Đón đọc ĐTTC bộ mới số 82 phát hành thứ hai ngày 23-11-2020

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 82 phát hành ngày 23-11-2020 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 82 phát hành thứ hai ngày 23-11-2020 ảnh 1
- RCEP và hiệu ứng tô mì: Với một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có từ trước, vừa với tư cách là thành viên của ASEAN, vừa là trực tiếp như CPTPP, EVFTA, VKFTA, VJFTA, việc thêm RCEP có giúp được doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hay sẽ rơi vào “hiệu ứng tô mì” (Noodle Bowl Effect)? (TS. Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global)
- Chính quyền đô thị - Nan giải phân quyền: Sau 2 lần đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) năm 2007 và 2014 nhưng không được chấp thuận, cuối tuần qua Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tổ chức CQĐT tại TPHCM, cho phép TP tổ chức mô hình CQĐT không cần thí điểm từ 1-7-2021, với rất nhiều thay đổi so với hiện tại. Theo quyết định của Quốc hội, chính quyền TPHCM sẽ không còn HĐND cấp quận, phường và sẽ có TP trong TP. Có thể nói, đây là cú hích cho TPHCM phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. (Nguyễn Hồng)
- Vị thế mới của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu: Đại dịch khiến các quốc gia đối mặt với một trong những lần suy thoái kinh tế trầm trọng nhất lịch sử. Trong khi Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức vẫn đang chìm sâu vào đợt suy thoái này, thì kinh tế Trung Quốc đã phục hồi thần kỳ kể từ quý II-2020. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy, sau khi trải qua mức tăng trưởng kinh tế giảm 6,8% vào quý I-2020, nền kinh tế của quốc gia này đã tăng trưởng trở lại vào quý II-2020 và quý III-2020 lần lượt ở mức 3,2% và 4,9% sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19, tính chung GDP đạt 0,7% trong 9 tháng năm 2020. (PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Th.S Tô Công Nguyên Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Thử thách cho tân nữ thống đốc Việt Nam: Bà Nguyễn Thị Hồng đã chính thức được bổ nhiệm chức danh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) từ ngày 16-11. Những thách thức đối với nữ thống đốc NHNN đầu tiên của Việt Nam không hề nhỏ. Trong đó, xác lập độ khả tín của chính sách tiền tệ là vô cùng quan trọng. Muốn được vậy phải hóa giải một cách uyển chuyển các áp lực có tính mệnh lệnh hành chính và vì mục tiêu chính trị hơn là kinh tế. Đây là một thử thách rất khó, không chỉ với Thống đốc NHNN Việt Nam mà với mọi thống đốc hiện nay trên thế giới, vì đa số chính trị gia đều đang muốn nền kinh tế nước mình là ngôi sao hồi phục kinh tế của 2021. (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
- RCEP: Đừng quá thổi phồng: Ngày 15-11, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đã được ký kết. Đây được xem là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới có quy mô gần 27.000 tỷ USD, chiếm đến 30% tổng GDP toàn cầu với 2,2 tỷ người tiêu dùng. Việt Nam được đánh giá hưởng lợi nhiều từ “siêu FTA” này, song không ít ý kiến cho rằng không nên thổi phồng những lợi ích từ RCEP. (Thanh Lâm)
- RCEP - Tránh tâm lý quá tự tin: Bên cạnh việc mở rộng thị trường với cơ chế mở, RCEP sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, thậm chí giảm lợi thế đầu vào của nguồn cung. Chúng ta nên tránh tâm lý quá tự tin, chủ quan hoặc chỉ nhìn nhận trên bề mặt, không đánh giá đúng bản chất hiệp định, từ đó dẫn đến thực thi và ứng xử không đạt mục tiêu như mong muốn. (GS.TSKH Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - VAPEC)
- Lo ngại gia tăng nhập siêu từ RCEP: Dù được đánh giá ở quy mô rộng lớn, song Hiệp định RCEP khó giải quyết được bài toán thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với các nước thành viên, thậm chí làm gia tăng nguy cơ nhập siêu nhiều hơn. RCEP khó giúp Việt Nam cải thiện được cán cân thương mại vốn không cân bằng trong nhiều năm qua. Đó là việc nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, cũng như đang phải cố gắng thu hẹp khoảng cách để giảm xuất siêu sang Mỹ, EU tránh bị trừng phạt, đã đưa Việt Nam vào thế khó trong thương mại. (Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng)
- Vì sao Ấn Độ rời bỏ RCEP?: Với RCEP, Ấn Độ quyết định đứng ngoài sau khi bước ra khỏi các cuộc đàm phán vào năm ngoái. Dù vậy, khối thương mại 15 quốc gia trong RCEP vẫn tuyên bố cánh cửa sẽ vẫn mở để Ấn Độ quay trở lại bàn đàm phán. (Văn Cường)
- Giới đầu tư thận trọng gói “giải cứu” Vietnam Airlines: Sau khi Quốc hội thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (CK:HVN-HOSE), giá cổ phiếu của hãng hàng không này tăng nhẹ 0,7%, nhưng sau đó chững lại và giảm. Song trong nhận định của giới đầu tư, Vietnam Airlines là một trường hợp “too big to fail” (quá quan trọng để có thể phá sản) và đã được phản ánh sớm, chứ không đợi đến khi có gói “cứu trợ” chính thức. (Nguyên Hà)
- Hỗ trợ VNA không lâm vào phá sản: Có khá nhiều ý kiến xung quanh việc Quốc hội thông qua nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một số quan điểm băn khoăn việc VNA được ưu ái so với các hãng hàng không khác đang có cùng khó khăn, trong khi nhiều ý kiến cho rằng cứu hãng hàng không quốc gia vào thời điểm này là cần thiết. (Minh Duy)
- Đất tại khu công nghiệp - Cần nguồn lực DN, đừng chăm bẵm tiền thuê: Đất KCN không phải là đất ở, tăng theo giá thị trường là vô lý. Quy định này đang làm giảm sự hấp dẫn đầu tư vào các KCN, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách về lâu dài. (Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN tại TPHCM)
- Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Đột phá ngành logistics Việt Nam: Thông qua hình thức làm việc trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bấm nút khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên tại Việt Nam: “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc”, do Liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) và Tập đoàn YCH - YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư. (Trần Đăng)
- Phòng chống cướp nhà băng: Cướp ngân hàng (NH) là loại tội phạm hình sự nguy hiểm. Vì thế, tăng cường hiệu lực hoạt động của lực lượng an ninh bảo vệ là quan trọng nhất trong các biện pháp phòng ngừa cướp NH và ứng phó có hiệu quả khi xảy ra cướp. (Phạm Như Liên)
- Ngành phân bón có hưởng lợi nhờ thuế?: Việc Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo sửa đổi thuế liên quan đến mặt hàng phân bón sẽ giúp doanh nghiệp (DN) nội tăng cường sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho ngành. Tuy nhiên, không phải tất cả DN đều hưởng lợi. (Kim Giang)
- TPHCM tiếp tục “trảm” dự án treo: 108 dự án với diện tích hơn 473ha vừa được UBND TPHCM quyết định hủy bỏ do chậm triển khai. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các quận huyện công khai để người dân biết, đồng thời thực hiện các quy định để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi dự án được xóa treo. (Đỗ Trà Giang)
- Sneaker rực rỡ cho nàng (Khoa Lam)
- Ứng dụng bảo vệ sức khỏe mỗi ngày (Nhã Trúc)
- Đắm say Na-Lâm: Xứ Tuyên (Tuyên Quang) có miền sơn cước Na-Lâm (2 huyện Na Hang và Lâm Bình) hùng vĩ, nơi sản sinh ra những cô gái đẹp sắc nước hương trời, vang danh cả nước với câu truyền tụng “chè Thái, gái Tuyên”. Du khách đến đây sẽ bị níu chân bởi những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn của đồng bào Dao, Tày, Mông… được gìn giữ bao đời nay. (Nguyễn Hường-Dương Phúc)
- Điện mặt trời  có thực sự điện "xanh"?: Khi thế giới tìm kiếm nguồn điện sạch hơn, như điện gió, điện mặt trời… thì đến nay chỉ riêng điện mặt trời có công suất tăng gấp 6 lần chỉ trong 5 năm. Tuy nhiên, việc sản xuất, vận hành và xử lý những tấm pin mặt trời lại có những mặt trái về môi trường. (Vinh Trang)
- Dee Ward Hock - CEO Visa một thời lừng lẫy: Với phong thái giản dị, yêu thích thơ văn và triết học, ít ai tin rằng đó là một cựu giám đốc ngân hàng ông Dee Ward Hock, người đã tạo ra một cuộc cách mạng to lớn cho trong ngành tài chính. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng thành tựu của ông sau 50 năm hiện đang phải cạnh tranh gay gắt cùng hàng loạt những nền tảng thanh toán, giao dịch tài chính như “nấm mọc sau mưa” trong thời đại 4.0. (Thiên Bảo)
- Robinsons sụp đổ và  khởi đầu kỷ nguyên bán lẻ hậu Covid: Vào cuối tháng 10 vừa qua, chuỗi kinh doanh bán lẻ theo mô hình cửa hàng bách hóa (CHBH) Robinsons đã quyết định đóng 2 cửa hàng cuối cùng ở Singapore tại Trung tâm mua sắm The Heeren và Raffles City. Đây không còn là chuyện xa lạ với người dân đảo Sư tử sau những thăng trầm của nền kinh tế và tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, người tiêu dùng địa phương và những người nước ngoài như tôi đến đây lập nghiệp từ hơn 2 thập niên qua vẫn không khỏi bàng hoàng, bởi Robinsons là thương hiệu bán lẻ còn lâu đời hơn cả lịch sử của Singapore hiện đại. (Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác