Dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn

(ĐTTCO)-Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt trên 8,6 tỷ USD và 9 tháng năm nay là hơn 6 tỷ USD.
Dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn về nông, thủy sản của thế giới với quy mô khoảng 160 tỷ USD/năm; trong đó, rau quả khoảng 9-10 tỷ USD; thủy sản từ 8-10 tỷ USD; thịt và sữa đạt từ 9-10 tỷ USD và gạo từ 2-2,5 tỷ USD...

Phát biểu tại Hội thảo “Giới thiệu về thị trường Trung Quốc: Kinh nghiệm hợp tác và cơ hội kinh doanh” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ chiều 30/10, ông Trần Văn Công cho biết dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Bởi lẽ, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào quốc gia này chỉ đạt trên 8,6 tỷ USD và 9 tháng năm nay là hơn 6 tỷ USD.

"Rõ ràng, so với quy mô 160 tỷ USD mà Trung Quốc nhập khẩu mỗi năm thì con số của Việt Nam bán sang đây là quá nhỏ," ông Công nói.

Riêng mặt hàng trái cây, ông Công cho hay hiện Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch được 9 loại trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc, gồm: thanh long, chôm chôm, dưa hấu, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt; trong đó 4/9 loại trái cây trên đang chiếm 85-95% thị phần tại Trung Quốc.

Để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc, ông Công yêu cầu các doanh nghiệp cần cập nhật các quy định mới ở thị trường này và phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường đề ra.

Tại hội thảo, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết người dân Trung Quốc rất thích các loại trái cây của Việt Nam.

Theo ông Cẩm, với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới, mỗi năm quốc gia này chi khoảng 2.000 tỷ USD để nhập hàng hóa và dự báo sẽ lên 10.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó có nhiều loại trái cây.

“Bình quân, mỗi năm một người Trung Quốc tiêu thụ 30kg sữa; 40kg thịt lợn; 50kg hoa quả và dự báo sẽ tăng lên 70kg," ông Cẩm dẫn chứng.

Dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết đến hết tháng 9/2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã vượt 110 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Với GDP bình quân đầu người hiện nay trên 10.000 USD/năm, mức sống của người dân Trung Quốc ngày càng cao và yêu cầu đối với các sản phẩm hàng hóa trong nước cũng như nước ngoài cũng cao hơn.

Theo ông Cẩm, vấn đề hiện nay là kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Trung Quốc như thế nào và doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về thị trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Không chỉ là đối tác nhập khẩu lớn về hàng nông, lâm, thủy sản, Trung Quốc còn là quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam với 2.149 dự án đầu tư.

Theo bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, tính đến nay, Trung Quốc là quốc gia xếp thứ 7 trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

"Hiện Trung Quốc có 2.149 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 13,3 tỷ USD, riêng năm 2018, quốc gia này có 389 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 2,4 tỷ USD," bà Trang cho biết.

Theo bà Trang, các dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như: chế biến, chế tạo công nghiệp, khai khoáng. Ngoài ra, quốc gia này cũng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ nông lâm, ngư nghiệp và chế biến thủy sản...

Xét về phạm vi phân bố, bà Trang cho biết các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam phân bố rộng khắp trên 53 tỉnh, thành phố cả nước.

Các tin khác