Đông Nam Á trong chiến lược “tách Trung” của Mỹ

(ĐTTCO)-Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa có thể sẽ không để Mỹ tiếp tục làm ăn với Trung Quốc (tách Trung). Cho đến nay, ông đã có nhiều động thái để thúc đẩy điều này, như hứa hỗ trợ các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc, cấm các cơ quan liên bang làm ăn với các công ty bỏ Mỹ sang Trung Quốc… Vậy, nếu Tổng thống Trump thực sự quyết định tách Trung, các nước Đông Nam Á (ĐNÁ) có hưởng lợi?
Đông Nam Á trong chiến lược “tách Trung” của Mỹ
Nhìn lại quan hệ Mỹ-ĐNÁ
Quan hệ thương mại Mỹ-ĐNÁ rất quan trọng đối với cả 2 bên. Với Mỹ, ĐNÁ là một trong những thị trường lớn nhất, phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến 5%, ĐNÁ được kỳ vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vào năm 2050.
Nhân khẩu học của ĐNÁ sẽ củng cố sự tăng trưởng này. Tầng lớp trung lưu của Hiệp hội Các quốc gia ĐNÁ (ASEAN) dự kiến khoảng 350 triệu người, với thu nhập khả dụng khoảng 300 tỷ USD vào năm 2020. Với độ tuổi trung bình 28 tuổi, ĐNÁ sẽ cung cấp cho các công ty Mỹ nguồn lao động dồi dào trong những thập niên tới.
Nền kinh tế Mỹ và ĐNÁ cũng có tính bổ sung cao, tạo ra lợi ích rộng khắp cho cả 2 bên. Đối với ĐNÁ, Mỹ là nguồn cung cấp máy móc điện tử quan trọng, máy bay và nông sản, đào tạo kỹ thuật và giáo dục. Trong khi Mỹ là điểm đến của máy móc điện tử, hàng may mặc và nông sản được sản xuất ở ĐNÁ. Nhìn chung, 10 quốc gia ASEAN đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang ĐNÁ ổn định kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, đạt 86,2 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. 
Doanh số bán hàng ở ĐNÁ được dự đoán chiếm hơn 10% doanh số toàn cầu các tập đoàn lớn của Mỹ trong 20 năm tới. Boeing dự đoán khu vực sẽ chiếm hơn 10% tổng nhu cầu máy bay dân dụng toàn cầu, với hơn 4.200 chiếc trị giá 650 tỷ USD trong vòng 20 năm tới.
Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang ĐNÁ đạt 30 tỷ USD trong năm 2018, tăng 117% so với thập niên trước, bao gồm các dịch vụ tài chính, ăn uống, kinh doanh điện tử và giải trí. Đáng lưu ý, hơn nửa triệu việc làm ở Mỹ được hỗ trợ bởi thương mại với ASEAN. 

Tách Trung đã khởi động
Sau 40 năm hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, khó có thể tưởng tượng mối quan hệ thực sự bị cắt đứt, khi cả 2 bên đều đổ lỗi cho bên kia. Với Mỹ, một dự luật buộc các công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ nếu họ không mở sổ cho các cơ quan quản lý của Mỹ, đã được thông qua gần đây.
Trong khi Trung Quốc chỉ ra việc ông Trump đơn phương áp đặt thuế quan. Mỹ phản hồi rằng Google và Facebook đã bị chặn ở Trung Quốc hơn 1 thập niên trước khi Mỹ có hành động chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ByteDance.
Lo ngại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) của các công ty Trung Quốc, Mỹ đang tích cực tìm giải pháp thay thế Trung Quốc cho các chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ cao của họ.
Mỹ cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm của việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn lao động có tay nghề cao, thị trường nội địa khổng lồ, cơ sở hạ tầng hậu cần hiệu quả và các lợi thế khác của Trung Quốc tiếp tục thu hút và duy trì sự quan tâm đầu tư của Mỹ. 
Lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ là yếu tố quan trọng đối với sức mạnh và sự ổn định cả về kinh tế và quân sự. Đặc biệt, chất bán dẫn là xương sống của ngành công nghiệp công nghệ cao Mỹ. Nhiều công ty công nghệ cao thành công của Mỹ sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc, khiến chuỗi cung ứng của họ dễ bị đánh cắp IP.
Đa dạng hóa, tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc là điều cần thiết cho nền kinh tế trong tương lai và an ninh vững chắc của Mỹ. Nhưng các nước khác sẽ khó có thể tái tạo hiệu suất và chất lượng như Trung Quốc, nếu không đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và đào tạo. 

Tiềm năng của Việt Nam và ĐNÁ
 ASEAN khó có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong vòng vài thập niên tới. Tuy nhiên, bằng cách thiết lập một giải pháp thay thế đáng tin cậy ở ĐNÁ, Mỹ có thể đàm phán với các công ty Trung Quốc và chính phủ tốt hơn để bảo vệ tài sản trí tuệ và đảm bảo các thông lệ kinh doanh tốt. 
ASEAN gồm 10 quốc gia với tổng dân số khoảng 650 triệu người hiện được nhìn nhận là nơi có một số cơ sở chuỗi cung ứng mới tiềm năng. Thí dụ, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN phát triển nhanh nhất trước Covid-19.
Chúng ta có chi phí lao động thấp và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng kinh tế như đường cao tốc, cảng và cung cấp điện. Chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc và đang tiến bộ về kỹ năng và hiệu suất. Việt Nam đã nổi lên trong những năm gần đây, trở thành đối tác thương mại và đầu tư hấp dẫn và thay thế một phần chuỗi cung ứng cho Trung Quốc.
Việt Nam và các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, từ lâu đã nhận được đầu tư tư nhân đáng kể của Mỹ, nhưng vẫn thiếu khả năng đáp ứng đầy đủ cho việc di dời các công ty Mỹ có trụ sở từ lâu tại Trung Quốc. Một quá trình chuyển đổi hoàn toàn sẽ mất hàng thập niên và khó xảy ra.
Tuy nhiên, đầu tư nhiều hơn vào ĐNÁ có thể đẩy nhanh sự chuyển dịch trong các địa điểm sản xuất, chế tạo và lắp ráp. Đầu tư nước ngoài vào giáo dục và đào tạo nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả và kỹ năng của người lao động khu vực này, sẽ khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động chuỗi cung ứng nhiều hơn vào ĐNÁ.
Ý tưởng trả lại hoàn toàn các ngành công nghiệp chủ chốt cho Mỹ của ông Trump rất được hoan nghênh ở trong nước. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa ra quyết định dựa trên việc tối đa hóa lợi nhuận, hiệu quả và phục vụ thị trường nước ngoài.
Dù gần đây, một số doanh nghiệp đã thành lập cơ sở nhỏ ở Mỹ trong nỗ lực xoa dịu các nhà hoạch định chính sách, nhưng 4 năm qua không thấy bất kỳ sự chuyển dịch quy mô lớn nào của sản xuất thực sang Mỹ.
Vì thế, chiến lược “Trung Quốc cộng một” đầu tư cả vào Trung Quốc và 1 hoặc nhiều quốc gia ở ĐNÁ là cách tiếp cận thiết thực nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ. Năng lực chuỗi cung ứng của các quốc gia ĐNÁ đang phát triển sẽ cho phép các công ty Mỹ lựa chọn đối tác dựa trên nhu cầu và khả năng, không chỉ dựa vào Trung Quốc. Chiến lược này cũng tính đến quy mô và mức độ phức tạp của thị trường Trung Quốc.  

Các tin khác