Đón đọc ĐTTC số 157 phát hành thứ hai ngày 11-7-2022

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 157 phát hành ngày 11-7-2022 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC số 157 phát hành thứ hai ngày 11-7-2022 ảnh 1
- Sửa luật mới cứu nhà thầu: Giá VLXD tăng phi mã từ giữa năm 2020 cho đến nay, cùng với khan hiếm nhân công do đại dịch Covid-19, có thể nói 2 “gọng kìm” khiến nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng “chết dở, sống dở”. Giải pháp để cứu nhà thầu xây dựng, theo VACC kiến nghị mới đây, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cần có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường.
- Tái cấu trúc “đất vàng” đô thị từ đất công: Ở một số khu vực trung tâm của các TP như Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng dường như đất thương mại đã cạn, nhưng đất công vẫn còn khá nhiều. Các TP đang chuẩn bị tái cấu trúc một số địa điểm được coi là “đất kim cương”, “đất vàng” do công trình trên đất đó không còn chức năng sử dụng, nằm trong chương trình di dời ra phía bên ngoài. Vậy đất ấy sau khi thu hồi các TP sẽ làm gì? (TS. Nguyễn Minh Hòa)
- Các NHTW sẽ tăng lãi suất 6 tháng cuối năm 2022: Tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương (NHTW) châu Âu (ECB) vừa diễn ra vào cuối tháng 6, lãnh đạo các NHTW Mỹ, Anh và ECB đều đồng loạt thể hiện quan điểm cần phải có hành động nhanh chóng để tìm cách hạ nhiệt lạm phát, đó là vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất. (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
- Kinh tế Anh hậu Boris Johnson: Đừng trông đợi một phép màu “Harry Potter”: Trong vòng 24 giờ sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức, tôi nhận được rất nhiều yêu cầu bình luận ngắn, viết báo cáo, đưa ra quan điểm về khả năng thay đổi của kinh tế Anh sau khi ông Johnson từ nhiệm. Câu trả lời ngay lập tức của tôi: Hãy nhìn thị trường ngoại tệ. Đó là sự yên bình đến kỳ lạ của đồng bảng Anh so với USD trong tuần lễ đầy sóng gió của chính trường Anh, đã phản ánh điều mà theo tôi là chính xác những gì người ta có thể kỳ vọng hay lo sợ về một nền kinh tế Anh hậu Boris Johnson. Và hầu như sẽ không có biến động nào thật sự sốc sẽ diễn ra. (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)
- Nhật Bản: Lạm phát tăng cao, người lao động lao đao: Đồng yên Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất 24 năm, đe dọa các chính sách kinh tế vĩ mô hiện thời và ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua và thu nhập của người dân. (Văn Cường)
- Điều hành tiền tệ và kiểm soát lạm phát: Thế gọng kìm cho Việt Nam: Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ đẩy Việt Nam rơi vào trạng thái chưa kịp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế, đã buộc phải thắt chặt lại do nguy cơ lạm phát cao. Việt Nam cần xử lý tốt mối quan hệ trong “tam giác bất khả thi” giữa dòng vốn nước ngoài - lãi suất - tỷ giá hối đoái trong bối cảnh nền kinh tế “lệch pha”, mới hạn chế được tác động tiêu cực của việc Fed tăng lãi suất. (TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính)
- Kìm lạm phát từ giá xăng dầu: Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, là nhận định được đưa ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Nhưng áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm là thực tế, và điều này sẽ tác động rất lớn đến những nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ. Câu hỏi là chúng ta phải tập trung điều chỉnh nhân tố nào để “níu” đà tăng của lạm phát? (TS. Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế)
- Mục tiêu kép GDP 7%, CPI 4% có khả thi?: Trước đà phục hồi kinh tế vượt mong đợi trong quý II (đạt 6,42%), Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay ở mức 7%, đồng thời kiểm soát lạm phát dưới 4%. Vậy mục tiêu kép này có khả thi? (TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính - Học viện Tài chính)
- Luật Đấu thầu luôn áp đặt nhà thầu: Những dự án đầu tư công, như các dự án cao tốc do Bộ GTVT chủ trì, mở thầu và mời chào suốt mấy tháng trời vẫn chẳng nhà thầu nào quan tâm, buộc bộ này phải chỉ định thầu. Nguyên nhân do cơ chế chính sách đối với nhà thầu trong các dự án đầu tư công chưa hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà thầu. Bất cập này liên quan đến Luật Đấu thầu, mà nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp. (Hoàng Sơn)
- Nhà thầu ngán ngại dự án đầu tư công: Một trong những nguyên nhân khiến các dự án đầu tư công, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng giao thông, bị chậm tiến độ do các nhà thầu xây dựng càng làm càng lỗ. Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp xây dựng trong nước rất ngán ngại các dự án có vốn đầu tư công. Đơn giá các công trình có vốn đầu tư công đã quá lạc hậu, trong khi chi phí đầu vào nguyên, nhiên, vật liệu tăng quá cao, khiến DN tham gia dự án càng làm càng lỗ. (Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - VACC)
- Room tín dụng tiếp tục chờ…: Như thông lệ, hạn mức (room) tín dụng NHNN cấp cho các NHTM năm nào cũng mở vào đầu năm, sau đó lại phải có các đợt mở thêm cho các NH bị thiếu. Năm nay đề nghị nới room còn đến sớm hơn, mới đầu quý II đã có NH đề xuất nới room, tuy nhiên cho đến nay vẫn đang trong trạng thái chờ vì NHNN đang cân nhắc nhiều vấn đề. (Đỗ Linh)
- Cổ phiếu nhà băng đang ở mức hấp dẫn?: Ngành ngân hàng (NH) đã phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc, đặc biệt là Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản. Liệu tâm lý này có đưa cổ phiếu (CP) nhà băng về mức hấp dẫn cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn? (Kim Giang)
- “Lùng nhùng” tiền sử dụng đất dự án nhà ở: Hàng loạt dự án nhà ở triển khai dở dang không được tiếp tục, hoặc đã triển khai xong nhưng không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho người mua, do chưa thể xác định được tiền sử dụng đất của dự án. Lại có dự án doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính xong hơn chục năm, nay cơ quan chức năng kiến nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lao đao… (Đỗ Trà Giang)
- Doanh nghiệp “khát” lao động trầm trọng: Thiếu lao động đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là nhóm DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày ở các TP lớn. Mặc cho những nỗ lực cải thiện thu nhập, bổ sung thưởng, phụ cấp của các DN, không ít người lao động (NLĐ) vẫn chẳng mặn mà quay lại hoặc ứng tuyển vào các nhà máy. Họ dường như có nhiều lựa chọn hơn. (Thanh Lâm)
- Thị trường dư cung, áp lực giảm giá cà phê: Với nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái trong thời gian gần đây, cả 2 loại cà phê arabica và robusta đều kết thúc tuần cuối tháng 6 trong xu hướng giảm giá. Tính đến ngày 5-7, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9-2022 trên sàn ICE US đóng cửa ở mức 221,1 cent/pound, tương ứng giảm 13,9% so với mức đỉnh 256,9 cent/pound hồi tháng 2. Giá robusta giảm sớm hơn khi thiết lập mức đỉnh từ tuần cuối tháng 12-2021 và bắt đầu giảm khi tình hình dịch bệnh hạ nhiệt và hoạt động xuất khẩu robusta được khơi thông. Giá robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa ngày 5-7 ở mức 1.961USD/tấn, tương ứng giảm 15% kể từ đỉnh. (Phạm Tuấn)
- Thưởng nguyệt tết đoàn viên Trung Thu (Phương Hằng)
- Du lịch hè cùng công nghệ (Nhã Trúc)
- Núi Cha - Núi Mẹ: Hùng vĩ nơi biên cương: Nằm án ngữ trên vùng đất biên giới phía Đông-Bắc Tổ quốc là 2 đỉnh núi hùng vĩ mang tên thân thương Núi Cha (tên địa phương là Phja Pò) và Núi Mẹ (Phja Mè). Núi Mẹ (với tên gọi quen thuộc Mẫu Sơn), cao 1.520m đã được người Pháp khai phá lập tiểu khu du lịch nghỉ dưỡng từ đầu thế kỷ 20. Còn núi Cha (cao 1.541m) là nóc nhà tỉnh Lạng Sơn với cảnh quan hoang sơ, mới được các nhóm du khách khám phá thời gian qua. (Văn Hải-Nguyễn Duy)
- Nga vỡ nợ không phải vì thiếu tiền!: Ngày 26-6, dù chưa có tổ chức nào công bố, nhưng dựa vào các tiêu chí Nga đã vỡ nợ có chủ quyền do không trả được khoảng 100 triệu USD tiền lãi cho 2 trái phiếu, dù đã hết thời gian ân hạn 30 ngày. Nếu Nga vỡ nợ sẽ ảnh hưởng ra sao đến xứ sở Bạch Dương và kinh tế toàn cầu? Thực ra Nga đã vỡ nợ 2 lần trong lịch sử gần đây. Lần đầu tiên vào năm 1918, khi nước Nga từ chối thanh toán các trái phiếu của Nga hoàng. Lần thứ hai vào năm 1998, khi Nga cơ cấu lại các khoản nợ, nhưng chỉ vỡ nợ với khoản vay trong nước. (Vinh Trang)
- Martin Guzmán: “Kiến trúc sư đàm phán nợ” Argentina, từ chức: Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzmán đã đột ngột từ chức vào tối 3-7. Với vai trò là kiến trúc sư trưởng của nỗ lực tái cơ cấu các khoản nợ cho đất nước, việc ông ra đi đột ngột có nguy cơ gây bất ổn hơn nữa cho nền kinh tế vốn đang bị lung lay bởi nợ nặng, lạm phát cao, đình công… (Ánh Vân)
 Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác