Đón đọc ĐTTC bộ mới số 51 phát hành thứ hai ngày 20-4-2020

Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 51 phát hành ngày 20-4-2020 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 51 phát hành thứ hai ngày 20-4-2020 ảnh 1
- Cần giải pháp toàn cầu thay vì chương trình giải cứu: Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã trở thành một vấn đề ở cấp độ toàn cầu và bài toán kinh tế giờ đây cần được giải quyết bằng những giải pháp toàn cầu. Việc cả thế giới lao vào cuộc đua tìm kiếm vaccine và thuốc điều trị có lẽ là bước quan trọng đầu tiên. Nhưng làm thế nào để phục hồi các nền kinh tế sau trạng thái “ngủ đông”, cần những gì để đốt nóng động cơ tăng trưởng giờ đây là những bài toán đặt ra cho cộng đồng quốc tế, đòi hỏi sự đồng thuận và chung tay bởi nhiều quốc gia. Chẳng hạn như các nước đang phát triển không thể học theo và cũng không đủ nguồn lực để tung ra các gói hỗ trợ kinh tế tốn kém và chi phí đắt đỏ, gồm cả các hệ lụy kèm theo trong dài hạn. (PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo)
- Phải chấp nhận giảm thu nhưng chi nhiều: Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, lúc này có 2 điểm quan trọng. Thứ nhất, trong thế giới bất định hiện nay chính sách, doanh nghiệp phải “nương theo” để tính từng bước. Thứ hai, khi nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn phải đầu tư. Cụ thể, khi nền kinh tế tốt, chi tiêu công ít để dành cho khu vực tư nhân. Khi nền kinh tế yếu, khu vực tư nhân khó khăn, ngân sách phải chi ra, đầu tư công trở thành động lực, tức phải chấp nhận ngân sách thu ít nhưng chi nhiều. (Hà Linh thực hiện)
- Khó khăn kép với chính sách tài khóa: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng Việt Nam không còn nhiều không gian tài khóa cho các biện pháp kích cầu. Bởi bên cạnh suy giảm nguồn thu, chúng ta lại phải đưa ra các gói cứu trợ kinh tế chưa có tiền lệ, lấy ra trực tiếp từ ngân sách. Đây sẽ là áp lực kép đối với chính sách tài khóa năm nay, thậm chí với nhiều năm sau. (Hoàng Sơn thực hiện)
- Vực doanh nghiệp mới phục hồi kinh tế: TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng điều quan trọng nhất là các chính sách của Chính phủ phải đồng bộ và kịp thời để giữ các doanh nghiệp “sống”, không bị phá sản do tác động cực đoan từ dịch Covid-19, bởi doanh nghiệp chính là hạt nhân để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau này. (Lưu Thủy thực hiện)
- Mỹ tái thiết bằng hạ tầng và trái phiếu: Hiện Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Cùng với đó, những biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến kinh tế Mỹ chắc chắn rơi vào suy thoái. Những kế hoạch vực dậy nước Mỹ sau khủng hoảng được đưa ra. Trong đó tập trung tái thiết qua việc cung cấp trái phiếu - nguồn ngân sách cần thiết - cho chính quyền tiểu bang, doanh nghiệp để phát triển và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn. (Văn Cường)
- Trung Quốc xây dựng lại chuỗi cung ứng: Sự gián đoạn chuỗi cung ứng Trung Quốc do tác động của đại dịch Covid-19 tựa như nút cổ chai bóp nghẹt doanh thu các công ty trên toàn thế giới. Cỗ máy khổng lồ đó sau thời gian dài bị “cúm” nay bắt đầu gượng dậy với các hoạt động sản xuất được tái khởi động, với hy vọng sớm nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. (Vĩnh Cẩm - Thủy Vân)
- Châu Âu - Kế hoạch Marshall mới?: Giữa cuộc khủng hoảng Covid-19, Liên minh châu Âu đang xem xét làm thế nào để xây dựng lại các nền kinh tế của lục địa trong những năm sau đại dịch, và tin rằng Kế hoạch Marshall (kế hoạch tái thiết châu Âu sau Thế chiến 2) có thể được tái áp dụng. (Vinh Trang)

- Đất công Khu kinh tế Nhơn Hội bị “xâu xé”: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội tỉnh Bình Định, tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến. Quyết không để sự việc đi quá xa, từ năm 2018 tỉnh Bình Định bắt đầu ra quân mở chiến dịch lập lại trật tự ở KKT này, tuy nhiên việc xử lý cũng rất gian nan. (Xuân Huyên)

- Chọn cổ phiếu “trú ẩn” thời Covid-19: Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu cũng như Việt Nam lao dốc thê thảm. Ảnh hưởng của Covid-19 sâu rộng hơn tất cả thời kỳ khủng hoảng khác trong lịch sử, bởi hiện tại quy mô của các nền kinh tế đã gấp hàng ngàn lần, cũng như lĩnh vực dịch vụ đã chiếm tỷ trọng rất lớn. Tuy vậy trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng luôn tồn tại vài lĩnh vực nào đó hưởng lợi. Đối với dịch Covid-19 hiện tại, cổ phiếu dược hay các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế được cho là hưởng lợi. Tại thị trường Mỹ, trường hợp của cổ phiếu Zoom là thí dụ điển hình của sự lựa chọn thông minh từ nhà đầu tư. (Nguyên Hà)

- Vào thế phải “nuôi” nợ xấu: Đà xử lý nợ xấu đang tiến triển tốt cho đến cuối năm 2019, nhưng bất ngờ xuất hiện nguy cơ bị lật ngược tình thế chỉ trong vài tháng đầu năm 2020. Trước tình hình đó, ngành NH đang nỗ lực kéo giảm sự gia tăng nợ xấu xuống mức thấp nhất. Nhưng để làm được điều này cần thêm nhiều giải pháp tổng thể khác, không chỉ riêng nỗ lực của các NH. Nếu chỉ dùng chính sách tiền tệ như hạ lãi suất hay gói tín dụng hỗ trợ do NH thực hiện sẽ không cứu được DN, đồng nghĩa ngành NH cũng sẽ gánh chịu nợ xấu trong tương lai. (Thiên Minh)

- SJF - Cú “bổ nhào” lịch sử: Đang giao dịch trên mốc 28.000 đồng/CP, mã SJF (CTCP Đầu tư Sao Thái Dương) bất ngờ “bổ nhào” chỉ còn hơn 1.000 đồng/CP trong sự ngỡ ngàng của cổ đông. Điều bất ngờ là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ bị tác động nhưng không quá tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Dù liên tục mua vào khi SJF phá đáy để quân bình giá, nhưng nhiều NĐT vẫn đang lỗ hơn 90% khi giá hiện tại chỉ còn khoảng 1.200 đồng/CP. (Kim Giang)

- Chứng khoán điện tử thời 4.0: Ngành tài chính vốn là xương sống của nền kinh tế, nên trong thời đại 4.0 lại càng quan trọng và đang có tốc độ biến đổi mạnh mẽ. Điển hình như fintech sử dụng các công nghệ mới để cải thiện, nâng cao các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Tuy vậy, đến nay fintech chưa thể thay thế được các dịch vụ tài chính truyền thống, chưa tạo ra được các sản phẩm và dịch vụ hoàn chỉnh, trong khi lại tạo ra sản phẩm lai như ví điện tử. Để tiến tới ứng dụng CKĐT sâu rộng, mang lại hiệu quả cao, ngoài công nghệ, hành lang pháp lý cần phải theo kịp để hỗ trợ đưa những lợi ích của CKĐT vào cuộc sống. (Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng)

- Lợi thế khối ngoại khi dịch qua đi: TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, phân tích tác động kép của đại dịch toàn cầu và những nút thắt pháp lý lâu nay trên thị trường bất động sản (BĐS), đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Cuộc khủng hoảng từ Covid-19 tác động mạnh đến cả nguồn vốn lẫn thị trường BĐS, đặc biệt ở các phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại (TTTM), mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn trong ngắn hạn nhưng sẽ được khống chế. Trong khi nút thắt pháp lý không được tháo gỡ sẽ gây khó khăn cho thị trường BĐS trong dài hạn. (Minh Tuấn)

- Cho tồn tại các hạng mục dự án sai phạm!: Một dự án nhà ở đã bị thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, như xây vượt tầng, sai phạm trong tổ chức, quản lý thi công công trình; sau đó UBND TPHCM ra quyết định xử phạt hành chính hơn 1,6 tỷ đồng và buộc tháo dỡ khắc phục sai phạm… Nay cũng chính UBND TP lại có văn bản đồng ý cho tồn tại một số hạng mục, với lý do nếu tháo dỡ ảnh hưởng đến kết cấu công trình. (Đỗ Trà Giang)

- Linh hoạt xoay chuyển trong dịch: Đại dịch toàn cầu Covid -19 đã gây ảnh hưởng đến hầu hết doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Nhiều DN đang rơi vào cảnh thiếu vốn, thiếu đầu ra, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Đồng hành cùng các DN, Chính phủ cũng nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ. Song trước khi tiếp cận những gói này, không ít DN đặc biệt là DN nhỏ, siêu nhỏ đã linh hoạt tự cứu mình trong dịch. Giải pháp hiệu quả phục hồi thị trường và nền kinh tế hiện nay chính là hỗ trợ vốn cho DNNVV, bởi họ là khu vực tạo ra việc làm chính và việc làm mới. Phương thức cho vay có thể là tín chấp hoặc cách thức nào đó nhằm đơn giản hóa điều kiện vay vốn. (Thanh Lâm)

 - Phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường mùa dịch (TS.BS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)

- “Những ngày không quên” lên phim: Đại dịch toàn cầu chi phối lên mọi mặt của đời sống. Phía sau cuộc chiến chống Covid-19, có bao nhiêu màu sắc tâm lý, hồi hộp cũng có, hoang mang cũng có, sợ hãi cũng có, hy vọng cũng có… Thế nhưng, làm bộ phim ngay trong lúc virus corona đang hoành hành, là thách thức không đơn giản cho những người thực hiện “Những ngày không quên”. (Gia Quan)

- Sáng tạo trong môi trường cách ly: Vốn khéo tay và giàu óc sáng tạo, giới thiết kế thời trang đã tạo ra một làn sóng “Do It Yourself” (DIY - tự làm lấy ở nhà) trong những ngày buộc phải cách ly cộng đồng, bất kể sự thiếu thốn các nguyên vật liệu và phương tiện. Nhờ đó hàng loạt sản phẩm tự làm thú vị đã ra đời. (Anh Thư)

- Cách ly xã hội phiên bản Singapore: Trước tình hình dịch bệnh gia tăng mỗi ngày ít nhất vài ba con số và xuất hiện càng nhiều hơn các trường hợp lây nhiễm cộng đồng không dấu vết, Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 3-4 cho biết chính phủ Singapore sẽ áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa virus lây lan, bằng cách đóng cửa trường học và nơi làm việc nhưng vẫn duy trì các hoạt động kinh tế chiến lược và sinh hoạt xã hội thiết yếu. (Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn  Vietnam Global Network, Singapore)

Và nhiều chuyên mục khác… 
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác