Đông Nam Á “Quân cờ” chiến lược

(ĐTTCO) - Trong những năm qua, Đông Nam Á (ASEAN) luôn được đánh giá là khu vực năng động và tăng trưởng tích cực nhất trên bản đồ kinh tế thế giới. Theo báo cáo đầu tư hàng năm của ASEAN, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI vào các nước trong khu vực đã tăng từ 147 tỷ USD năm 2017 lên 155 tỷ USD năm 2018. 
Đông Nam Á “Quân cờ” chiến lược
Thị trường đầu tư rộng lớn
Đến nay, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong khu vực ASEAN. Mối quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đạt kỷ lục, tăng từ 395 tỷ USD năm 2015 lên 587,87 tỷ USD năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 14,1%/năm.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới Mỹ-Trung chưa có điểm dừng, Trung Quốc thật sự cần ASEAN hơn bao giờ hết. Với thị trường rộng lớn lên đến 641 triệu người, ASEAN có đủ điều kiện và tiềm năng để trở thành bạn hàng mới của Trung Quốc sau những rạn nứt trong mối quan hệ với Mỹ. 
Số liệu nửa đầu năm 2019 cho thấy, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tăng 10,5% lên đến 288 tỷ USD. Hơn nữa, để phục vụ sáng kiến “Một vành đai - Một con đường”, Trung Quốc đã đầu tư hàng loạt dự án vào các nước trong khu vực. Trong đó phải kể đến việc cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại thị trường Indonesia trong các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, các cảng biển, đường sắt…
Theo báo cáo của Ngân hàng Maybank, trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc đã đầu tư gần 3 tỷ USD vào Indonesia, trong đó có hơn 200 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng trị giá lên đến 75,5 triệu USD. Trong tương lai, Trung Quốc dự kiến sẽ vượt mặt Nhật Bản với 4,9 tỷ USD mỗi năm để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Indonesia. 
Trong khi đó tại Malaysia, Trung Quốc đã đầu tư vào dự án xây dựng tuyến đường sắt từ cảng Kuantan, phía Đông bán đảo Malaysia đến cảng Klang ở bờ Tây với tổng chiều dài 311km… Trung Quốc hiện cũng đang đầu tư vào dự án xây dựng bến cảng tại Kuala Linggi, TP Malacca với tổng số vốn 2,8 tỷ USD, dự kiến xây dựng trong 5-10 năm. 
Một đối trọng lớn của Trung Quốc tại khu vực là Ấn Độ, cũng đang đánh giá rất cao vai trò của ASEAN bằng chính sách “hướng Đông”. Chính sách “hướng Đông” được công bố bởi Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nêu rõ nước này chủ trương thắt chặt mối quan hệ đối với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhằm tạo nên sự kết nối giữa Ấn Độ và Đông Nam Á.
 Để có thể “so kè” cùng sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc, Ấn Độ đã cùng 4 nước tiểu vùng sông Mekong lên ý tưởng về sáng kiến “Hành lang kinh tế Mekong” ước tính có tổng giá trị đầu tư lên đến 88 tỷ USD. Dự án này có xuất phát điểm từ cảng Chennai, băng qua vịnh Bengal, kết nối với TP Dawei của Myanmar, đến thủ đô Bangkok của Thái Lan, qua thủ đô Phnompenh của Campuchia, kết nối với TPHCM và TP Vũng Tàu, nơi tập trung những cảng biển nước sâu, đủ sức chứa cho các tàu thuyền có tải trọng lớn.
Nếu sáng kiến trở thành hiện thực, 4 TP có tuyến đường này đi qua sẽ trở thành 4 trung tâm kinh tế cực kỳ phát triển của khu vực Đông Nam Á, nâng tầm quan hệ thương mại kinh tế giữa Ấn Độ và 4 quốc gia vùng Mekong ngày càng thắt chặt và phát triển sâu rộng. 
Đảm bảo chiến lược an ninh, ổn định
ASEAN luôn là một khu vực mang tầm vóc chiến lược quan trọng của Mỹ. Chính phủ Mỹ ưu tiên chủ trương đảm bảo an ninh, sự ổn định và phát triển tại khu vực ASEAN nhằm đảm bảo lợi ích an ninh cho tuyến hàng hải từ Đông sang Tây.
Mỹ vẫn giữ mối quan hệ mật thiết đối với các đồng minh thân cận của mình từ thời Chiến tranh lạnh như Philippines và Thái Lan, nhưng cũng không ngừng tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực, điển hình như Singapore và đặc biệt là Việt Nam.
2 cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao quan trọng giữa Mỹ và Triều Tiên gần đây trong năm 2018 và 2019 đều được lựa chọn tổ chức tại 2 quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng Mỹ hoàn toàn tin tưởng và đánh giá cao vấn đề an ninh và hòa bình ổn định tại 2 quốc gia này.
Hơn thế nữa, qua hành động lựa chọn quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Mỹ muốn gửi thông điệp đến Triều Tiên về sự phát triển của khu vực ASEAN nói chung và 2 quốc gia Việt Nam và Singapore nói riêng.
Nhằm tiếp tục thể hiện sự hiện diện của mình tại ASEAN, Mỹ đã tạo ra hàng loạt cơ hội về giao thương, thiết lập các mối quan hệ thương mại theo cơ chế win-win, 2 bên đều có lợi. Cụ thể, năm 2017 kim ngạch thương mại giữa Mỹ và khu vực ASEAN đã đạt tổng cộng 303 tỷ USD.
Trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất tại khu vực gồm Singapore (33 tỷ USD), Malaysia (12,9 tỷ USD), Thái Lan (12,6 tỷ USD), Việt Nam (9,7 tỷ USD) và Philippines (8,7 tỷ USD). Khác với Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ không thực hiện hàng loạt dự án đầu tư lớn vào khu vực, nhưng thay vào đó họ tập trung đầu tư theo hình thức cổ phiếu.
Theo báo cáo năm 2017 của đại diện Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ, nước này đã thực hiện hàng loạt dự án đầu tư theo hình thức trái phiếu vào các doanh nghiệp tại ASEAN với tổng số vốn lên đến 328,8 tỷ USD. Mỹ đã đề xuất cùng Ấn Độ, Nhật Bản, Australia tổ chức các cuộc hội đàm về việc hình thành liên minh quân sự “Tứ giác kim cương” trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng việc cung cấp các trang thiết bị tuần tra an ninh trên biển cho các nước ASEAN, tổ chức các cuộc tập trận thường niên với sự tham gia của các quốc gia trong khu vực.
 Với chiến lược đầu tư của các cường quốc, khu vực ASEAN đang có cơ hội cực kỳ thuận lợi để tạo đà cho sự phát triển, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn và thách thức.

Các tin khác