Đón đọc ĐTTC bộ mới số 76 phát hành thứ hai ngày 12-10-2020

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 76 phát hành ngày 12-10-2020 với nhiều chuyên mục:
- Chính sách tiền tệ không còn hiệu lực?: NHNN tiếp tục giảm một loạt lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm 2020 và lần thứ tư tính trong vòng 12 tháng, đưa mặt bằng lãi suất về mức khá thấp so với đầu năm. Điều này cho thấy thông điệp NHNN là sẽ đẩy mạnh cung tiền ra thị trường, tăng cung tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh và sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, có thể không tác động như kỳ vọng của NHNN. (ThS. Hồ Hữu Tín – TS. Trần Hùng Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ NH, Trường Đại học Kinh tế - Luật)
- “Bão tweet” của ông Donald Trump: Các tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng tới thị trường tài chính Mỹ là chuyện ai cũng biết, nhưng ở mức cực đoan như tuần qua là ít thấy. Từ tweet bị bệnh cho đến tweet về gói cứu trợ, đã cho nhà đầu tư Mỹ một phen đi tàu lượn cao tốc. Trong đó, đỉnh điểm là những đoạn “nói đi rồi nói lại” với quan điểm quay 180 độ về chuyện những gói cứu trợ kinh tế, khiến cổ phiếu Mỹ và thế giới cũng trồi sụt theo những dòng tweet đó. Nước Mỹ đang đi vào kỳ bầu cử mới và nhà đầu tư vẫn sẽ phải dở khóc dở cười với những dòng tweet của ông Trump. Họ cũng không biết sẽ phải chịu đựng nó chỉ vài tháng hay là vài năm nữa. (Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
- Những điều kỳ lạ trên TTCK: TTCK được định nghĩa là phong vũ biểu của nền kinh tế, nghĩa là kinh tế tăng trưởng khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tốt, 2 điều này luôn song hành với nhau. Tuy vậy 2020 là một năm kỳ lạ khi trái ngược với các mô hình kinh tế và thị trường tài chính như mô hình chữ V, chữ W hay chữ U khá phổ biến, đó là mô hình chữ K, nghĩa là kinh tế đi xuống còn TTCK đi lên. (Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng)
- Đại dịch toàn cầu và triển vọng phục hồi kinh tế - 5 thách thức kinh tế giai đoạn hậu dịch: Các hậu quả nặng nề của quá trình cách ly xã hội để chống dịch cũng như phản ứng chính sách của các quốc gia trên thế giới, đã tạo ra các cú sốc dai dẳng và có tính hệ thống (permanent shock) đối với nền kinh tế toàn cầu. Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy có 5 xu hướng và thách thức có thể đặt ra cho các quốc gia nói chung trong quá trình phục hồi kinh tế, bao gồm: Tình trạng các nền kinh tế bị "ngập" trong tiền và nguy cơ khủng hoảng nợ công; Sự đứt gãy, tái cấu trúc trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và hiện tượng "quay đầu" của các dòng vốn FDI; Xu hướng kích cầu nội địa và thoái trào của toàn cầu hóa; Triển vọng hình thành một trật tự thế giới mới giai đoạn hậu Covid – 19; Cuối cùng là nạn đói và nguy cơ khủng hoảng lương thực. (ThS. Tô Công Nguyên Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Tiến trình hình thành thành phố sáng tạo: Theo UNESCO, các thành phố sáng tạo (TPST) trên thế giới là nơi nuôi dưỡng, ấp ủ, phát lộ những ý tưởng sáng tạo mới mẻ của các nhà khoa học, nhà phát minh; hoặc nghiên cứu tiếp thu các phát minh, sáng chế, giải pháp kỹ thuật từ bên ngoài, cải biến ứng dụng cho ra sản phẩm mới, đồng thời kết quả nghiên cứu thành công này được quay trở lại giảng dạy, đào tạo cho sinh viên các trường đại học. Xây dựng TPST cần có quan điểm và cách tiếp cận mới, nếu không sẽ mãi lẽo đẽo đi sau, sáng tạo ra những thứ tưởng mới té ra thiên hạ đã xài xong, bỏ rồi. Mình làm ra con chip to bằng đầu đũa, trong khi con chip của người ta chỉ bằng nửa hạt gạo. (PGS. Nguyễn Minh Hòa)
- Kích cầu du lịch có chọn lọc: Dịch bệnh Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, Bộ VH-TT-DL tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch lần 2 để khôi phục ngành du lịch, đồng thời giúp doanh nghiệp (DN) du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn và sẽ chọn những điểm đến an toàn cũng như không kích cầu đại trà. Việc kích cầu du lịch lần 2 tập trung đẩy mạnh về xúc tiến điểm đến, đặc biệt kết nối các điểm đến mới tạo ra những yếu tố mới. Thông điệp của đợt kích cầu này là “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. (Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)
- Phải kiên trì cho kích cầu lần 2: Về phần các công ty lữ hành sự hào hứng tham gia đợt kích cầu lần thứ 2 này chắc chắn không thể như lần 1, nhất là với những công ty hăng hái đi đầu. Ở đợt kích cầu lần thứ nhất, khi các DN lữ hành dồn hết nguồn tài chính nhằm vực dậy mình và ngành, họ lại bị mắc kẹt vốn khi dịch quay lại. Theo đó, khách muốn hoàn tiền tour 100% nhưng tiền lại bị kẹt khi đặt cọc ở hàng không, lưu trú, dịch vụ vận chuyển, ăn uống… DN đã khó lại càng khó hơn. (Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt - Viet Circle)
- Du lịch an toàn không chỉ khẩu hiệu…: Sau 2 đợt dịch liên tiếp cùng với mùa cao điểm du lịch nội địa đã qua, chiến dịch kích cầu du lịch lần 2 cần phải xác định rõ mục tiêu mới có thể thành công. Nếu dùng mục tiêu của lần 1 áp cho lần này, khả năng thất bại sẽ rất cao. Ngành du lịch các nước dường như đang quay về vạch đích, ở đó ai xuất phát sớm người đó sẽ thắng, áp lực cạnh tranh đang ngày một lớn hơn. Chúng ta không thể đánh đổi sự an toàn của hơn 90 triệu dân, nhưng nếu cứ ngồi chờ đến khi nào dịch qua đi ngành du lịch sẽ chết. (Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting)
- Lãi suất tiếp tục giảm… trên giấy: NHNN giảm lãi suất điều hành là cơ sở để hỗ trợ mục tiêu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng giảm lãi suất kèm điều kiện không giảm chuẩn, như vậy những DN không vay được đồng nghĩa với việc không được hỗ trợ. Hiện đang có rất nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, vì thế lãi suất có giảm hơn nữa với họ cũng không có ý nghĩa. (Thiên Minh)
- Cần tầm nhìn xa chính sách tài khóa và tiền tệ: Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành cũng không không ngoài mục đích tạo động lực để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Nhưng hình như chính NHNN cũng cảm nhận khó đạt như mong muốn. Vậy đằng sau việc giảm lãi suất là gì? Chính sách tiền tệ khó mà kích hoạt cho việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm dịch bệnh chưa thấy điểm dừng, nhưng chính sách tài khóa vẫn có dư địa nếu có tầm nhìn. Hoạt động điều chỉnh giảm lãi suất này cũng như nhiều lần trước đây, có thể nhìn vào một thực tế với các đợt phát hành TPCP với lãi suất đấu thầu liên tục giảm. Điều dễ hiểu khi lãi suất TPCP liên tục giảm thì lãi suất của nền kinh tế sẽ phải giảm. Có nghĩa là chính sách tiền tệ có phần đi sau chính sách tài khóa. (TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính UEH - một chuyên gia tài chính)
- Thành lập tổ hợp tín dụng cứu doanh nghiệp:  Giảm lãi suất điều hành là điều kiện để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp (DN). Song giải pháp này chưa thể kích thích được tăng trưởng trong lúc này mà cần có giải pháp khác thiết thực hơn. Chính phủ phải có một giải pháp là yêu cầu các NH phải thành lập một tổ hợp tín dụng. Tất cả các NH đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3%/tổng dư nợ của mỗi NH. NHNN làm đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một NHTM đứng ra quản lý tổ hợp. Dùng tổ hợp này để cho vay các DN đang khó khăn trong dịch bệnh. (TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH)
- Vốn rẻ có đến được doanh nghiệp?: Việc NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Lãi suất giảm DN rất mừng, song làm sao tiếp cận vốn lại là câu chuyện khác. DN phải nhận thấy được khả năng phục hồi của thị trường, khả năng sinh lời của các kế hoạch kinh doanh, từ đó mới quyết định có vay vốn NH cho mục tiêu tăng trưởng. (Phạm Việt Anh, chuyên gia tư vấn tăng trưởng DN)
- Sacombank và nỗi ám ảnh nợ xấu: Nỗ lực tái cơ cấu đã phần nào giúp NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã CK STB) vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh với HĐQT và cả NĐT trên TTCK, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của NH này đang có dấu hiệu tăng trở lại. (Kim Giang)
- Liệu có sóng kết quả kinh doanh quý III?: Thị trường chứng khoán (TTCK) có tuần khởi động tháng 10-2020 khá thuận lợi khi VN Index tăng 1,5% (tính đến 8-10). Sau 2 tháng liên tiếp trước đó giữ ngôi vị mạnh nhất thế giới, TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn công bố thông tin kết quả kinh doanh quý III, liệu có kỳ vọng tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới? (Nguyên Hà)
- “Săn” đất... vướng quy hoạch: Mua nhà, đất phần lớn nhiều người rất sợ gặp nhà, đất bị vướng quy hoạch phải chấp nhận đền bù, giải tỏa khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên vẫn có người chuyên “săn” đất bị vướng quy hoạch chờ đền bù, giải tỏa hay chờ xóa quy hoạch để có được... món hời. (Đỗ Trà Giang)
- Không gian ẩm thực sang trọng phương Tây (Phương Hằng)
- Cảm hứng mùa thu cùng burgundy (Khoa Lam)
- Khám phá những điểm đến an toàn (Hoàng Hà)
- Gián điệp ngân hàng Nga: Năm 2014, Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI đang ở giai đoạn cuối điều tra hoạt động của ngân hàng Nga VEB tại Mỹ. Theo đó, một nhân viên phản gián Mỹ đóng giả là nhà phân tích năng lượng, bán các chất kết dính chứa bí mật thương mại giả cho 2 điệp viên Nga hoạt động ở New York. (Vĩnh Cẩm)
- Học ăn, học nói, học gói, học…viết: Nhiều người vẫn nghĩ doanh nhân được đánh giá qua hình thức bề ngoài như cách ăn mặc, quần áo, giày dép, thắt lưng, đồng hồ, xe cộ hàng hiệu đắt tiền… Người ta cũng đánh giá doanh nhân qua lời ăn tiếng nói, cách giao tiếp, ứng xử với đối tác, khách hàng và cộng đồng. Nhưng còn cách đánh giá ít ai để ý là kỹ năng viết lách, bởi chính con chữ, văn bản là minh chứng về đẳng cấp và trình độ của doanh nhân. (Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore)
- Bảo vệ tập trung, miễn dịch cộng đồng: Mới đây, 3 bác sĩ là các giáo sư về dịch tễ, kinh tế y tế, y tế cộng đồng đến từ những trường đại học danh giá trên thế giới, đã ký “Tuyên bố Great Barrington”, kêu gọi thay đổi cách ứng phó dịch Covid-19 của các chính phủ trên khắp thế giới, để làm sao vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa ít gây thiệt hại cho đời sống kinh tế-xã hội nhất. (Văn Cường)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác