Đủ dư địa để kiểm soát lạm phát ở mức 4%

(ĐTTCO) – Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Theo các chuyên gia kinh tế, việc lạm phát duy trì mức thấp nửa đầu năm sẽ là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu.
Đủ dư địa để kiểm soát lạm phát ở mức 4%
 Ngày 2-7, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”. 
Theo nhận định của đại diện Cục Quản lý giá, mặt bằng giá diễn biến 6 tháng đầu năm theo hướng tăng cao là quy luật vào dịp lễ, tết, và giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3 và 4, trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và 6-2021.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI cũng phản ánh đúng diễn biến mặt bằng giá. So với tháng liền kề, CPI của tháng 1 tăng 0,06%, tháng 2 tăng cao 1,52%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,19%. Từ đó, đưa CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng 5-2021 và tăng 1,14% so với tháng 6-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Đủ dư địa để kiểm soát lạm phát ở mức 4% ảnh 1

Theo các chuyên gia kinh tế, việc lạm phát duy trì mức thấp nửa đầu năm sẽ là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, nhận định tổng cầu yếu do Covid-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Mục tiêu kiểm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được, vì còn nhiều dư địa. 
TS Nguyễn Đức Độ phân tích, nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12-2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%.
Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12-2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, đưa ra 2 kịch bản cho CPI năm 2021.
Cụ thể, nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng ở mức 6,8 - 7%, thì khả năng lạm phát cả năm  khoảng 3,3 - 3,5%. Tuy nhiên nếu kinh tế tăng trưởng ở mức 7 - 7,4% thì khả năng lạm phát sẽ ở mức 3,8 - 4,0%.

Các tin khác