Đón đọc ĐTTC số 169 phát hành thứ hai ngày 3-10-2022

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 169 phát hành ngày 3-10-2022 với nhiều chuyên mục:
- Bảo vệ hay loại nhà đầu tư nhỏ lẻ?: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, trong khi khung pháp lý cũng liên tục thay đổi để xử lý các vấn đề nảy sinh. Liệu Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ trong nước và quốc tế có “trám” được hết rủi ro đã từng diễn ra. Nhưng có thể thấy trước mắt nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ khó “có cửa” với đầu tư TPDN.
- Đấu giá biển số ô tô, có cần Quốc hội xem xét?: Tin cho hay Quốc hội sẽ xem xét việc đấu giá biển số ô tô vào cuối năm. Theo đó, dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp biển số ô tô thông qua đấu giá được bổ sung vào chương trình kỳ họp cuối năm nay vào tháng 10, để Quốc hội quyết định. Nhiều người băn khoăn, chẳng lẽ việc này phải trình trong một kỳ họp của Quốc hội. (Nguyễn Duy Nghĩa)
- Vì sao GDP quý III cao chót vót?: Theo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của TCTK, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng trưởng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, một phần do chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nhưng chủ yếu do năm trước dịch bệnh và cách chống dịch cực đoan khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái tê liệt và người dân trầm uất. (TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế)
- "Nụ cười USD” xuất hiện trong giao dịch tiền tệ: USD khó đảo chiều?: Không loại trừ giới đầu tư toàn cầu đang xem xét nghiêm túc lý thuyết đồng USD cười (USD Smile Theory) trong các giao dịch tiền tệ.Hãy tưởng tượng 2 khóe miệng nụ cười, ta sẽ thấy lý thuyết rất đơn giản. Ở khóe bên phải miệng biểu hiện USD thường tăng giá khi kinh tế Mỹ khỏe mạnh. Nhưng ở khóe miệng bên trái, biểu hiện kinh tế Mỹ suy thoái, rồi kéo theo kinh tế toàn cầu suy thoái theo, USD lại trở thành tài sản an toàn của giới đầu tư toàn cầu. USD chỉ suy yếu khi kinh tế Mỹ suy yếu, trong khi phía còn lại là kinh tế toàn cầu tăng trưởng phải đồng bộ, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Những điểm đánh dấu này được khái quát trong lý thuyết đồng USD cười, và đã được kiểm chứng khá chính xác trong suốt chiều dài lịch sử của đồng USD. (GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia)
- Vì sao USD tiếp tục tăng, nước Mỹ bất chấp suy thoái?: Tăng lãi suất có thể hiểu cơ bản trong thời điểm hiện nay là nhằm siết lại chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Tuy nhiên đây lại là ranh giới cần có tầm nhìn, bởi khi chính sách tiền tệ được siết lại đồng nghĩa sức mua sẽ kém đi, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, nền kinh tế dễ rơi vào suy thoái, và khi suy thoái sẽ còn đáng sợ hơn lạm phát. Vậy nước Mỹ có nhìn thấy điều này không? Chắc chắn là có. Nhưng tại sao Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục cho tăng lãi suất? Mỹ không sợ suy thoái, vậy các nước trên toàn cầu có lo ngại không khi buộc phải “đu theo” Fed? Và chính sách tiền tệ của Việt Nam nên đi theo hướng nào? (TS. Lê Đạt Chí, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM)
- Nghị định 65: “Sổ khám sức khỏe” cho doanh nghiệp phát hành: Với Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) của Chính phủ (có hiệu lực từ 16-9-2022), điều kiện và hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đối với các DN đã được quy định chặt chẽ hơn, buộc DN phải có trách nhiệm khi phát hành. NĐ65 cũng có những quy định buộc nhà đầu tư (NĐT) phải chuyên nghiệp, chấm dứt tình trạng NĐT “tay mơ” với dòng tiền dễ và rẻ. (Lưu Thủy)
- Nghị định 65: Được phát hành trái phiếu để “đảo nợ”, nhưng không dễ: Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) bổ sung 2 quy định mới, là doanh nghiệp (DN) được phép phát hành trái phiếu (TP) để đảo nợ, và phải mua lại TP đã phát hành trước hạn nếu vi phạm. Đây được xem là những quy định tiệm cận với thông lệ quốc tế, là công cụ hữu hiệu để giúp DN gỡ khó cho mình, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho thị trường. (Sơn Thủy)
- Nghị định 65: Đừng quá nặng tư duy “siết”: Cần khuyến khích phát hành TP nhiều hơn, mạnh hơn để DN có vốn hoạt động. Bên cạnh đó, cần chấp nhận thị trường TP song hành 2 loại đầu tư, là đầu tư tương đối an toàn và đầu tư mạo hiểm, thay vì chỉ có 1 loại tưởng rằng an toàn nhưng lại rất mạo hiểm. Bởi đầu tư chỉ an toàn thì gửi tiền ngân hàng. (LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC)
- Tính minh bạch là “khẩu vị” rủi ro của trái phiếu: Tại hội thảo về “Bước ngoặt thị trường TPDN sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP” (NĐ65) do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, một số chuyên gia cho rằng vẫn là tính minh bạch thông tin để nhà đầu tư (NĐT) tự lựa chọn khẩu vị rủi ro, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong việc phát hành ra công chúng. (Quang Minh)
- Những ẩn số bài toán chuyển đổi số: Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ chỉ khoảng 20% doanh nghiệp (DN) quan tâm đến chuyển đổi số (CĐS), nay phần đông DN đều nhận thấy phải thực hiện. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định CĐS là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Song thực tế hành trình CĐS của nhiều DN còn lắm gian nan. Đâu là ẩn số của bài toán CĐS. (Thanh Lâm)
- Nhà ở xã hội nên phân tán hay tập trung?: Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NoXH), trong đó Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TPHCM xây 130.000 căn hộ. Cả 2 TP đang tích cực triển khai chương trình này. Thế nhưng, cho đến thời điểm này Bộ Xây dựng, chính quyền 2 TP và các chủ đầu tư đều nhận thấy Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc phải dành quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để dành cho phát triển NoXH là không phù hợp, phải được điều chỉnh; đồng thời các TP đang tìm hướng phát triển NoXH cho phù hợp với điều kiện quỹ đất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của mình. (Nguyễn Minh Hòa) 
- Vàng SJC “một mình một chợ”: Khác với giá vàng thế giới có tăng có giảm tùy theo các diễn biến địa chính trị, kinh tế thế giới, vàng SJC các năm gần đây tăng nhanh, giảm nhỏ giọt, thậm chí có một số thời điểm tăng vọt hoặc sập giá không theo quy luật nào. Điều này khiến cho giá vàng SJC càng ngày càng khẳng định vị thế “một mình một chợ”, liên tục nới rộng khoảng cách với giá thế giới và chưa thấy tín hiệu sẽ được thu hẹp. (Cát Tường)
- Công ty chứng khoán “lên nhanh, xuống nhanh”: Để đáp ứng nhu cầu hoạt động, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đua nhau tăng vốn khủng. Thế nhưng, khi thị trường chứng khoán (TTCK) suy giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản thì các CTCK này bắt đầu bộc lộ các điểm yếu. Với bối cảnh TTCK suy giảm như hiện nay thì nhu cầu vay ký quỹ chắc chắn sẽ suy giảm, khiến cho CTCK thừa vốn, từ đó ROE suy giảm. Tình hình có thể còn bi đát hơn với các CTCK trong quý III này, khi VN Index liên tục lao dốc cùng với sự cạn kiệt về thanh khoản. (Kim Giang)
- Vì sao dòng tiền “mất hút” trên thị trường chứng khoán?: Thị trường chứng khoán (TTCK) trong 5 tháng gần đây liên tục chứng kiến mức thanh khoản sụt giảm rất mạnh. Tính riêng trên sàn HoSE, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong tháng 9-2022 chỉ còn chưa bằng 1/3 so với kỷ lục lịch sử tháng 11-2021. Thanh khoản sụt giảm đi kèm với hiện tượng lao dốc không phanh của thị trường cổ phiếu (CP) phát đi những tín hiệu đáng lo ngại. (Nguyên Hà)
- Xác định giá đất đền bù giải tỏa: “Thành - bại” cho một dự án: Theo đánh giá tại tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đơn thư tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm trên 60% tổng số đơn thư khiếu nại, trong đó nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, hồ sơ tranh chấp giá đất trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy việc xác định giá đất để đền bù giải tỏa là yếu tố quan trọng đến sự “thành - bại” cho một dự án. (Đỗ Trà Giang)
- Thúc đẩy năng suất làm việc cùng AI (Nhã Trúc)
- Không chủ quan với bệnh lý sa sút trí tuệ (TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)
- Nối mạch cảm hứng sáng tạo thân phận Thúy Kiều: Lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” vừa được công diễn tại Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM cho thấy một thế hệ trẻ có khuynh hướng tìm kiếm những vẻ đẹp mới từ kho tàng nghệ thuật của cha ông. Thân phận Thúy Kiều nối mạch cảm hứng sáng tạo trên sàn diễn hiện đại, thực sự gợi mở cho nhiều thao thức của nghệ sĩ và công chúng. (Tuy Hòa)
- Kinh tế thế giới “tê liệt” vì địa chính trị: “Thế giới đang ở trong tình trạng hiểm họa lớn và tê liệt. Niềm tin đang sụp đổ, sự bất bình đẳng đang bùng nổ, hành tinh của chúng ta đang bùng cháy. Con người đang bị tổn thương, với những người dễ bị tổn thương nhất" - Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo. (Văn Cường)
- Gautam Adani: Tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất 2022: Trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Gautam Adani chỉ là người giàu thứ 7 ở Ấn Độ. Nhưng chỉ 2 năm sau, ông không chỉ giàu nhất Ấn Độ, giàu nhất châu Á, mà còn là tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, theo xếp hạng của Forbes ngày 20-9. (Ánh Vân)
Và nhiều chuyên mục khác…
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác