sang điều mà các nhà kinh tế gọi là giai đoạn “thống lĩnh tài khóa”, tức chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo trong hồi phục kinh tế. Cùng có kẻ thù chung Covid-19 giống các nước, Việt Nam xem ra cũng không thể tránh khỏi xu hướng chính sách tài khóa chủ đạo. Nhưng để hiểu đúng chủ đề này, trước hết chúng ta thử tìm hiểu vì sao chính phủ các nước lại tự trói mình vào mức trần nợ công? (GS.TS Trần Ngọc Thơ)

- Mở cửa: Doanh nghiệp rất cần tiền để hoạt động: Mở cửa kinh tế trở lại trong bối cảnh vẫn sống chung với dịch đặt ra vấn đề mở thế nào doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định và người dân được an toàn, là điều đang được quan tâm. Cần trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch riêng của họ, thay vì áp dụng quy định chung cho tất cả. Bởi chính quyền địa phương mới nắm rõ tình hình của mình. (TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH)

- Chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn: Gần 4 tháng kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, để cứu nguy cho các doanh nghiệp (DN) Chính phủ và nhiều địa phương đang xây dựng kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mở cửa cần phải dựa vào chính sách tiền tệ và tài khóa mới phục hồi nền kinh tế. Cần phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách trên GDP cao hơn trong bối cảnh Việt Nam vẫn có dư địa tốt trong chính sách tài khóa, để phục vụ cho chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế. (Yên Lam)

- Phải thích ứng Covid-19, gỡ bỏ phong tỏa: Đã đến lúc phải thẳng thắn nhận diện những hạn chế trong phương pháp phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới lựa chọn các phương án gỡ bỏ phong tỏa và giãn cách xã hội, đưa người dân trở về cuộc sống bình thường mới và phát triển kinh tế.  (TS.BS Trần Tuấn, chuyên gia y tế công cộng)

- Nên để TPHCM chủ động, linh hoạt mở cửa: Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để TPHCM chủ động và linh hoạt hơn trong việc mở cửa phục hồi lại kinh tế, cũng như vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19, thay vì áp dụng những tiêu chí cứng nhắc như hiện nay. TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương. Bản thân sự phát triển kinh tế TPHCM còn có ý nghĩa là động lực vùng kinh tế Đông Nam bộ, nên vai trò TP rất lớn. (Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế)

- Làn sóng lao động hồi hương rào cản trong phục hồi kinh tế (Bài 2):  Đón người lao động quay trở lại: Khi các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng được áp dụng ở TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, đã tạo ra một làn sóng di chuyển lao động lớn chưa từng có. Do vậy nếu mở cửa mà không có các giải pháp hữu hiệu để kéo những người lao động này quay trở lại thì quá trình khôi phục sản xuất để thúc đẩy phục hồi kinh tế sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đón họ trở lại như thế nào nhưng vẫn an toàn chống dịch. (PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS. Tô Công Nguyên Bảo, Đại học Kinh tế TPHCM)

- Mô hình nào cho trẻ mồ côi trong đại dịch: Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, kinh tế sẽ hồi phục, mọi chuyện rồi sẽ bình thường trở lại. Nhưng có những hệ quả để lại, những mất mát dường như không thể bình thường được. Cho đến hôm nay hơn 1.500 cháu bé mồ côi vì covid ở TPHCM, con số này chắc chưa dừng lại bởi dịch vẫn còn đang hoành hành. Chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và cả xã hội quan tâm, có những đơn vị muốn xắn tay áo vào ngay lập tức như FPT. Nhưng cũng có nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí mâu thuẫn nhau. Vậy ta nên làm gì và lựa chọn mô hình nào cho hợp lý. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TPHCM)

- Doanh nghiệp dệt may nguy cơ bể kế hoạch: Chính sách siết chặt giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phía Nam đã đẩy nhiều doanh nghiệp dệt may đang niêm yết vào tình thế cực kỳ khó khăn. Dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm là gam màu sáng, nhưng cũng không thể cứu doanh nghiệp thoát năm kinh doanh thất bát. (Kim Giang)

- Chứng khoán phải sẵn sàng cho tình huống xấu: Loạt thông tin bất lợi với TTCK giai đoạn cuối quý III đã “mở màn” với số liệu vĩ mô tiêu cực: Tăng trưởng GDP quý III âm 6,17% so với cùng kỳ. Giữa thời điểm “trũng” thông tin hỗ trợ, mạch số liệu vĩ mô lẫn vi mô trong vài tuần tới sẽ đẩy thị trường vào giai đoạn khó khăn nhất, mà nếu vượt qua cơ hội tăng trưởng mới sẽ đến. (Nguyên Hà)

- Những trăn trở của doanh nghiệp khi mở cửa: Mở cửa trở lại nền kinh tế là điều DN nào cũng mong mỏi. Mỗi DN cũng đang chuẩn bị những kế hoạch thích hợp cho giai đoạn bình thường mới. Thế nhưng vẫn còn nhiều trăn trở vì có những điều tự thân DN không thể giải quyết được. Suốt hơn 2 tháng qua, DN sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ càng làm càng lỗ do chi phí tăng cao, gây thiệt hại nặng nề cho DN. Các DN đang kiệt sức nên khi trở lại rất cần sự trợ lực của Trung ương và địa phương. (Thanh Dung)

- Những lưu ý khi xác định chi phí được khấu trừ: Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), doanh nghiệp (DN) phát sinh các khoản chi phí liên quan đến việc tạo ra doanh thu. Còn với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc các công ty con trong cùng tập đoàn ở Việt Nam, do đặc thù của mô hình quản lý kinh doanh, các công ty cũng thường phát sinh các khoản thanh toán cho dịch vụ cung cấp cho nhau. Và các khoản chi phí này thường bị xem là chi phí nhạy cảm, có thể bị loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN (TNDN). (Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Điều hành, dịch vụ Tư vấn và Thuế  KPMG Tax and Advisory Limited)

- Doanh nghiệp BĐS: Sẵn sàng thích ứng khi thị trường mở cửa: Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng thị trường BĐS chỉ thực sự có sức sống khi các hoạt động kinh tế được trở lại nhịp sống bình thường. Sau gần 4 tháng giãn cách, đích bình thường mới vẫn còn lơ lửng phía trước. Tuy nhiên hầu hết DN đều có sự chuẩn bị để hoạt động đầu tư kinh doanh sẵn sàng bắt nhịp khi được phép hoạt động trở lại. (Đỗ Trà Giang)

- Công nghệ thân thiện môi trường (Nhã Trúc)

- "Cơn giông" đáng nhớ trong mùa dịch (Gia Quan)

- Từ cách ly đến mở cửa: Nhìn từ các nước: Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, các nước trên thế giới đều tiến hành những đợt khóa cửa và mở cửa ở nhiều tầm mức khác nhau. Trong khi đó, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung việc mở cửa trở lại sau làn sóng Covid lần thứ tư đầy thử thách. ĐTTC xin điểm lại kinh nghiệm đóng-mở cửa từ các nước. (Vĩnh Cẩm)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác