Đón đọc ĐTTC bộ mới số 19 phát hành thứ hai ngày 12-8

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 19 phát hành ngày 12-8 với nhiều chuyên mục:

- Khai hỏa chiến tranh tiền tệ: Sau gần 1/4 thế kỷ (từ năm 1994), Mỹ đã chính thức cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ - phát pháo hiệu để khởi đầu một cuộc chiến tranh tiền tệ. Vậy làm sao để biết dấu hiệu của chiến tranh tiền tệ? Đó là khi các nhà hoạch định chính sách cố tình làm giảm tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế cạnh tranh. Một đồng nội tệ yếu hơn sẽ giúp quốc gia đó có thể xuất khẩu hàng hóa rẻ hơn, mang lại lợi thế cạnh tranh trong ngoại thương. (Văn Cường)

- Sự lên ngôi của các tài sản thay thế: Cuộc chiến tranh tiền tệ chưa từng có tiền lệ đã được kích hoạt. Trong đó các bên bỏ qua tất cả quy định và luật lệ về tài chính tiền tệ để áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc trả đũa nhau trong lĩnh vực tài chính. Và trong bối cảnh các đồng tiền chủ chốt hạ giá, nhà đầu tư tất yếu tìm đến những tài sản thay thế, đặc biệt là vàng, hay trái phiếu chính phủ có lợi suất âm (như trái phiếu chính phủ Đức)… (Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)

- Việt Nam cũng không ngoại lệ: Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ lãi suất 0,25%, Trung Quốc đã để đồng NDT giảm giá. Sự kiện này đặt ra câu hỏi về cách ứng xử của chính sách tiền tệ Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng. Nhận định vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng từ đây đến cuối năm, NHNN vẫn tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt đã đề ra. Vì thế, tại thời điểm này chưa cần thiết phá giá VNĐ, mà cần theo dõi tình hình để có những bước đi phù hợp. (Yên Lam)

- Ảnh hưởng từ cuộc chiến là khó tránh: Trao đổi với ĐTTC xoay quanh những vấn đề về thị trường tài chính toàn cầu khi cuộc chiến thương mại đang leo thang và lằn ranh cuộc chiến tiền tệ đang nóng lên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBKE), cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ làm dấy lên nhiều lo ngại, bởi Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động khi NDT yếu đi. Nguy cơ lớn nhất là các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc ngay ở trong nước. (Hải Hồ)

- Muốn tránh sốc, phải linh hoạt: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bước sang một giai đoạn mới khi cuộc chiến tranh tiền tệ đang gần lằn ranh. Cuộc chiến này sẽ tiếp tục đi đến đâu, hệ quả của cuộc chiến này với kinh tế toàn cầu là điều không dễ dự báo. Trong bối cảnh áp lực từ nhiều phía, chính sách điều hành tỷ giá cũng như chính sách tiền tệ nói chung vẫn cần linh hoạt, tránh những cú sốc. (Ngọc Quang)

- Vàng tăng ảnh hưởng chính sách tiền tệ: Trước xu hướng giá vàng tăng nóng, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), cho rằng, có thể nói, ngay lúc này đà tăng của vàng có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, vì người dân có thể rút tiền gửi ở một số khoản ngắn hạn với lãi suất chỉ 5%/năm đổi ra mua vàng. Từ nay đến cuối năm, xu thế này chắc chắn ảnh hưởng đến dòng tiền gửi, kể cả sẽ có một dòng điều chuyển từ thị trường chứng khoán, hoặc từ những dự án bất động sản, nếu nhà đầu tư cảm thấy đã có lời và tất toán được. Đó là về những mô hình đầu tư đang dang dở. Ngoài ra, đã có hiện tượng nhiều người có tiền nhàn rỗi để mua vàng. (Yên Lam)

- Kinh tế thế giới bất ổn khi vàng tăng: Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính), cho biết giá vàng thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây ngoài tác động từ thương chiến Mỹ - Trung, còn là chỉ dấu của bất ổn kinh tế thế giới. Giá vàng thế giới tăng phi mã cho thấy nền kinh tế thế giới hiện đang cực kỳ bất ổn. Dự báo trong vòng 6-9 tháng nữa, kinh tế Mỹ và cả thế giới sẽ bước vào thời kỳ khủng hoảng mới. (Lưu Thủy)

- Khoảng trống pháp lý BĐS “giả, lậu và ma”: Thị trường BĐS nhiều năm qua xuất hiện loại hàng hóa giả, lậu và ma. Các hàng hóa này khi bán trên thị trường đều gây thiệt hại cho người mua và người bán, thu lợi bất chính. Hàng hóa BĐS đều có giá trị khá cao, mỗi căn hộ, ngôi nhà, thửa đất đều được tính theo đơn vị tỷ đồng, cả tòa chung cư lớn tới cả ngàn tỷ đồng. Lừa dối với giá trị cao như vậy nhưng ít khi bị xử lý, khi bị xử lý cũng không làm chủ đầu tư động tâm. Phải chăng do chính sách còn khoảng trống pháp lý khiến pháp luật hình sự, dân sự và chuyên ngành đã đủ để xử lý nhưng vẫn khó xử lý? (GS.TSKH Đặng Hùng Võ) 

- Vận tải biển cần “cú hích” chính sách: Trong tháng 9, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị về phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển. Trước hội nghị này, nhiều kỳ vọng Chính phủ sẽ có chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang ngụp lặn trong thua lỗ, kể từ sau đợt suy thoái kinh tế năm 2008. (Đỗ Thanh Tùng, CTCK Rồng Việt -VDSC)

- Tìm lợi nhuận từ cho vay bán lẻ: Từ đầu năm đến nay, các NH liên tục giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cũng như có nhiều gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh. Kết quả này có sự đóng góp lớn từ sự chuyển dịch cơ cấu từ cho vay bán buôn sang cho vay bán lẻ. (Thiên Minh)

- BSR “vùi dập” tài khoản nhà đầu tư: Từ vị thế của một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận khủng trên TTCK, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) bất ngờ báo lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV-2018. Kết quả này khiến giá CP liên tục đi xuống và BSR trở thành nỗi ám ảnh của NĐT đang nắm giữ cổ phần. Nếu tính từ giá tham chiếu 22.400 đồng/CP, BSR giảm 55%. Còn nếu tính từ đỉnh 31.300 đồng/CP trong phiên chào sàn, BSR đã giảm khoảng 75%. Đây là con số khủng của NĐT đang nắm giữ cổ phần tại BSR, trong đó có cả những tổ chức được đánh giá là “lão làng” trên TTCK. (Kim Giang)

- Chiến lược giao dịch từ tháng 8: 2 thông điệp đưa ra đầu tháng 8 đã gây ra cú sốc lớn đối với kinh tế thế giới cũng như kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam: giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với NĐT, chiến lược đầu tư nào trong thời gian này, nhất là từ tháng 8? Tháng 7 âm lịch mà người Việt ngại đầu tư đã bắt đầu, thị trường điều chỉnh cùng pha với diễn biến điều chỉnh tiêu cực của TTCK toàn cầu. Vậy NĐT cần áp dụng chiến lược giao dịch nào để bảo toàn vốn và kinh doanh cổ phiếu (CP) có lãi? Động thái đứng ngoài thị trường hay bắt đáy từng phần? Mua trung bình giá xuống hay bán cắt lỗ? Tuân thủ trường phái đầu tư giá trị là mua bán CP theo xu hướng (trend) tăng của các CP khu công nghiệp, tiện ích, cao su? (TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK Dầu khí)

- Chuyển đổi đất KCN thành KDC: Hệ lụy đã được báo trước: Việc xén đất khu công nghiệp (KCN) để phân lô bán nền đi ngược với chủ trương di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư (KDC), để lại hệ quả nặng nề cho mai sau. Việc Long An đang ồ ạt chuyển một phần KCN thành KDC, không khác gì người dân sống chung với nhà máy. Liệu có đi theo vết xe đổ của KCN Biên Hòa I Đồng Nai? (Tuấn Quang)

- Hàng trăm dự án “tắc” vì bất nhất thủ tục: Hàng trăm dự án đầu tư nhà ở đã được UBND TPHCM có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc công nhận chủ đầu tư, nhưng vẫn không thể đưa vào triển khai do quy định của các luật liên quan “đá nhau”. Hàng loạt vướng mắc trong quy định đầu tư, cấp phép xây dựng… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. (Đỗ Trà Giang)

- Nét quyến rũ phòng ngủ (KTS BK Nguyen)

- Phong vị mùa chay tại The Reverie Saigon (Thái Hà)

- Top 3 mẫu xe điện hiện đại sắp ra mắt (Hải Đăng)

- Lá mỏ quạ chữa vết thương phần mềm (BS Phan minh Trí, Viện Y dược học dân tộc TPHCM)

- Chuyện tình cựu tổng thống Mỹ: Cuốn hồi ký “Chất Michelle” của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama vừa được ấn hành tại Việt Nam. Qua lời kể chân thật và phóng khoáng của người vợ, hình ảnh cựu Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã hiện ra cực kỳ sinh động. Và chuyện tình của họ cũng khiến công chúng phải ngạc nhiên thú vị. (Tuy Hòa)

- Venice: Thành phố trên biển: Nằm ở phía Đông Bắc nước Ý, có thể hình dung thành phố Venice giống như một mạng nhện khổng lồ được tạo thành bởi 118 đảo và 175 kênh đào, các đảo nối với nhau bởi 444 cây cầu. Venice là điểm gặp nhau của các tuyến thương mại đường biển giữa một phần Tây Âu rộng lớn và vùng còn lại của thế giới. Venice trong quá khứ từng là một đế quốc hàng hải, một khu vực chuẩn bị cho các cuộc Thập tự chinh, và là một trung tâm thương mại quan trọng của châu Âu thời kỳ Phục hưng. Còn hiện nay Venice là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của nước Ý, bởi sở hữu vô vàn những điều độc đáo. (Phạm Hoàn Khải, Youtube: Fahoka Xê Dịch)

- Giao thoa Đông - Tây qua những bộ trà Satsuma: East India Company là Công ty Đông Ấn của Hà Lan duy nhất được phép giao thương với Nhật Bản qua 4 cửa khẩu, trong đó có phiên Satsuma, bởi thời Mạc Phủ Tokugawa áp dụng chính sách Tỏa quốc và Hải cấm từ 1633-1853. Đến năm 1765, Công ty Đông Ấn vẫn duy trì xuất khẩu trà chiếm tới 90% lượng hàng, cùng với phần còn lại là “gốm sứ China” thực sự đã vinh danh Nhật Bản và Trung Hoa vùng Viễn Đông. (TS. Trương Đình Bảo Long)

- Cuộc chiến Mỹ - Trung chưa thấy hồi kết: Sẽ thật khó hiểu nếu một ai đó mong muốn giá trị tài sản của mình đang nắm giữ bị vơi đi, nhưng thao túng tiền tệ trong câu chuyện của Trung Quốc lại có dáng dấp kiểu như vậy. Nhưng thực ra cái đích nhắm đến là lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, bởi lẽ giá hàng hóa xuất khẩu luôn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái. Siêu cường quốc thường có chiến lược sắc bén, và vì thế mà bối cảnh kinh tế những năm sắp tới thực sự dù có cố lý giải thì nó vẫn là một dấu chấm hỏi lớn. (ThS. Đinh Hạ Vân, Đại học Boras, Thụy Điển)

- CEO Tadashi Yanai: Bậc thầy xử lý khủng hoảng: Tadashi Yanai, Chủ tịch Tập đoàn bán lẻ Fast Retailing, CEO và là nhà sáng lập thương hiệu bán lẻ thời trang dân dụng Uniqlo. Khởi đầu sự nghiệp từ công ty gia đình, sau 40 năm ông đã có cho riêng mình một đế chế bán lẻ thời trang dân dụng Fast Retailing hàng đầu thế giới, với sự xuất hiện của 1.600 cửa hàng thương hiệu Uniqlo hiện diện tại 16 quốc gia. (Thiên Bảo)

Và nhiều chuyên mục khác...

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác