Đón đọc ĐTTC bộ mới số 21 phát hành thứ hai ngày 26-8

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 21 phát hành ngày 26-8 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 21 phát hành thứ hai ngày 26-8 ảnh 1
- Tìm lời giải cho chính sách fintech: Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), bắt kịp các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, cho thấy để quản lý fintech hiệu quả phải tìm được “điểm cân bằng chung” giữa khuyến khích phát triển và kiểm soát. Còn nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng, chỉ mở cửa từng bước, fintech Việt Nam sẽ rơi vào lại nhóm trung bình và không thể phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng. Việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực fintech ở mức 30% hoặc 49% sẽ gây quan ngại cho các nhà đầu tư. (Lưu Thủy)
- TPHCM-Indonesia kết nối tiềm năng, lợi thế: Trong khuôn khổ chuyến thăm Indonesia (từ ngày 21 đến 24-8), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với các bộ, ngành và doanh nghiệp Indonesia, tìm hiểu tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế của Indonesia, các giải pháp tăng cường cơ hội hợp tác giữa Indonesia với TPHCM. Bí thư Thành ủy nêu rõ quan điểm và mong muốn của TPHCM là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại TPHCM, mang lại lợi ích cho cả 2 bên. TPHCM cam kết lấy sự hài lòng của các doanh nghiệp là tiêu chí cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM. (Kiều Phong) 
- Từ cách tiếp thị hồ tiêu Quảng Trị tại Mỹ: Trong chương trình "Quảng bá địa phương Việt Nam tại Mỹ" do Bộ Ngoại giao tổ chức, Quảng Trị đã giới thiệu hạt tiêu trồng tại địa phương, sản phẩm có từ thời các chúa Nguyễn, thương gia nước ngoài đã tìm đến mua mang về nước, xem tiêu như "vàng đen". Ngay sau đó, Tập đoàn Noble House Spice đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Thương mại Quảng Trị về việc hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tiêu Quảng Trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Câu chuyện này cho thấy, mỗi địa phương cần chọn cho mình chiến lược phát triển dựa trên thế mạnh riêng, không giẫm chân nhau, làm lệch lạc hướng đi trong khai thác tiềm năng sẵn có tại các địa phương. (Văn Thắng)
- Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất bị đẩy lên cao: Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm, cũng như không để doanh nghiệp quá dựa vào vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu trở thành kênh huy động được các doanh nghiệp ngày càng quan tâm, lựa chọn. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã cạnh tranh nâng lãi suất lên quá cao đã gây nhiều rủi ro. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, UBCKNN và NHNN rà soát quy định cụ thể việc phát hành trái phiếu này. Nếu có dấu hiệu bất thường, thiếu an toàn, minh bạch phải chấn chỉnh ngay. (Yên Lam) 
- Đặt cược tăng trưởng hay an toàn hệ thống?: Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh đã cảnh báo như vậy trước việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng 2 năm trở lại đây. Và để chuẩn bị cho tình hình xấu nhất, ông Tuấn kiến nghị Nhà nước có thể phải dự trù một giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu trong bối cảnh đổ vỡ có thể xảy ra, chẳng hạn như vỡ nợ dẫn đến bán tháo trái phiếu hàng loạt.
- Trái phiếu chính phủ lãi suất thấp khó huy động: Trong các năm trở lại đây, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu liên tục giảm, trong khi lượng đặt thầu/gọi thầu vẫn khá cao. Điều này cho thấy khoảng cách nhất định trong quan hệ cung cầu khi mức lợi tức chưa đáp ứng được nhu cầu của bên mua. (Đỗ Linh)
- Trái phiếu chính phủ Mỹ: Lợi suất dài hạn hướng về zero: Nghịch lý thị trường Mỹ, cầu vốn vay tăng nhưng kỳ vọng lợi suất dài hạn lại giảm. Đường cong lợi suất đảo ngược từ năm 2018 dấy lên tâm lý lo ngại suy thoái. Và sự e ngại rủi ro thêm cao trào khi đường cong chênh lệnh lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,714%, thấp hơn cả lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, ở mức dưới ngưỡng zero. Đó có phải là chỉ báo về một cuộc suy thoái kinh tế đang đến gần? Đường cong lợi suất, đường cong chênh lệch cấu trúc kỳ hạn trái phiếu chính phủ, là tín hiệu tin cậy trong dự báo suy thoái kinh tế trong quá khứ. Nó đã dự báo đúng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. (ThS. Đinh Hạ Vân, Đại học Boras, Thụy Điển)
- Lãi suất trái phiếu càng cao, rủi ro càng lớn: Thị trường chứng khoán (TTCK) đang tồn tại nghịch lý là các doanh nghiệp (DN) niêm yết, đặc biệt là DN bất động sản (BĐS) phát hành trái phiếu (TP) thay vì huy động vốn giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu (CP). Cuộc đua phát hành TP khiến cho mặt bằng lãi suất của loại hình này tăng cao, thậm chí còn cao hơn nếu so với lãi suất ngân hàng (NH). Tuy nhien, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBKE), cảnh báo hầu hết các DN phát hành TP đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, trong khi bản cáo bạch phát hành TP lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro với NĐT khi các DN phát hành bị phá sản, trong khi TP không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh. (Hải Hồ)
- Phải có đơn vị xếp hạng để hạn chế rủi ro: Đó là ý kiến của TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK Dầu khí, khi nói về việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang cạnh tranh nhau bằng việc nâng lãi suất lên cao. Ông Khánh khuyến nghị nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ chất lượng trái phiếu, tổ chức phát hành, đơn vị bảo lãnh, và xa hơn là cần vai trò của đơn vị xếp hạng trái phiếu để hạn chế rủi ro.
- Lách trần huy động bằng chứng chỉ tiền gửi: Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lãi suất 10-12%/năm đang được phát hành với mật độ dày đặc, trở thành kênh đầu tư cạnh tranh với các kênh khác, đặc biệt là kênh tiền gửi NH. Trong bối cảnh đó, các NH không những mạnh tay tăng lãi suất kỳ hạn dài, còn đẩy lãi suất chứng chỉ tiền gửi (CCTG) lên hơn 10%/năm. Trong khi gửi tiết kiệm dài hạn, người gửi cần tiền có thể rút trước hạn và chấp nhận lãi suất không kỳ hạn. Nhưng khi tham gia CCTG, NH có các yêu cầu ràng buộc khách hàng trong kỳ hạn dài cố định, không được phép rút tiền, nếu cần tiền chỉ có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố CCTG để vay lại. (Thiên Minh)
- SIP tăng bất thường: Bất động sản khu công nghiệp (KCN) được kỳ vọng là ngành hưởng lợi nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thế nhưng, việc CP tăng hơn 8 lần sau khi niêm yết của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), đã khiến giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi. Có lẽ phải đợi sau ngày 6-9, giới đầu tư mới xác định được ai là người chấp nhận bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để sở hữu số cổ phần của ban lãnh đạo thoái vốn. Và đó cũng là thời điểm để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra kết luận: SIP có bị làm giá để trục lợi không. (Kim Giang)
- Kỹ năng nhận diện cơ hội đầu tư: Hiện nay, không nhiều nhà đầu tư (NĐT) nắm bắt được cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu (CP) niêm yết trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCoM. Bởi lẽ bởi họ không hiểu được yếu tố nào khiến các CP tăng giá, tiêu chí nào đánh giá CP trước khi đầu tư. Quá trình đầu tư luôn thử thách NĐT về khả năng phân tích độc lập, kỹ năng phân tích cơ bản, kinh nghiệm giao dịch thực tế cũng như khả năng quản lý danh mục hợp lý. (TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK Dầu khí)
- Bất cập 100% đất ở và chọn nhà đầu tư: Kể từ ngày 1-7-2015 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) đến tháng 8-2018, Sở Xây dựng trình và đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc công nhận chủ đầu tư đối với 170 dự án nhà ở thương mại (NoTM). Phần lớn dự án này trước đây đã được UBND TP cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở (cũ). Từ năm 2016 đến nay, UBND TP, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp đã có nhiều báo cáo lên Chính phủ đề nghị giải quyết vướng mắc do quy định dự án NoTM phải có 100% đất ở mới được chỉ định chủ đầu tư. (Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM)
- Hồi sinh khu du lịch Kê Gà: Suốt gần 2 thập niên, cụm resort mũi Kê Gà tỉnh Bình Thuận rơi vào tình trạng điêu tàn do bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án Cảng Kê Gà của Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV). Sau khi quy hoạch cảng bị xóa bỏ, Bình Thuận đang khẩn trương đầu tư đồng bộ hạ tầng kết nối, tạo điều kiện phục hồi dự án cũ, thu hút đầu tư, đặc biệt các tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô, đẳng cấp, nhằm hồi sinh diện mạo du lịch vùng biển tuyệt đẹp này. (Minh Tuấn)
- Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Làm sao để quản lý hiệu quả hộ kinh doanh không phải là vấn đề mới, nhưng có nên đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (DN) hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. ĐTTC đã trao đổi với LS. Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Luật Việt Tín Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TPHCM, về vấn đề này dưới góc nhìn về luật. (Thanh Lâm) 
- Sang trọng phụ kiện da cá sấu đen (Việt Khuê)
- Ẩm thực chay tại Windsor (Thái Hà)
- Top 3 mẫu xe hiếm nhất thế giới (Trần Đăng)
- Tiểu đường và những biến chứng về mắt (BS. Đoàn Hồng Dung, nguyên Phó Trưởng khoa đáy mắt, Bệnh viện mắt TPHCM)
- Đằng sau hào quang “Vợ chồng A Phủ”: Truyện và phim Vợ chồng A Phủ đã trở thành tác phẩm kinh điển trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, thể hiện bức tranh hiện thực sinh động của đồng bào vùng cao Tây Bắc từ bóng đêm nô lệ bước ra ánh sáng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đó là mối lương duyên đẹp và kỳ lạ giữa 2 tâm hồn và tài năng lớn là nhà văn Tô Hoài và đạo diễn Mai Lộc, từ thuở nền văn học và điện ảnh cách mạng Việt Nam còn sơ khai… (Hùng Phan)
- Roma - Thủ đô nhiều di tích: Rome, thủ đô của Italia, nơi có vô vàn cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều di sản văn hóa đặc trưng, có lượng du khách tham quan đứng thứ 3 tại châu Âu sau Paris (Pháp) và London (Anh). Nơi đây còn được gọi là thành phố Vĩnh Hằng, hay Kinh đô của thế giới, vì ngày xưa nó là trái tim của đế chế La Mã và ngày nay là trung tâm của Kito giáo. (Phạm Hoàn Khải, Youtube: Fahoka Xê Dịch)
- Triều đại tướng quân trên gốm SATSUMA: Lịch sử Nhật Bản ghi nhận 3 triều đại Mạc Phủ liên tục tiếm quyền Nhật Hoàng (1167-1867). Do ảnh hưởng phong kiến Trung Hoa thời Tam Quốc, các tướng quân ra trận vốn thường trú trong các nhà vải, nên khi chiến binh Samurai thống nhất giang sơn sau nội chiến đã sáng lập "nền chính trị võ gia", họ giữ luôn quyền cai trị với danh nghĩa Đại Tướng quân. (TS. Trương Đình Bảo Long)
- Tài phiệt Hồng Kông trong cơn khủng hoảng: Theo dữ liệu của Financial Times (FT), tính đến ngày 16-8, sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã làm bốc hơi khoảng 15 tỷ USD giá trị tài sản ròng của 10 ông trùm giàu có nhất thành phố, khi những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ngày càng gay gắt. (Văn Cường)
- "Cảng Thơm" biến thành “chảo lửa”: Hồng Kông là một vùng lãnh thổ có môi trường kinh doanh vào loại tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện thành phố “cảng thơm” này không chỉ là tâm điểm chú ý của giới kinh doanh, còn là “chảo lửa” đối với lãnh đạo nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia, vì phải chịu đựng áp lực từ 2 phía. (Anh Thư)
-Jean-Claude Biver: Huyền thoại ngành đồng hồ Thụy Sĩ: Trong suốt hơn 40 năm sự nghiệp của mình, CEO Jean-Claude Biver đã khiến cho báo giới tốn không ít giấy mực để nói về những thành tựu lừng lẫy của ông trong ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ. Ông đã ra tay vực dậy hàng loạt thương hiệu đồng hồ đeo tay nổi tiếng trước nguy cơ tan rã trong cuộc “cách mạng đồng hồ quartz” như Blancpain, Omega, Hublot và TAG Heuer. Ông được xem là vua Midas, chạm tay biến mọi thứ thành vàng, của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. (Thiên Bảo) 
Và nhiều chuyên mục khác...
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác