Dự án xây dựng cơ bản: Định giá lạc hậu, thất thoát, lãng phí

(ĐTTCO)-Những thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua có nguyên nhân đáng kể do hệ thống định mức, đơn giá quá lạc hậu. Đó là nhận định của ông PHẠM VĂN KHÁNH, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), trong cuộc trao đổi với ĐTTC về việc làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý các dự án, đặc biệt là dự án đầu tư công.
 Ảnh chi mang tính chất minh họa.
Ảnh chi mang tính chất minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hệ thống định mức và giá xây dựng tác động như thế nào đến hiệu quả đầu tư các dự án xây dựng cơ bản? Liệu chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng thất thoát lãng phí đã xảy ra tràn lan tại nhiều dự án trong thời gian vừa qua?
Ông PHẠM VĂN KHÁNH: - Trong nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả đầu tư dự án, hệ thống cơ chế chính sách về định mức và giá xây dựng có ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta có đủ công cụ quản lý để xác định chi phí hợp lý và phù hợp với cơ chế thị trường, việc thực hiện các dự án sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ và không vượt chi phí dự tính.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ và công khai sẽ giúp chúng ta kiểm soát được quá trình đầu tư, góp phần tạo ra thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh hơn, tránh thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. 
Hiện cả nước có hơn 20.000 định mức xây dựng, trong đó hầu hết có từ thời bao cấp, không còn phù hợp. Đã vậy, sự bất cập thể hiện ở chỗ, việc quản lý định mức và đơn giá xây dựng còn mang tính bao cấp, các công nghệ lạc hậu vẫn cho thực thanh, thực chi dẫn đến tăng chi phí dự án.
Nguyên nhân do xác định đơn giá định mức, vật liệu, nhân công, máy móc chưa phù hợp với kinh tế thị trường, chưa theo điều kiện về thương mại. 
Chẳng hạn, đơn giá mua 100 tấn sắt với 1kg sắt như nhau. Còn đơn giá nhân công chia thành 2 nhóm, chênh lệch nhau 13%, nhưng thực tế mức chênh lệch này lên đến mấy trăm %. Về giá máy hiện chỉ có 1 mức, nhưng thực tế ca máy thuê 1 giờ với ca máy thuê 1 tuần chênh nhau 10-30%.
Hay cơ chế chi phí thuê máy trực tiếp, gián tiếp chưa chuẩn cũng dẫn đến sai lệch chi phí. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý chi phí, phục vụ nhà nước để định hướng, tạo thị trường minh bạch cạnh tranh chưa đầy đủ. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có quy định áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý chi phí nói riêng, quản lý chi phí xây dựng nói chung.
Thí dụ, cơ chế áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) để thực hiện dự án hoàn toàn trên máy tính, sau đó triển khai thực tế. Mô hình này đang được triển khai rất tốt ở các nước, làm giảm thời gian xây dựng, giảm chi phí xây dựng 20-30%... Những bất cập này chính là cơ hội cho thất thoát, lãng phí, bị trục lợi mà các cơ quan quản lý không kiểm soát được.
- Thực tế Bộ Xây dựng đã nhận ra vấn đề và đặt ra yêu cầu phải “tính đúng, tính đủ, tính giá tại chân công trình”, vậy tại sao cách tính định mức, đơn giá cũ vấn tiếp tục kéo dài cho đến nay, thưa ông?
 Bộ Xây dựng đang đề nghị các bộ ngành, địa phương, nhất là Bộ GTVT và Hà Nội, TPHCM khẩn trương xây dựng định mức, đơn giá mới làm cơ sở để xác định dự toán, làm căn cứ cho giá các gói thầu sắp tới, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
- Đúng là Bộ Xây dựng đã đặt ra yêu cầu đổi mới từ những năm 2007 và đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. 3 năm gần đây, Bộ Xây dựng đã được sự hỗ trợ tích cực của các nước như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Đặc biệt, các chuyên gia Nhật Bản đã cung cấp cho chúng tôi những quy định, quy chế cũng như cách làm của Nhật Bản, 2 bên cùng trao đổi về quy định của 2 nước, phân tích và kiến nghị những hướng đi hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến thời điểm này, chúng ta mới có đủ điều kiện, đủ cơ chế để làm triệt để.
Hiện chúng tôi đang xây dựng một hệ thống định mức và giá phù hợp với thị trường. Để có hiệu quả cao, cách tính giá mới phải đi kèm với cơ chế quản lý. Cơ chế sắp tới yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước sau một thời gian, thí dụ sau 1 năm phải xem xét lại đơn giá nhân công, sau 2 năm rà soát lại toàn bộ hệ thống định mức, hàng năm khi có công nghệ mới phải chủ động để xây dựng định mức và giá.
Khi xét thầu, những nhà thầu với giá đó nhưng làm tốt hơn, nhanh hơn sẽ trúng thầu, đồng thời nhà thầu có công nghệ mới, giảm giá thành sẽ được chọn. Chúng tôi cũng có ý kiến với cơ quan đấu thầu xem xét kinh nghiệm xét thầu của nước ngoài, lựa chọn nhà thầu mang lại hiệu quả tốt nhất cho dự án, không chọn nhà thầu có giá thấp nhất nhưng không mang lại hiệu quả.
- Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có sự tham gia của 7 bộ ngành và địa phương. Để đề án thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan liên quan là gì, thưa ông?
- Theo kế hoạch, trong các năm 2019-2021 Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương sẽ hoàn thành bộ hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới.
Về phía Bộ Xây dựng, trong năm qua đã rà soát và loại bỏ hơn 1.000 định mức lạc hậu, sửa đổi hơn 3.000 định mức, bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ, sát với thực tiễn, bổ sung hơn 2.000 định mức mới… Tuy nhiên, phần việc của các bộ quản lý chuyên ngành và các địa phương hiện nay còn chậm so với yêu cầu tiến độ.
- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác