Đón đọc ĐTTC số 138 phát hành thứ hai ngày 28-2-2022 ​

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 138 phát hành ngày 28-2-2022 với nhiều chuyên mục:
- Điều hành xăng dầu theo thị trường chẳng giống ai: Điều hành giá bằng mệnh lệnh theo chu kỳ càng là điều xưa nay hiếm. Giá xăng dầu thế giới diễn biến không định hạn theo thời gian, mà theo hàn thử biểu của thời cuộc chính trị - kinh tế. Chỉ cần có sự kiện nóng hổi trên thế giới, lập tức giá xăng dầu nhảy múa. Nhưng vì xăng dầu được xem như mọi hàng hóa trong thị trường, nên xăng dầu không thể làm khuynh đảo kinh tế thế giới, chưa nền kinh tế nào sụp đổ vì giá xăng dầu. (Nguyễn Duy Nghĩa)

- Điều kiện cần và đủ cho thuê vỉa hè: Đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã đồng ý triển khai việc cho thuê vỉa hè, sau khi quận Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm cho 3 đơn vị thuê trong 6 tháng cuối năm 2021. Cụ thể, Công ty TNHH Mặt trời Thủ Đô thuê vỉa hè ở số 11 Lê Phụng Hiểu; Công ty Prodigy thuê vỉa hè số 94 Lý Thường Kiệt, Công ty Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu thuê vỉa hè 30A Lý Thường Kiệt. 3 đơn vị này thuê vỉa hè để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Bắt đầu từ 2022, các quận trung tâm được tiếp tục mở rộng địa điểm cho thuê với giá 45.000 đồng/m2/tháng, hợp đồng có thời hạn 6 tháng, tiền thu được các quận nộp vào ngân sách TP theo luật phí và lệ phí. (TS. Nguyễn Hòa Minh)

- Giá dầu leo thang cùng xung đột?: Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô Brent ngày 24-2 đã đâm thủng ngưỡng 100USD/thùng, trong bối cảnh Nga đã tấn công vào Ukraine. Liệu mức giá này đã là cuối cùng hay sẽ leo thang cùng xung đột? (Văn Cường)

- Giá dầu tăng, ai lợi ai thiệt?: Giá dầu trong vòng 1 năm qua đã tăng gần 50% và nhiều khả năng có thể tiếp tục tăng thêm trong ngắn hạn do chiến sự ở Ukraine. Giá dầu tăng sẽ có bên được hưởng lợi và bên bị thiệt, nhưng đây có phải là tình huống có tổng lợi ích bằng 0? Và khi giá dầu duy trì ở mức cao sẽ dẫn đến những chuyện gì khác? (TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global)

- Điều hành giá xăng dầu không nên “tham bát bỏ mâm”: Trong khi doanh nghiệp (DN) và nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn do áp lực chi phí nhiên liệu đầu vào là xăng dầu tăng cao, dường như nguồn thu ngân sách từ xăng dầu lại có vẻ “rủng rỉnh” từ thuế. Nghịch lý này đáng lo hơn đáng mừng, kể cả khi nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, nhất là đặt trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua cơn trầm luân do dịch bệnh Covid-19 tàn phá. (Phạm Chi Lan)

- Lạm phát từ giá xăng dầu theo hướng tiêu cực: Giá xăng dầu tăng cao đang đè nặng lên áp lực lạm phát năm nay. Khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp (DN) và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị chững lại, khi nguồn nhiên liệu đầu vào có tính chiến lược như xăng dầu không sớm hạ nhiệt. Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên. Nhưng lạm phát tăng cao do giá dầu tăng chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực. (PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính)

- Doanh nghiệp trong vòng xoáy tăng giá: Giá xăng dầu liên tiếp tăng trong thời gian gần đây đang tạo ra áp lực rất lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Hầu hết chi phí đầu vào đều tăng theo giá xăng dầu, trong khi giá bán đầu ra chưa thể tăng vì sức mua thấp. Thực trạng này đang khiến nhiều DN kẹt trong thế khó. (Thanh Dung)

- Trung tâm tài chính quốc tế và câu chuyện ngụ ngôn chọn vua: TPHCM đang trong quá trình tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam (IFC) tại TP. Trên thế giới, Z/Yen Group đã tạo ra chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI, cũng bằng cách dựa trên khảo sát từ các chuyên gia (chủ yếu là các ngân hàng đầu tư, nhà quản lý quỹ, các CEO) quốc tế để xác định các nhân tố chủ yếu đánh giá một IFC. (GS.TS Trần Ngọc Thơ)

- IFC Việt Nam tại TPHCM: Quan trọng nhất là kiến tạo “phần mềm”: Vào một buổi sáng cuối tuần đầu xuân, trên tầng thượng của khách sạn Grand Sài Gòn, với tầm nhìn bao quát toàn bộ khúc sông Sài Gòn bao quanh bán đảo Thủ Thiêm với bến Bạch Đằng lịch sử, ngẫu nhiên bên tách cà phê pha phin, khi trao đổi về chủ đề trung tâm tài chính quốc tế (IFC) Việt Nam tại TPHCM với một số nhà kinh tế, GS. Trần Ngọc Thơ cho rằng chỉ có thể xây dựng thành công IFC nếu chúng ta có thể tạo ra được sự khác biệt, độc đáo, riêng có, độc nhất vô nhị của thành phố, đủ sức cạnh tranh với hàng trăm IFC trong khu vực cũng như trên thế giới, và mọi đề án phải đi tới định lượng được trên cơ sở khoa học những lợi ích mà IFC tại TPHCM mang lại cho quốc gia, cho thành phố như quy mô dòng vốn thu hút được, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, cải thiện cán cân thanh toán… (TS. Trần Văn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS của Quốc hội)

- IFC tại TPHCM: Đường đến còn xa: Cuối tuần qua, UBND TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Đề án phát triển TPHCM thành Trung tâm tài chính quốc tế - IFC”, nhằm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia để ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đề án. Song từ quan điểm góp ý cho thấy, để tiến đến một IFC Việt Nam đặt tại TPHCM vẫn còn một quãng đường dài. (Yên Lam)

- Diện mạo mới Thủ Thiêm có còn mơ về “phố Đông”?: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM vừa tổ chức tọa đàm “Bài học rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế”, nhằm lấy ý kiến chuyên gia cho việc đấu giá lại 2 mảnh đất ở Thủ Thiêm, sau khi 2 đơn vị trúng đã bỏ cọc và rất có thể là 4. Vì theo Tổng cục Thuế, 2 đơn vị trúng thầu còn lại đến nay vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất, dù đã quá thời hạn quy định của Luật Đấu thầu. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa)

- Dọn nợ xấu để giảm áp lực tương lai?: Nỗi lo nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hàng loạt ngành nghề chủ chốt dần được hé lộ trên báo cáo tài chính (BCTC) quý IV-2021 của các NHTM. Nhiều NH cũng bắt đầu có hành động, xu hướng được ghi nhận là đang “dọn bớt” nợ nhóm 5, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống. (Đỗ Linh)

- Nghịch lý giá cổ phiếu trên các sàn: Sự kiện cổ đông nắm giữ mã HAG (Hoàng Anh Gia Lai) phản ứng gay gắt trước quyết định hủy niêm yết trên HoSE để chuyển sang UPCoM, đã phần nào cho thấy NĐT vẫn nhìn cảm tính với các mã CP đang niêm yết trên TTCK. (Kim Giang)

- “Đất ở hợp pháp” vẫn mông lung: Ngày 1-3 tới, Luật số 03/2022/QH 15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung được quan tâm là việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc xác định “đất ở hợp pháp” để đầu tư dự án nhà ở thương mại (NoTM). (Đỗ Trà Giang)

- Xu hướng thị trường bán lẻ năm 2022: Theo báo cáo mới nhất của CBRE châu Á, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành bán lẻ tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã và đang có những tín hiệu tích cực, hứa hẹn một viễn cảnh tươi sáng trong năm 2022. (Đức Hải)

- Sản lượng đậu tương ảnh hưởng bởi La Nina: Kể từ đầu năm đến nay, đậu tương là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trên thị trường nông sản. Tính tới ngày 23-2, giá hợp đồng kỳ hạn đậu tương tháng 3 trên sàn CBOT đạt mức cao nhất 1.655 cent/giạ, tương ứng tăng khoảng 22,7% so với mức giá 1.349 cent/giạ mở cửa đầu năm 2022. (Phạm Tuấn)

- Ứng dụng xóa tan căng thẳng tại văn phòng (Nhã Trúc)

- “Họa tình” - khám phá cuộc sống giới thượng lưu (Lê Thiếu Nhơn)

- Xung đột Nga-Ukraine: Cú đúp thiệt hại kinh tế toàn cầu: Nền kinh tế thế giới đang phục hồi yếu ớt sau khi bị vùi dập bởi đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng và giá cả tăng vọt, nay phải hứng thêm cú đúp thiệt hại do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine mang lại. (Vĩnh Cẩm)

- Thomas Gottstein: CEO giữa tâm bão bê bối: Credit Suisse, một trong những ngân hàng tư nhân danh giá nhất thế giới, mới đây đã bị tố giữ hàng trăm tỷ USD tiền bẩn cho các tội phạm và cá nhân vi phạm nhân quyền. Điều này khiến CEO của nó, ông Thomas Gottstein, như ngồi trên ghế nóng. (Việt Huỳnh)

- Trở thành tỷ phú nhờ… thiền định: Với việc giúp người ta thiền định, Michael Acton Smith và Alex Tew đã kiếm được hàng tỷ USD. Công ty Calm của 2 người được Inc. xếp hạng là một trong những công ty tư nhân phát triển nhanh nhất ở Mỹ năm 2018. Đến tháng 2-2019, công ty được định giá 1 tỷ USD. Tháng 2-2022, Calm mua lại Ripple Health Group, công ty công nghệ kết nối người dùng với các lựa chọn chăm sóc sức khỏe phù hợp. (Kiều Tiên)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác